Nhiều cư dân mạng xã hội Trung Quốc không cầm được nước mắt trước câu chuyện về cụ ông bị lạc đường, không nhớ tên tuổi của mình nhưng mang theo những kí ức về người vợ bao gồm bức thư tình gửi vợ được viết cách đây 40 năm.
Theo South China Morning Post, khi được cảnh sát hỏi chuyện, ông nói không nhớ tên và nơi ở của mình nhưng cho biết lúc còn trẻ, ông từng theo học ở Đại học Công nghệ Đại Liên. Ông không mang theo thứ gì cả ngoài một bức thư tình gửi vợ được viết cách đây 40 năm và một giấy chứng nhận hỏa thiêu thi hài của vợ cách đây 17 năm.
tin liên quan
Cụ ông 88 tuổi mệnh danh 'bách khoa toàn thư của phường' nhờ 25 năm đọc báoNgày 24.8, đại diện Báo Thanh Niên trao tặng phần quà của báo là 15 tháng đọc báo Thanh Niên miễn phí cho cụ Tạ Chương Tòng, 88 tuổi ở Gia Lai.
Các bức ảnh chụp các cảnh sát đang dẫn đường cụ ông này cùng với bức thư tình viết tay dài hai trang ngay lập tức gây sốt sau khi chúng được một blogger nổi tiếng có 230.000 theo dõi đăng lên mạng xã hội Weibo.
Chỉ hai tiếng sau khi các bức ảnh được đăng tải, cụ ông được một cư dân mạng nhận diện và cho biết cụ tên là Zhang Liansheng, một cán bộ hưu trí của Đại học Công nghệ Đại Liên.
Cư dân mạng này nói rằng ông Liansheng sinh sống ở khu dân cư Trường Lĩnh thuộc thị xã Trang Hà, thành phố Đại Liên. Nhờ thông tin từ mạng xã hội, cảnh sát đã đưa cụ Liansheng về đoàn tụ với gia đình.
Trong bức thư gửi cho người vợ đề ngày 30.4.1977 mà cụ Liansheng mang theo bên mình khi đi lạc, Liansheng khuyên vợ đừng lo lắng và cho biết ông đã mua thuốc giảm đau bụng kinh cho bà ấy.
Địa chỉ của người gửi thư là Nhà máy thiết bị nông nghiệp Trường Lĩnh ở Trang Hà, tỉnh Liêu Ninh.
Đoạn dưới của bức thư, ông Liansheng viết: “Anh đã mua chiếc máy may và các linh kiện của nó sẽ được chuyển bằng xe buýt về làng quê, nơi em có thể nhận nó... Anh chỉ có thể về nhà vào ngày 10.5, đừng lo lắng nhé”.
Máy may là vật dụng phổ biến ở nhiều gia đình Trung Quốc vào thời kỳ đó.
Nhiều cư dân mạng đã rơi nước mắt trước câu chuyện của cụ Liansheng. Một cư dân mạng viết câu bình luận được nhiều người “like” nhất: “Anh đã quên anh là ai nhưng anh vẫn mãi không quên rằng anh yêu em”.
Bình luận (0)