Cử tri vẫn bức xúc vì phải 'lót tay’ giải quyết công việc

16/11/2017 09:20 GMT+7

Báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho thấy hàng loạt vấn đề bức xúc của cử tri về tham nhũng , đạo đức tiếp dân của cán bộ công chức.

Sáng 16.11, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội đã trình bày báo cáo giám sát trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội.
Theo đánh giá của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, qua giám sát, các bộ, ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri với 21/24 Bộ trưởng, trưởng ngành chỉ đạo và ký văn bản trả lời trực tiếp. Có vấn đề cử tri nêu rất khó giải quyết, nhưng Chính phủ đã rất nỗ lực tìm giải pháp, chẳng hạn vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được cử tri rất đồng tình.
Bộ Y tế nợ nhiều câu trả lời cho cử tri
Song vẫn còn 570 kiến nghị cử tri các tỉnh chưa được giải quyết, trong đó các bộ còn nhiều kiến nghị ”treo” nhất là Bộ Tài nguyên môi trường (80 kiến nghị), Bộ Y tế (60 kiến nghị).
Nội dung các kiến nghị chưa được giải quyết thuộc các vấn đề như nạn chặt phá rừng; phân bón giả, ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, vấn đề tuyển sinh của khối các trường sư phạm; quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc chữa bệnh; xây dựng trụ sở quá to, gây lãng phí...
Đặc biệt, theo Uỷ ban thường vụ Quốc hội, một số kiến nghị đã được trả lời nhưng chưa rõ, không phù hợp, nên cử tri tiếp tục kiến nghị.
Điển hình như cử tri Nghệ An, Vĩnh Phúc yêu cầu xử lý các trường hợp lạm thu tại các cơ sở giáo dục công lập và tình trạng dạy thêm, học thêm. Bộ Giáo dục- Đào tạo trả lời “Bộ đã chấn chỉnh các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi chưa đúng quy định, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra; tăng cường quản lý giáo viên,...”, nhưng cử tri cho rằng trả lời như vậy là quá chung chung, không rõ đã chấn chỉnh thế nào? Kết quả ra sao? Tăng cường quản lý giáo viên là nội dung gì?
Bên cạnh đó, việc giải quyết kiến nghị cử tri phản ánh về tham nhũng, lãng phí còn bất cập, cử tri nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Yên Bái, Long An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Nghệ An, Trà Vinh,… cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt đối với nhiều vụ tham nhũng lớn.
Tuy nhiên, số tham nhũng xử lý còn chưa tương xứng với tình hình mà cử tri phản ánh, xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ còn nhiều. Nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua công tác thanh tra, kiểm tra. Hiện tượng người dân phải “lót tay” để giải quyết công việc còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng, diễn biến phức tạp.
Bức xúc về đạo đức cán bộ tiếp dân
Cử tri cũng phản ánh những bức xúc về hành vi, thái độ, đạo đức của một số cán bộ xã, phường làm công tác tiếp công dân cũng chưa được Chính phủ giải quyết hiệu quả.
Còn hiện tượng bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhưng không đủ trình độ, trách nhiệm như vụ việc xin cấp giấy chứng tử tại phường Văn Miếu (Hà Nội); vụ việc tại xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội); xã Yên Thịnh (Yên Định, Thanh Hóa); xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) khi công dân xin xác nhận lý lịch để đi học, đi làm.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội kiến nghị các bộ, ngành, địa phương nâng cao đạo đức cán bộ, công chức, tìm giải pháp khả thi phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, nạn “lót tay”, “phong bì” để giải quyết công việc.
Đồng thời, lấy tiêu chí Thủ tướng thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương trong giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri theo Quyết định số 33, công khai cho cử tri và đại biểu Quốc hội được biết để làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.