'Cú sụp đổ' khi Trung Quốc cấm dạy thêm

Văn Khoa
Văn Khoa
03/11/2021 18:20 GMT+7

Lệnh cấm dạy thêm ở Trung Quốc bị cho là đang khiến ngành dạy thêm trị giá hàng ngàn tỉ nhân dân tệ sụp đổ, với hàng triệu giáo viên và gia đình bình thường gánh tổn thất.

Học sinh tại một trường ở Trung Quốc hồi tháng 10.2021

Chụp Màn Hình NBC News

Tạp chí trực tuyến SIXTH TONE, thuộc công ty truyền thông Shanghai United Media Group nằm dưới sự giám sát của Đảng ủy thành phố Thượng Hải, ngày 1.11 đăng bài về tác động sâu rộng của lệnh cấm dạy thêm do chính phủ Trung Quốc ban hành hồi tháng 7. Theo lệnh này, nhiều lớp học vào những ngày cuối tuần và ngày nghỉ bị cấm. Các công ty giáo dục bị cấm mở trung tâm mới hoặc huy động vốn. Ngoài ra, từ tháng 1.2022, tất cả hoạt động dạy thêm vì lợi nhuận sẽ bị cấm.

Chính sách mới này nằm trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc giảm gánh nặng học tập lên học sinh cũng như tình trạng cạnh tranh không công bằng trong giáo dục. Các cuộc khảo sát chính thức cho thấy chính sách mới nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng, theo SIXTH TONE.

Học trò Trung Quốc được bớt bài tập về nhà, giảm học thêm nhờ luật giáo dục mới

“Sụp đổ đầy đau thương”

Tuy nhiên, lệnh cấm dạy thêm cũng đang gây ra sự thay đổi trên diện rộng. Ngay trước khi lệnh cấm được đưa ra, ngành dạy thêm ở Trung Quốc ước tính trị giá 2.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 7,1 triệu tỉ đồng) và thuê khoảng 10 triệu người. Bây giờ, ngành này đang trải qua đợt sụp đổ đầy hỗn độn và đau thương, với nhiều lao động và gia đình bình thường gánh thêm tổn thất, theo SIXTH TONE.

Khi từng công ty một đóng cửa, nhiều giáo viên bất ngờ bị sa thải. Báo chí Trung Quốc ước tính hàng trăm ngàn người trong ngành dạy thêm đã mất việc trong đầu tháng 8. Chỉ trong tháng 10, nhiều công ty dạy thêm lớn dừng các hoạt động gần như trong một đêm, gây sốc cho các nhân viên và khách hàng.

Hai phụ nữ đứng bên ngoài một trung tâm dạy thêm ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ngày 26.10

Chụp Màn HÌnh SIXTH TONE

Tình trạng nhiều công ty dạy thêm dừng hoạt động đã khiến các phụ huynh mất tổng cộng hàng tỉ nhân dân tệ vì không được hoàn lại tiền học phí đã đóng trước. Không ít phụ huynh đã đóng trước số tiền tương đương hàng ngàn USD để đăng ký lớp cho con họ, trong đó có một số trường hợp đóng tiền chỉ vài ngày trước khi công ty đóng cửa.

Trong vài tháng tới sẽ có làn sóng không chắc chắn mới khi những thành phần còn lại của ngành dạy thêm sẽ trải qua đợt chuyển đối chưa có tiền lệ. Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh tất cả công ty dạy thêm thoát khỏi ngành này hoặc chuyển đổi sang công ty phi lợi nhuận trước cuối năm nay.

Bất chấp rủi ro

Dù lệnh cấm dạy thêm nhằm ngăn các gia đình đăng ký lớp học thêm cho trẻ, một cuộc khảo sát của SIXTH TONE về nhiều phụ huynh ở Thượng Hải và Bắc Kinh hồi tháng 8 cho thấy hơn 90% muốn con họ tiếp tục được học thêm sau khi tan trường.

Nhu cầu học thêm vẫn còn cao đã dẫn tới nhiều trung tâm dạy thêm không được cấp phép nổi lên và nhiều giáo viên dạy thêm tiếp tục hành nghề bất chấp rủi ro. Giáo viên Jennie Shi (24 tuổi) dạy tiếng Anh cấp tiểu học tại một trung tâm dạy kèm ở Bắc Kinh khoảng 2 năm. Tuy nhiên, cô mất việc khi trung tâm dạy kèm đóng cửa hồi tháng 6. Shi cho hay hiện cô mở một cơ sở dạy thêm không được cấp phép. “Nhiều phụ huynh đang cầu xin tôi tiếp tục dạy học vì họ không tìm người khác quen với thói quen học tập của con họ”, cô Shi chia sẻ với Đài NBC News. Cô thu học phí tới 30 USD/giờ, so với mức phí 12 USD/giờ từ các trung tâm, nhưng cô khẳng định “phụ huynh không bao giờ than phiền về mức giá đó”.

Giáo viên dạy học sinh tại một trường tiểu học ở tỉnh An Huy, Trung Quốc vào năm 2015. Trường này, mở vào năm 2006 và đến nay vẫn chưa có giấy phép hoạt động, có thể bị đóng cửa theo lệnh mới của chính phủ Trung Quốc, theo Reuters

Reuters

Cô Shi cho biết công việc dạy thêm của cô không có giấy phép hoạt động cần thiết do cơ quan giáo dục địa phương cấp. Để đáp ứng một số tiêu chuẩn nào đó, cô cần có giấy phép dạy học và tất cả tài liệu dạy thêm của cô phải đáp ứng tiêu chuẩn của chương trình dạy học quốc gia. Tuy nhiên, cô Shi cho hay không lo sợ bị tố giác. “Nếu hàng xóm của các học trò thấy tôi dạy thêm, họ chỉ đến và hỏi tôi liệu con họ có thể gia nhập cùng chúng tôi hay không”, cô Shi cho hay.

Những mục tiêu lớn hơn

Tình trạng dạy thêm bị cấm đã buộc nhiều gia đình ở Trung Quốc xem xét lại mức độ họ phụ thuộc vào dạy thêm. Giáo sư về khoa học giáo dục Fred Mednick tại Đại học Vrije Universiteit Brussel (Bỉ) cho rằng nên có sự xem xét lại thật kỹ về cách những đứa trẻ Trung Quốc đang được giáo dục như thế nào. “Đây là một hệ thống giáo dục bị sự giàu có dẫn dắt, nơi mọi thứ sẽ được hy sinh vì điều đó”, ông Mednick nhận định, theo NBC News.

Cô Bi, một giáo viên dạy trung học cơ sở ở Trung Quốc, lâu nay luôn cố gắng không đẩy con trai của mình vào tình trạng phải học quá mức. Ngoại trừ được dạy kèm tiếng Anh, con trai của cô được học đàn piano vào chủ nhật hằng tuần và chơi bóng đá, đi bộ đường dài cùng gia đình vào mỗi thứ bảy.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khác vẫn đang tìm những cách khác để con họ tiếp tục cạnh tranh trong con đường học vấn. Cô Merry Ma cho hay cô cho đứa con gái bắt đầu theo học lớp đàn nguyễn hằng tuần. Bà mẹ 36 tuổi này cho biết thêm cô muốn đứa con gái 7 tuổi của mình học thêm các kỹ năng để hướng tới kỳ thi vào trường trung học phổ thông mà sẽ diễn ra trong 8 năm tới. “Chúng tôi không đảm bảo con bé sẽ làm bài tốt trong kỳ thi vào trường trung học phổ thông hay kỳ thi đại học. Với tình trạng không được học thêm nhiều, con phải cần học vài thứ khác, vì những người cùng trang lứa của nó cũng đang làm thế”, bà Ma nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.