Nỗi lo mắc cạn
Lạch Vạn là cửa biển khá lớn, từ lâu đã trở thành nơi neo đậu của hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Thành (H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Đây là vùng đánh bắt hải sản nổi tiếng ở Nghệ An với hàng nghìn gia đình sống bằng nghề đi biển.
Khoảng 6 năm trở lại đây, ngư dân bắt đầu gặp khó khi giá nhiên liệu tăng, mất mùa biển và đặc biệt là bị ám ảnh bởi cửa biển Lạch Vạn bị cát bồi lấp, khiến đoạn đường thủy quan trọng này càng ngày càng bị thu hẹp.
"Thủy triều mới rút mà tàu đã nằm trơ đáy rồi đó. Tàu nhà tôi chỉ 120 CV nhưng không dám tự ý ra vào mà phải đợi thủy triều lên mới đi biển được. Tàu đánh bắt về có khi phải chờ cả mấy tiếng đồng hồ ngoài biển, khi thủy triều lên đỉnh mới dám vô vì sợ mắc cạn. Tháng trước tàu nhà tôi đi lệch có một chút, bị sa vào bãi cát, gãy mất chân vịt, sửa mất mấy chục triệu đồng", bà Nguyễn Thị Hiên, một chủ tàu ở xã Diễn Ngọc, than.
Chỉ vào chiếc tàu cá đang neo bên bờ, chị Lê Thị Trang (ngụ xã Diễn Ngọc) thở dài kể gia đình chị đóng con tàu hơn 1 tỉ đồng, ra vào cửa lạch bị va vào luồng cát bồi khiến tàu hỏng chân vịt, hộp số, mất hơn 50 triệu đồng sửa chữa.
"Gần nhà tôi có gia đình đóng con tàu hơn 1,8 tỉ đồng, mới đi biển được vài chuyến, giờ đang nằm bờ chưa dám đi vì sợ mắc cạn", chị Trang nói.
Ngư dân Trần Văn Nam (ngụ xã Diễn Bích) là chủ tàu cá 280 CV, cho biết cửa biển này trước đây rất rộng, nhưng khoảng hơn 10 năm lại đây bắt đầu có dấu hiệu hẹp dần vì bị cát biển dạt vào bồi lấp ngày càng nghiêm trọng.
"Việc ra vào cửa lạch mấy năm qua rất khó, cần phải có kinh nghiệm, nắm rõ được lịch lên, xuống của thủy triều thì mới điều khiển phương tiện ra vào an toàn được. Chỉ lệch một chút là dính đòn", ông Nam bức xúc.
Cách đây ít tháng, tàu cá của ông Nguyễn Văn Đình (ngụ xã Diễn Ngọc) mắc cạn rồi bị sóng gió đánh chìm khi đi qua cửa lạch này. Ông Đình đã phải bỏ lại tàu, chỉ lấy ngư cụ, tháo máy móc mang về vì việc giải cứu tàu rất phức tạp và tốn kém.
Trước đó, một tàu cá công suất 400 CV của ngư dân xã Diễn Bích trên đường đánh bắt trở về, qua cửa biển này cũng bị mắc cạn và chìm. Mất hơn 2 ngày dùng nhiều phương tiện máy móc và cả sức người giải cứu, chiếc tàu mới được kéo về bờ nhưng bị hư hỏng nặng.
"Với tàu to, công suất lớn thì việc ra, vào cửa lạch rất khó khăn. Tàu mắc cạn không chỉ gây thiệt hại lớn cho chủ tàu mà còn khiến các tàu khác bị ảnh hưởng, không thể đi biển đúng kế hoạch", ngư dân Phạm Văn Tuấn (ngụ xã Diễn Bích) cho hay.
Chờ vốn
Trao đổi về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Liên, Phó chủ tịch UBND xã Diễn Bích, cho biết do phù sa bồi lắng nên cửa Lạch Vạn đang hẹp lại, nước cạn dần, nhiều tàu lớn của ngư dân địa phương phải tìm nơi neo đậu ở các lạch khác cách xa nhà hàng chục cây số. Tàu không thể cập cảng, phải đợi thủy triều gây khó khăn cho ngư dân, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hải sản, chi phí đi biển cũng tăng lên.
"Tàu về cảng cá gần nhà sẽ khiến chủ tàu và các thuyền viên đỡ mất công đi lại, chưa kể tàu neo đậu ở cảng cá khác khiến những người làm hậu cần nghề cá của địa phương bị giảm việc", ông Liên phân tích.
Xã Diễn Bích hiện có hơn 130 tàu thuyền đánh bắt trên biển, trong đó hơn 70 tàu công suất lớn. Theo ông Liên, mỗi năm có từ 4 - 5 tàu bị mắc cạn ngoài cửa biển Lạch Vạn, có những tàu phải mất hàng trăm triệu đồng để sửa chữa sau khi được giải cứu. Thậm chí, một số chủ tàu đã mất trắng vì tàu không thể sửa chữa, phải bỏ.
"Xã chúng tôi và các xã lân cận đã nhiều lần kiến nghị lên tỉnh, đề nghị xem xét, sớm cho nạo vét cửa biển, xây bờ kè chắn cát, chắn sóng để bảo đảm an toàn cho tàu cá ra - vào, không phụ thuộc vào thủy triều, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện", ông Liên thông tin.
Nguyên nhân khiến cửa Lạch Vạn bị bồi lấp, được ngành chức năng xác định do lượng phù sa từ sông Bùng đẩy xuống theo chiều của gió mùa đông bắc thổi vào, tạo nên những doi cát có xu hướng ngày càng làm hẹp, nắn dòng và biến dạng cửa lạch.
Năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phê duyệt đề án phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh đến 2030 với nguồn kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 2.350 tỉ đồng. Theo đó, có 7 cảng cá được nâng cấp, nạo vét cửa biển, xây kè chắn cát, trong đó có cảng cá Lạch Vạn.
Theo một lãnh đạo Sở NN-PTNT Nghệ An, trước đây việc nạo vét cửa biển Lạch Vạn đã được thực hiện, nhưng do kinh phí eo hẹp nên chỉ thực hiện được quy mô nhỏ. Tình trạng bồi lấp ở cửa biển này nếu không có giải pháp ngăn phù sa thì dù có nạo vét vẫn không hiệu quả.
Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã trình cấp trên kế hoạch nạo vét Lạch Vạn từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới. Cùng với việc nạo vét luồng lạch, sẽ xây dựng 2 mỏ kè kiên cố phía ngoài cửa lạch để ngăn phù sa. Giải pháp này được kỳ vọng ngăn sự bồi lắng cửa Lạch Vạn, khơi thông luồng lạch để tàu thuyền không còn phụ thuộc vào thủy triều.
Bình luận (0)