Cụ ông miền Tây biến vỏ lon thành đồ chơi 'độc' nuôi hai con hết đại học

09/08/2017 09:33 GMT+7

Những vật liệu như vỏ lon bia, nước ngọt tưởng bỏ đi, nhưng qua bàn tay khéo leo cùng óc thẩm mỹ tinh tế, ông Mã Tấn Phát (62 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đã biến chúng thành những món đồ chơi độc đáo.

Căn nhà nhỏ của ông Phát nằm sâu trong hẻm tại P.An Hòa (Q.Ninh Kiều) được bày trí rất nhiều đồ chơi do ông tự làm ra từ vỏ lon bia, lon nước ngọt. Nào là mô hình xe, nón, đồ gạc tàn thuốc, đặc biệt là trực thăng vũ trang và máy bay chiến đấu. Những món đồ chơi trông rất bắt mắt. Đặc biệt, mỗi khi có cơn gió thổi qua những cánh quạt máy bay đồ chơi quay tít hệt như chuẩn bị cất cánh.


Ông Phát chuẩn bị vật liệu để lắp ráp đồ chơi Ảnh: Nguyên Đạt
Ông Phát đang lắp ráp đồ chơi Ảnh: Nguyên Đạt

Vậy mà đã 30 năm ông Phát gắn bó với nghề lạ này để nuôi sống gia đình. Ông Phát kể năm 1987, khi đó cuộc sống gia đình quá khó khăn nên ông suy nghĩ làm cách gì để kiếm tiền.

“Lúc này, đồ chơi cho trẻ em rất hiếm. Rồi tình cờ xem tivi tôi thấy ở nước ngoài có một số người tìm những phế phẩm như: chai nước ngọt, chai nhựa… để làm mô hình các ngôi nhà, hoặc là làm một cái gì có ích. Trong khi đó, ở nước ta vỏ lon bia, nước ngọt người ta thường bỏ đi sau khi sử dụng. Thành thử, tôi suy nghĩ tại sao mình không học hỏi tận dụng để làm đồ chơi cho trẻ em”, ông Phát nói.

Máy bay chiến đấu MIG 21 huyền thoại được ông Phát lắp ráp từ vỏ lon bia trông như thật Ảnh: Nguyên Đạt

Nghĩ là thế nhưng để có một sản phẩm đồ chơi thực tế quả là cả một vấn đề. Ông Phát tự tìm các mô hình, các sản phẩm bỏ đi để nghiên cứu. Cứ thế, không biết bao nhiêu vỏ lon bia được ông làm rồi bỏ đi để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Theo ông Phát, khi ông mua vỏ lon bia, nước ngọt về, trước hết ông cắt ra rửa sạch, phơi khô rồi xử lý những chỗ bén, nhọn để tránh nguy hiểm cho trẻ em. Sau đó, tùy mô hình cần làm mà ông cắt tạo ra các khớp ráp từng bộ phận để thành món đồ chơi hoàn chỉnh. Mỗi khi nghĩ về một sản phẩm mới, ông lại lên mạng tìm tòi, học hỏi rồi cặm cụi sáng tạo để thành những linh kiện tinh xảo rồi lắp ráp. Hiện nay, những món đồ chơi do ông Phát làm ra không dùng keo dán mà chỉ cần lắp ráp.

Mô hình trực thăng vũ trang và máy bay trinh sát của Mỹ được ông Phát nghiên cứu lắp ráp rất giống với thực tế Ảnh: Nguyên Đạt

Ông Phát cho biết trước khi cho các sản phẩm ra thị trường, mỗi một chi tiết phải cuốn mép giấu vô hết. Trẻ nhỏ rất hiếu động, nên phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chúng khi tiếp xúc với đồ chơi. Trước đây, sản phẩm làm ra, ông Phát đón xe đò sang các tỉnh lân cận để bán, có lần ông mang qua tận Campuchia để chào hàng. Cũng nhờ những món đồ chơi này, ông đã nuôi 2 con học xong đại học. Hiện nay, do lớn tuổi, sức khỏe kém không đi xa được, nên ông Phát thường nhận đặt hàng tại nhà và bán hàng qua mạng. Hôm nào khỏe thì ông lại mang hàng lên xe đến các khu vực đông dân cư để bán. Sau 30 năm mày mò, nghiên cứu, ông Phát đã tạo ra hàng chục mẫu đồ chơi với giá bán từ 50.000 - 300.000 đồng/món. Tất cả đều được trẻ em và cả người lớn yêu thích.

Ông Phát chuẩn bị cho một chuyến đi bán đồ chơi Ảnh: Nguyên Đạt

Như vậy, từ những thứ tưởng bỏ đi, nhưng qua bàn tay khéo léo cùng óc thẩm mỹ và trí tưởng tượng phong phú, ông Phát đã làm nên những món đồ chơi độc đáo, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, cũng như kích thích sự sáng tạo cho trẻ. Hiện ông Phát đang ấp ủ để tạo ra những sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của trẻ em.

“Đó là xe xích lô Hà Nội, menu trong nhà hàng, tàu, cano, mô hình thuyền buồm cổ... Có nhiều cái để mình làm nhưng cần rất nhiều thời gian nghiên cứu để làm ra. Tuy nhiên, với kinh nghiệm trong thời gian qua, tôi tin mình sẽ thành công”, ông Phát nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.