Cử tri TP.HCM kiến nghị tính toán kỹ trước khi bỏ đèn giao thông đếm ngược

02/07/2024 19:26 GMT+7

Cử tri kiến nghị cần tính toán kỹ trước khi bỏ đèn giao thông đếm ngược vì nếu không sẽ gây ách tắc giao thông, nguy hiểm cho người đi đường.

Ngày 2.7, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 2 tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15; tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị số 5 tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa 10.

Tham dự có ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; bà Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM; ông Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy Q.1; ông Phạm Thành Kiên, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3.

Bỏ đèn giao thông đếm ngược có thể gây tai nạn cho người đi đường?

Tại hội nghị, ông La Kiến Cương, cử tri P.5, Q.3 cho biết, gần đây ông đọc thông tin TP.HCM đang thí điểm không dùng đèn giao thông đếm ngược thời gian tại một số giao lộ. Theo ông Cương, việc bỏ đèn giao thông đếm ngược xét mặt thuận lợi sẽ giúp CSGT chủ động điều phối lưu lượng xe trên đường. Người dân khi dừng đèn đỏ mà không thấy số đếm ngược có thể tắt máy xe, giúp tiết kiệm xăng, bảo vệ môi trường, hạn chế được những người có thói quen bấm còi xe khi thời gian chờ đèn còn ít.

Cử tri TP.HCM kiến nghị tính toán kỹ trước khi bỏ đèn giao thông đếm ngược- Ảnh 1.

Cử tri lo ngại, nếu không có đèn giao thông đếm ngược, khi di chuyển ra giữa giao lộ đèn tín hiệu đột ngột chuyển sang đỏ thì người lưu thông sẽ rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan"

NHẬT THỊNH

Tuy nhiên, theo ông Cương, nếu không có đèn giao thông đếm ngược, khi đèn đang xanh, người đi đường không biết còn bao lâu, vẫn chạy qua, nếu đang đến giữa giao lộ đèn tín hiệu đột ngột chuyển qua đỏ thì người lưu thông sẽ rơi vào thế ‘tiến thoái lưỡng nan’. Nếu vượt thì vi phạm luật, còn ngừng lại thì dễ gặp nguy hiểm, các xe phía sau không phản ứng kịp dễ xảy ra tai nạn. "Tôi kiến nghị với phương án này, TP.HCM cần tính toán kỹ càng để không gây ách tắc giao thông”, ông Cương nói.

Còn ông Nguyễn Nho Tình, cử tri P.2, kiến nghị TP.HCM cần sớm đưa tuyến Metro số 1 đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Theo cử tri này, tuyến Metro số 1 là một trong những chỉ tiêu phát triển mà HĐND TP.HCM đặt ra năm 2020 nhưng đến nay đã hơn 3,5 năm vẫn chưa hoàn thiện do nhiều yếu tố. Vì vậy, ông Tình mong mỏi TP.HCM sớm hoàn thành dự án, đưa vào vận hành để giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông tại cửa ngõ phía đông của thành phố.

Bỏ đèn giao thông đếm giây, dân lo lắng: Ngăn xe vượt ẩu hay dễ gây tai nạn?

Chỉ mới thí điểm

Trả lời ý kiến cử tri về việc đưa Metro số 1 vào hoạt động, ông Phạm Thành Kiên, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, đây không chỉ là mong muốn riêng của cử tri Q.3 mà còn là mong muốn của toàn thể người dân TP.HCM. Theo dự kiến của UBND TP.HCM, trong cuối năm, tuyến Metro số 1 sẽ được đưa vào hoạt động sau khi giải quyết các công việc còn tồn đọng. “Trách nhiệm, quyết tâm của TP.HCM là cố gắng đưa tuyến Metro số 1 đi vào vận hành”, ông Kiên nói.

Về ý kiến xoay quanh việc thí điểm bỏ đèn giao thông đếm ngược, bà Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cho biết, đây là một chương trình đang được thí điểm tại TP.HCM.

Cử tri TP.HCM kiến nghị tính toán kỹ trước khi bỏ đèn giao thông đếm ngược- Ảnh 2.

Bà Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cho biết việc bỏ đèn giao thông đếm ngược chỉ mới thí điểm tại một số giao lộ lớn

HOÀI NHIÊN

“Theo các chuyên gia, chương trình này đã được thực hiện ở một số quốc gia và áp dụng ở những giao lộ có mật độ giao thông cao. Ở TP.HCM, chương trình này đang được áp dụng ở một số giao lộ có mật độ giao thông lớn như Mai Chí Thọ, Tố Hữu, Cách mạng Tháng 8, Nguyễn Đình Chiểu.... Theo các đơn vị chức năng báo cáo, đây là các giao lộ có lắp đặt camera và có kết nối với Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Trong quá trình điều hành giao thông, khi phát hiện có mật độ giao thông cao qua camera thì trung tâm sẽ có điều chỉnh phù hợp giữa các tín hiệu đèn, không phải cài đặt thủ công ở các chốt giao thông nữa”, bà Yến thông tin.

Theo bà Yến, đây chỉ mới là chương trình thí điểm, tổ đại biểu sẽ lắng nghe ý kiến của các cử tri và ghi nhận. Nếu trong quá trình thí điểm diễn ra tốt thì chương trình này sẽ được áp dụng trực tiếp ở các giao lộ khác; còn nếu nó không đáp ứng yêu cầu thì có thể nghiên cứu theo một hướng phù hợp hơn.

‘Thi tuyển vào lớp 10 còn căng thẳng hơn thi vào đại học’

Về giáo dục, ông Trần Quốc Hùng, cử tri P.5, Q.3 nhận xét vẫn còn một số bất cập trong tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM.

“Các học sinh khi thi vào lớp 10 chỉ mới 15 tuổi nhưng hầu hết đều phải đi học thêm 3 môn tuyển sinh, thậm chí có em 1 môn học 2 nơi. Thi tuyển vào lớp 10 bây giờ còn căng thẳng hơn cả thi tuyển vào đại học. Kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, ở môn toán cho thấy có bất cập giữa dạy học và đề thi. Hầu hết các em thi xong đều xác nhận các dạng đề thực tế có được là từ các lớp học thêm”, ông Hùng nói.

Vì vậy, cử tri này kiến nghị, việc đề thi phân hóa theo độ khó là tốt nhưng nên chia đều ra cả 3 môn thi. Việc phân luồng học sinh cũng không nên chỉ dựa vào quy định tỷ lệ đầu vào thấp tại các trường, cần đầu tư thêm cơ sở vật chất và có các phương án định hướng phù hợp để phân loại học sinh.

Về vấn đề an toàn của học sinh khi đến trường, sau vụ việc trẻ 5 tuổi chết do bị bỏ quên trên xe đưa đón, bà Chu Thị Nghĩa, cử tri P.9 nhận định, luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 cần sớm có hiệu lực thi hành. Vì, theo bà Nghĩa, luật này có quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh, và phải trang bị thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.