Cử tri có nhiều kiến nghị về xây dựng luật Biểu tình

Vũ Hân
Vũ Hân
11/06/2018 11:47 GMT+7

Cử tri rất quan tâm và có nhiều kiến nghị xung quanh việc xây dựng luật Biểu tình , Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết bên lề Quốc hội sáng 11.6.

Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua việc lùi dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sang kỳ họp sau với tỷ lệ cao, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã có trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội.
Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết: "Quốc hội đã xem xét và lùi thời gian thông qua dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với sự nhất trí rất cao, trên 80%. Điều này thể hiện các đại biểu Quốc hội cũng đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân.
Đối với tôi, trên cương vị đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện, cũng tiếp thu rất nhiều ý kiến của cử tri, không phải chỉ trên địa bàn trúng cử là Hoà Bình mà còn nhiều địa bàn khác, trong đó có cả ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học cũng góp ý về vấn đề này.
Việc người dân quan tâm tới những vấn đề đang thảo luận, đặc biệt là những dự luật có ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới là lẽ đương nhiên và thể hiện trách nhiệm của công dân đối với sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, người dân có thể thể hiện qua rất nhiều kênh, qua các kênh phản ánh kiến nghị, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, qua các phương tiện thông tin đại chúng, để có thể bày tỏ nguyện vọng của mình. Quốc hội là cơ quan dân cử và chúng tôi - Ban Dân nguyện chúng tôi không có khoảng cách với cử tri, không có khoảng cách với người dân. Chúng tôi là do người dân bầu nên, do vậy, các ý kiến của cử tri đã được Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tập trung trung lắng nghe và Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo ngày hôm nay.
Theo tôi, báo cáo này đã đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn của cử tri bày tỏ sự thống nhất, đồng tình cao, đánh giá cao Quốc hội, các đại biểu Quốc hội".
Bà có đánh giá thế nào về cách thức người dân thể hiện quan điểm ngày hôm qua?
Bà Nguyễn Thanh Hải: Việc thể hiện các nguyện vọng, mong muốn và các đề xuất của công dân đối với công tác điều hành của Chính phủ, hoạt động của Quốc hội, đối với chương trình nội dung mà Quốc hội đang bàn thảo là nguyện vọng chính đáng.
Tuy nhiên, hình thức thể hiện nguyện vọng hiện nay đã được quy định qua rất nhiều kênh, ví dụ như qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua các tổ chức đoàn thể... Ngoài ra, công dân muốn có ý kiến có thể gửi trực tiếp tới các đại biểu Quốc hội do mình bầu ra, gửi tới cơ quan dân nguyện...
Từ trước đến nay, công việc đó vẫn diễn ra rất hiệu quả và được cử tri đánh giá cao. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy việc thể hiện nguyện vọng là chính đáng, nhưng hình thức biểu hiện không nên gây ảnh hưởng tới những hoạt động thông thường, tới cuộc sống sinh hoạt của người dân, ví dụ như hôm qua là gây cản trở giao thông nghiêm trọng ở một số địa bàn, như ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều hành khách đã bị lỡ chuyến bay.
Qua việc này, chúng tôi thấy càng phải đẩy mạnh hơn nữa việc lắng nghe ý kiến của người dân trong thời gian tới để đáp ứng nguyện vọng của cử tri, tránh những việc xảy ra như thời gian vừa qua.
Bà có cho rằng khi người dân biểu hiện như thế nghĩa là các kênh tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri hoạt động chưa hiệu quả không?
Các kênh tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của chúng ta rất nhiều, tuy nhiên có thể là chưa thực sự hiệu quả như mong muốn, nên việc tiếp thu ý kiến, kiến nghị của nhân dân trong thời gian tới cần cải tiến, đổi mới sao cho thật sự hiệu quả.
Có ý kiến cho rằng, xảy ra tình trạng như hôm qua là do chúng ta chưa có luật Biểu tình. Theo bà, đây có phải là nguyên nhân?
Thực ra thì luật này đã được quan tâm và soạn thảo, nhưng do chất lượng dự thảo luật chưa được như mong muốn, nên chưa được đưa ra xem xét. Còn cá nhân tôi thì thấy tất cả các vấn đề này cũng là nhu cầu của người dân và nó đảm bảo thực hiện theo quy định của Hiến pháp.
Việc xây dựng dự thảo luật cũng như trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét là hiện thực hoá quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, chất lượng phải được đảm bảo. Tôi nhận thấy các cơ quan liên quan rất quan tâm tới dự luật này và đang hoàn thiện để đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, đảm bảo thể chế hoá và hiện thực hoá quan điểm của Hiến pháp một cách chính xác nhất.
Nhưng trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 vẫn chưa có luật Biểu tình, trong khi Quốc hội đã sắp qua một khóa và Hiến pháp cũng đã thông qua được 5 năm, thì bà có nghĩ tiến độ như vậy là quá chậm?
Các dự thảo luật cũng phải qua rất nhiều kỳ họp, như luật Đặc khu lần này cũng vậy, cũng đã trình rồi, đã xem xét, định thông qua, nhưng lại phải để lại thêm một kỳ họp nữa. Như vậy, tôi thấy chất lượng của dự thảo luật là rất quan trọng.
Liệu Ban Dân nguyện có động thái hối thúc cơ quan soạn thảo không, vì nếu chất lượng luật chưa đảm bảo thì đó hoàn toàn là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo?
Đúng là cử tri kiến nghị rất nhiều về vấn đề này, nhưng vấn đề chất lượng của luật Ủy ban Pháp luật sẽ nắm rõ hơn. Nhìn chung, chất lượng phải là yếu tố hàng đầu. Kỳ họp này chúng ta đã gạt đi 8 luật vì chất lượng không đảm bảo: thiếu tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, kinh nghiệm quốc tế... Biểu tình là lĩnh vực hoàn toàn mới với chúng ta, nên tôi nhấn mạnh việc chậm ban hành luật hoàn toàn là do chất lượng. Luật cần phải thực hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013.
Qua trao đổi, bà có nói, Quốc hội và cử tri không có khoảng cách, vậy Thường vụ Quốc hội có bất ngờ với diễn biến hôm qua? Đặc biệt là người dân vẫn bày tỏ bức xúc sau khi Chính phủ và Quốc hội đã có thông cáo từ sớm về việc dừng dự án luật để xem xét?
Tôi nhấn mạnh, giữa cử tri và đại biểu không có khoảng cách. Chúng tôi thường xuyên có trao đổi, liên lạc với cử tri, nên cử tri có thể bày tỏ nguyện vọng của mình thông qua kênh của đại biểu Quốc hội. Đó là những vấn đề đơn lẻ. Còn vấn đề nhiều cử tri cùng phản ánh thì họ cũng có cách biểu đạt khác.
Về sự việc hôm qua, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự phối hợp rất chặt chẽ và đã ra thông cáo rất sớm (2 giờ 44 phút sáng với Chính phủ và đầu giờ sáng với Quốc hội - phóng viên) cho thấy đã có lường trước tình hình và thông báo sớm để cử tri nắm bắt được thông tin, dừng những hoạt động gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, thông tin có thể đến với người dân còn chậm; hoặc sự phối hợp, vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp chưa kịp thời, đánh giá sự việc không ở mức độ quan trọng, nên triển khai thông tin tới cử tri chưa nhanh và đầy đủ, đã dẫn đến xảy ra một số sự việc đáng tiếc như ngày hôm qua.
Nhưng tôi tin chắc rằng với sự vào cuộc rất nhanh, kịp thời của Quốc hội sáng nay, mặc dù theo chương trình, phiên họp này Quốc hội bàn về việc khác, nhưng đã dành thời lượng 20 phút đầu giờ để thể hiện quan điểm về dự án luật này, thể hiện với cử tri việc Quốc hội đã lắng nghe, đã thấu hiểu và đã có phúc đáp phù hợp với tâm tư nguyện vọng cử tri.
Đây cũng là một thông báo có tính chính danh cho cử tri được biết.
Sau thông báo ngày hôm nay thì không có lý do gì người dân còn phải bày tỏ quan điểm như hôm qua, nếu còn phản ứng thì đó là vì những động cơ không trong sáng.
Xin cảm ơn bà!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.