Cụ Phan Châu Trinh, tiến sĩ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng từng ở tù Côn Đảo

20/01/2023 16:32 GMT+7

Từ thập niên 1880 trở đi, Côn Đảo (tên lúc đó là Côn Lôn) là một trong những nơi được sử dụng đày ải các chiến sĩ Cần vương. Song, sự kiện Trung kỳ kháng thuế năm 1908 mới đánh dấu một trang sử đầy bi kịch.

Theo cụ Huỳnh Thúc Kháng, tác giả Huỳnh Thúc Kháng niên phổ - Thơ trả lời Kỳ ngoại hầu Cường Để, thì khi cụ cùng nhóm 26 người được chở đến Côn Đảo ngày 28.8.1908, cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh đã có mặt tại làng An Hải là một trong hai ngôi làng của hòn đảo chánh lúc bấy giờ.

Nhà cách mạng Phan Châu Trinh bị đày Côn Đảo năm 1908

t.l

Ngay trong đêm đó, cụ Huỳnh và anh em mới đến nhận được lá thư tay của cụ Tây Hồ thăm hỏi và chỉ vẽ các việc trong tù để mọi người am hiểu (sđd – NXB Văn hóa Thông tin – 2000, trang 44 đến 46).

Vào thời điểm năm 1908 , gánh nặng sưu thuế ngày càng đè lên vai người dân thuộc địa nghèo. Tức nước vỡ bờ, sau những cuộc diễn thuyết kêu gọi không đóng thuế cho thực dân Pháp của các nhà nho yêu nước, tháng 3.1908, người dân Quảng Nam quyết định vùng lên, tổ chức những cuộc biểu tình kháng thuế, khởi phát từ huyện Đại Lộc (Quảng Nam), sau lan rộng sang các tỉnh lân cận.

Trước tình hình nghiêm trọng, thực dân Pháp phản ứng một cách tàn bạo, kể cả việc nhắm bắn thẳng vào đám đông. Đến tháng 5.1908, họ làm chủ tình hình khắp nơi, từ Huế vào đến Nha Trang. Chiến dịch bắt bớ, tù đày bắt đầu với các nhân sĩ trí thức có ảnh hưởng rộng lớn trong công chúng và Côn Đảo là nơi mà chính quyền Pháp chọn lựa để làm nơi lưu đày họ.

Một trong những người đầu tiên bị đưa xuống tàu ra Côn Đảo là cụ Phan Châu Trinh, vào khoảng tháng 4.1908. Đến tháng 8.1908, đến lượt các tiến sĩ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, Cử nhân Đặng Văn Bách, Lê Văn Ôn... (Đại Nam thực lục chính biên – Đệ lục kỷ phụ biên – NXB Văn hóa - Văn nghệ - 2011, trang 508).

Theo bài thơ Đập đá Côn Lôn cụ Tây Hồ sáng tác trong thời gian ở Côn Đảo, người ta biết rằng có thời điểm cụ phải đi đập đá, vốn là một trong những công việc cực nhọc của người tù:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Xách búa đánh tan năm bảy đống,

Ra tay đập bể mấy trăm hòn ...

Bài thơ Đập đá Côn Lôn cụ Tây Hồ sáng tác trong thời gian ở Côn Đảo

T.L

Năm 1909, sau sự kiện Hà thành đầu độc diễn ra trước đó một năm, Côn Đảo lại được dịp ghi đậm dấu chân của các nhà cách mạng Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Võ Hoành và hàng trăm thanh niên yêu nước khác. Nhờ sự can thiệp của các tổ chức nhân quyền Pháp, cụ Phan Châu Trinh là một trong những người rời hòn đảo sớm nhất, được trả tự do vào năm 1910, và cùng con trai là Phan Châu Dật sang Pháp một năm sau đó. Về phần các nhà nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn ... phải chờ đến năm 1921 mới được trả tự do sau 13 năm tù đày.

Hai cụ Ngô Đức Kế (trái) và Huỳnh Thúc Kháng cùng bị đày Côn Đảo năm 1908

T.L LÊ NGUYỄN

Thập niên 1940, Côn Đảo một lần nữa dậy sóng với sự có mặt của “người tù thế kỷ” Sơn Vương Trương Văn Thoại (1909 - 1987). Ông là một nhà văn, chỉ trong 2 năm 1930-1931, đã cho ra đời 20 tập truyện ngắn mỏng, mỗi tập chỉ vài mươi trang (Bằng Giang – Sài Côn cố sự - NXB Tổng Hợp TP.HCM – 2018, trang 100). Song người đời biết đến Sơn Vương không phải qua thân thế một nhà văn, mà là một giang hồ hiệp khách, với mấy chục năm trời vào tù ra khám. (Còn tiếp).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.