Cử tri kiến nghị về chủ quyền biển đảo

19/05/2013 02:40 GMT+7

Đó là một trong những nội dung tổng hợp từ ý kiến cử tri TP.HCM , được Đoàn đại biểu Quốc hội TP vừa báo cáo gửi tới QH trước kỳ họp thứ 5, khai mạc vào ngày mai 20.5.

Báo cáo cho biết từ 25.4 - 14.5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP đã tiến hành 33 cuộc tiếp xúc với sự tham dự của trên 6.147 lượt cử tri, trong đó có 349 lượt ý kiến phát biểu. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn, từ hoạt động của QH, lĩnh vực kinh tế cho đến việc thực thi pháp luật...

Đáng chú ý, qua tiếp xúc với các ĐBQH, cử tri bày tỏ lo lắng về tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp và đề nghị nhà nước cần có những động thái quyết liệt hơn, đẩy mạnh công tác ngoại giao nhân dân, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền biển đảo. Đi liền với giải pháp này, cần tăng cường ngân sách cho an ninh quốc phòng, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; quan tâm chăm lo đời sống, có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân bám biến; tổ chức các lực lượng tuần tra trên biển nhằm kịp thời bảo vệ tài sản và tính mạng cho ngư dân; tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về chủ quyền biển đảo.

Cử tri kiến nghị về chủ quyền biển đảo
Cử tri Q.4, TP.HCM phát biểu tại buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội ngày 25.4.2013 - Ảnh: D.Đ.Minh

Lo lắng về tình hình kinh tế

Về lĩnh vực kinh tế, cử tri kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan ban ngành sớm triển khai Nghị quyết 02 một cách đồng bộ để nghị quyết đi vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp (DN); có chính sách ổn định trong thời gian dài để DN yên tâm hoạt động…

“Các DN cho rằng cần có một cơ chế mạnh để tái cấu trúc lại món nợ ngân hàng của các DN, mạnh dạn khoanh nợ, giãn nợ để DN được vay vốn. Đề nghị cho phép các DN được đảo nợ thay cho mua bán nợ. Có chính sách giúp DN tiếp cận được nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay xuống 8 - 10%/năm. Nhiều DN cho rằng, để khuyến khích DN vay vốn, phát triển đầu tư thì chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ vào khoảng 2,5 - 3% là vừa. Đồng thời, giảm bớt thủ tục không cần thiết; cho phép các DN thế chấp hàng hóa hoặc các dự án có tính khả thi”, báo cáo nêu.

Báo cáo của Đoàn ĐBQH TP cũng cho biết: “Cử tri lo lắng trước tình hình bất ổn của thị trường vàng; đề nghị nhà nước cần có giải pháp hiệu quả để quản lý thị trường vàng trong nước với chủ trương là không khuyến khích đầu tư vàng, kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; có kế hoạch dự trữ vàng quốc gia để dự phòng trong những trường hợp cần thiết”.

Liên quan đến vấn đề dư luận đang đặc biệt quan tâm về hiệu quả của dự án khai thác bauxite ở Tây nguyên, cử tri đề nghị QH cần sớm tiến hành giám sát về các dự án này, đánh giá lại hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội của dự án; giám sát chặt chẽ việc tổ chức quản lý lao động người nước ngoài tại các dự án nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội…

Nhiều chính sách chưa phù hợp

Góp ý về cải cách hành chính, cử tri TP.HCM cho rằng thời gian qua "Nhiều chính sách đưa ra chưa phù hợp với lòng dân như việc phạt xe không chính chủ, phạt người đội mũ bảo hiểm không đúng chất lượng, hay vấn đề thu phí giao thông còn nhiều bất cập... Điều đó cho thấy công tác tổ chức cán bộ chưa thực sự hiệu quả, việc tuyển dụng, bố trí, đề bạt cán bộ công chức nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được với sự phát triển của đất nước". Để khắc phục, cử tri kiến nghị nhà nước cần có cơ chế tuyển dụng, bố trí cán bộ thật chặt chẽ, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thực sự có tài, có đức để phục vụ đất nước; QH cần đẩy mạnh công tác giám sát việc thi hành luật; giám sát chặt chẽ công tác ban hành các văn bản dưới luật của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; kiên quyết xử lý nghiêm, bãi bỏ các chủ trương chính sách không phù hợp.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.