TÀU KHÔNG THỂ VỀ BẾN
Tỉnh Quảng Bình hiện có gần 4.000 tàu cá lớn nhỏ, nhưng đa số phải neo đậu lênh đênh trên biển, hoặc vào neo đậu tại các tỉnh khác. Tình trạng các cửa sông Roòn (H.Quảng Trạch), Lý Hòa và Dinh (cùng ở H.Bố Trạch), Nhật Lệ (TP.Đồng Hới) bị bồi lấp, cạn nước kéo dài nhiều năm qua khiến hàng ngàn tàu cá của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, gây ra hàng trăm vụ tàu mắc cạn, hư hỏng nặng.
Ngư dân Quảng Bình lao đao vì cửa biển cạn, nhiều tàu cá phải nằm bờ
Hiện nay, tại các cửa sông ở Quảng Bình, tàu thuyền muốn ra vào phải loay hoay mất vài tiếng đồng hồ, thậm chí là cả ngày. Cửa sông rộng, nhưng cạn, có lúc mực nước chỉ hơn 3 gang tay.
Ở khu vực cửa sông Roòn (giáp ranh xã Quảng Phú và Cảnh Dương, H.Quảng Trạch), lực lượng chức năng cho biết bình thường thì độ sâu khoảng 1,4 - 1,5 m. Khi cạn nhất, mực nước chỉ 0,8 - 1 m, tàu thuyền không thể ra vào. Theo ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, do các cửa lạch cạn nên tất cả tàu có công suất lớn chiều dài từ 15 m trở lên đều không thể vào được, phải neo đậu ở các cửa khác, phát sinh thêm chi phí trong quá trình sản xuất của ngư dân. "Các tàu vào bị cạn, cũng rất khó khăn trong công tác cứu hộ cứu nạn trên địa bàn của xã", ông Quang nhấn mạnh.
Chưa hết, nỗi ám ảnh của ngư dân chính là tàu hư hỏng khi mắc cạn. Đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm vụ mắc cạn tại các cửa sông ở Quảng Bình. Nhiều tàu hư hỏng nặng, không thể ra khơi. Ông Trương Thành Huyền, chủ tàu cá số hiệu QB-91697, trú P.Hải Thành (TP.Đồng Hới), ngao ngán cho biết mỗi lần cửa cạn, tàu thuyền ra vào hay hư hỏng, gãy chân vịt, bánh lái. "Đã nhiều năm rồi, cửa cạn, ngư dân rất khổ", ông Huyền cảm thán.
KINH PHÍ NẠO VÉT NHƯ MUỐI BỎ BỂ
Tình trạng các cửa sông cạn đáy, không những gây khó khăn cho tàu thuyền vào ra mà còn làm Bộ đội biên phòng (BĐBP) rất vất vả. Theo đại úy Phạm Quang Hùng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Nhật Lệ (Đồn biên phòng Nhật Lệ, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình): "Cửa bị bồi lấp thế này, rất ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra, kiểm soát đối với BĐBP. Buổi tối nước chảy, tàu không vào được cầu cảng, rất khó cho vấn đề kiểm soát trên tàu".
Thấu hiểu nỗi khổ của ngư dân và các bên liên quan, tỉnh Quảng Bình đã chi hàng chục tỉ đồng để nạo vét cửa sông, nhưng tất cả chỉ như "muối bỏ bể". Bởi sau nạo vét một thời gian, tình trạng trên lại tái diễn, khó xử lý triệt để.
Ông Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Chúng tôi đã sử dụng các nguồn kinh phí để nạo vét. Cửa cạn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn, có thể mất hàng ngàn tỉ đồng cho một cửa. Chúng tôi đã trình UBND tỉnh, đề xuất các bộ ngành T.Ư hỗ trợ, để có các công trình chỉnh trị sông, với mục đích điều chỉnh dòng chảy, chống xói lở hoặc gây bồi lấp, bảo vệ bờ sông".
Bình luận (0)