Cử tri TP.HCM lo 'tiền lương tăng 1 thì giá hàng hóa tăng 2'

Thúy Liễu
Thúy Liễu
03/07/2024 13:19 GMT+7

Cử tri TP.HCM cho rằng, cần xử lý nghiêm những hộ kinh doanh tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sau khi tiền lương cơ sở tăng từ 1.7.

Ngày 3.7, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 9 tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri Q.4, Q.7, H.Nhà Bè sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15; tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị số 6 tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa 10. Tham dự có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Cần giải pháp tránh lợi dụng tăng lương nhằm đẩy giá hàng hóa

Ông Vương Thành Long (cử tri Q.7cho biết, rất vui mừng vì từ ngày 1.7, người lao động sẽ được hưởng mức lương cơ sở mới. Tuy nhiên, việc tăng lương này lại kéo theo giá cả các mặt hàng, dịch vụ tăng theo.

"Theo tôi thấy, giá cả hàng hóa tăng một năm 2 lần, lần đầu là vào dịp tết và lần thứ hai là lúc nhận lương mới sau 1.7. Tôi kiến nghị, các cơ quan quản lý cần xem xét lại xem việc tăng giá dịch vụ công ở các cơ sở y tế, giáo dục… đã hợp lý chưa. Nếu tăng thì phải có lộ trình rõ ràng để người dân chuẩn bị, đồng thời cần xử lý nghiêm những hộ kinh doanh tăng giá bất hợp lý, tránh tình trạng lương tăng 1 mà giá hàng hóa, dịch vụ tăng 2", ông Long nói.

Tương tự, bà Lê Tô Phương Uyên (cử tri Q.4) cho hay, ngay từ đầu tháng 7, người lao động sẽ được tăng lương cơ sở và đây là tin vui cho những người đang công tác tại TP.HCM. Bà Uyên đề xuất TP.HCM cần có các giải pháp căn cơ, lâu dài để ổn định giá cả thị trường. Điều này nhằm tránh các trường hợp lợi dụng việc tăng lương của Nhà nước, tự ý lên giá các mặt hàng thiết yếu gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cử tri TP.HCM lo 'tiền lương tăng 1 thì giá hàng hóa tăng 2'- Ảnh 1.

Cử tri TP.HCM nhận định cần có biện pháp căn cơ, lâu dài để ổn định giá cả thị trường khi áp dụng mức lương cơ sở mới

NHẬT THỊNH

Tiếp đó, bà Uyên còn kiến nghị vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Cụ thể ở luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, theo cử tri này, cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

"Thời gian qua đã có nhiều lao động khi đến tuổi nghỉ hưu không nhận được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, vì doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng và tuyên bố phá sản. Khi luật này có hiệu lực thì đề nghị Quốc hội có các biện pháp giám sát và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không thực hiện nghiêm việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động", bà Uyên nói.

Còn bà Vũ Thị Mỹ Hạnh (cử tri Q.7) kiến nghị liên quan việc sắp xếp vị trí việc làm khi thực hiện cải cách tiền lương. Theo bà Hạnh, nếu đã cải cách thì phải đảm bảo tiền lương tăng hơn hoặc ngang với mức việc đã làm và tăng lương 'đúng người đúng việc'. Đồng thời, cử tri này cũng kiến nghị Nhà nước cần quan tâm, tính toán hợp lý thâm niên công tác để đề xuất mức lương hợp lý.

Tại hội nghị, các cử tri của ba quận huyện Q.4, Q.7, H.Nhà Bè cũng kiến nghị nhiều vấn đề xoay quanh xây dựng, bỏ đèn giao thông đếm ngược, hạ tầng giao thông, lừa đảo qua mạng…

Lương tăng phải 'đúng người, đúng việc'

Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cảm ơn và ghi nhận 12 ý kiến đóng góp rất thiết thực, thời sự của cử tri 3 quận huyện.

"Về vấn đề cải cách tiền lương, việc này không chỉ tác động đến công chức, viên chức, tức là những người hưởng lương từ ngân sách. Thành phố cũng đã có sự chuẩn bị và sẵn sàng ngân sách để chi trả lương mới và chắc có lẽ là cũng không có gì khó khăn. TP.HCM cũng đã có chỉ đạo rà soát để đảm bảo làm sao không có trục trặc gì khi áp dụng lương mới từ ngày 1.7", ông Mãi nói.

Còn với việc áp dụng lương tối thiểu vùng đối với các đối tượng hỗ trợ khác, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM sẽ tiếp tục giám sát, theo dõi để việc áp dụng được đồng bộ.

Cử tri TP.HCM lo 'tiền lương tăng 1 thì giá hàng hóa tăng 2'- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri

THÚY LIỄU

"Hôm nay có ý kiến rất hay, lương mới thì phải tăng được năng suất của công chức viên chức, tức là tăng lương 'đúng người, đúng việc'. Cải cách tiền lương gắn liền với cải cách bộ máy tinh gọn, năng suất, hiệu lực, hiệu quả. TP.HCM thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện và áp dụng đề án trả lương theo vị trí việc làm, người làm năng suất cao sẽ hưởng lương cao", ông Mãi nhấn mạnh.

Đồng thời, TP.HCM sẽ nghiên cứu một số hình thức trả lương phù hợp để làm sao không tăng tổng quỹ tiền lương nhưng vẫn trả lương đúng và kích thích nâng cao năng suất lao động.

Còn việc tăng lương thì giá hàng hóa dịch vụ tăng theo, ông Phan Văn Mãi nhận định đây là việc người dân rất quan tâm nhưng không tránh khỏi tác động ít nhiều.

"TP.HCM đang tăng cường quản lý giá cả song song triển khai chương trình bình ổn thị trường, chương trình này thành phố làm rất tốt. Chúng ta sẽ tiếp tục quản lý nhà nước về giá bằng cách thanh tra, kiểm tra, xử lý nhưng đồng thời dùng công cụ là chương trình bình ổn thị trường để tác động. Qua đánh giá 6 tháng đầu năm, chúng tôi thấy là kinh tế có phục hồi, như vậy thì dòng tiền sẽ đi vào nền kinh tế, khả năng lạm phát cũng sẽ tăng lên nhưng tăng vừa phải và đây là tín hiệu tích cực của phục hồi kinh tế", ông Mãi thông tin.

Tập trung giải quyết các "bệnh mãn tính" của TP.HCM

Cũng tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận,  các vấn đề ngập nước, ùn tắc giao thông, một số công trình chậm tiến độ… là "bệnh mãn tính" mà TP.HCM gặp phải.

"Thường trực UBND TP.HCM và cá nhân tôi cũng thấy áp lực, day dứt vì những chuyện này. Tuy nhiên, TP.HCM sẽ tập trung từ đây đến cuối năm 2025 để giải quyết. Ngoài dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng mà còn nợ tới giờ này, chúng ta sẽ cố gắng gỡ được phần nào thì gỡ phần đó. Đồng thời, TP.HCM sẽ xác định thêm 4 - 5 điểm giảm ngập theo như chương trình chống ngập của thành phố để thực hiện từ đây đến cuối năm 2025", ông Mãi cho biết.

Đối với giảm ùn tắc giao thông, TP.HCM sẽ đẩy tiến độ các dự án trọng điểm như nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, hầm chui Nguyễn Văn Linh… Ngoài những công trình này, TP.HCM sẽ tìm thêm một số giải pháp điều chỉnh giao thông như xây cầu vượt tại các khu nội thành hoặc vùng cửa ngõ thành phố.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ triển khai các công trình đồng bộ về hạ tầng đô thị như kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm, dự án bờ bắc Kênh Đôi, kênh Hy Vọng… Theo ông Mãi, những công trình này sẽ được tập trung chuẩn bị hồ sơ để có thể khởi công hoặc hoàn thành từ nay cho đến cuối năm 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.