Ngày 11.5, Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Giá cao hay thấp do đầu nậu quyết định
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thông tin cua Cà Mau được đánh giá là sản phẩm đặc sản, có chất lượng vượt trội, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Tuy nhiên, cua Cà Mau chủ yếu xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc và vì tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro, bị đối tác thao túng giá cả, khó tổ chức sản xuất theo hướng bền vững.
"Sản phẩm cua của Cà Mau đang bị thao túng. Cua gạch ở bên đây khi bán sang đó người ta chỉ làm thêm bao bì, nhãn hiệu rồi bán cao gấp 5 - 7 lần. Đặc biệt, giá cua ở Cà Mau cao hay thấp, bán được nhiều hay ít là do đầu nậu ở biên giới quyết định. Đó là thông tin từ doanh nghiệp khi tìm hiểu về thị trường xuất khẩu", ông Sử nêu.
Cà Mau đang có khoảng 250.000 ha nuôi cua xen canh. Cua cũng là sản phẩm chủ lực, góp phần thu nhập chủ yếu cho người nuôi thủy sản (chỉ đứng sau con tôm). Để khắc phục tình trạng trên, Cà Mau sẽ xây dựng và thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu chính ngạch sản phẩm cua sang thị trường Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Từ đó, Cà Mau kiến nghị các bộ ban ngành liên quan vào cuộc hỗ trợ, nhất là việc đàm phán xuất khẩu sản phẩm cua chính ngạch.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp Bộ Công thương đẩy mạnh xuất khẩu cua sang thị trường Trung Quốc. Theo Bộ trưởng, khi mở cửa thị trường thì tỉnh cần tổ chức lại ngành hàng cua, phải đáp ứng tất cả các chuẩn mực của thị trường đó. Thời gian qua, có tình trạng khi mở cửa thị trường lúc đầu giá cao, sau đó xuống thấp. Vì vậy, mở cửa thị trường đã khó, giữ thị trường tối ưu giá còn khó hơn.
Sạt lở bờ biển, bờ sông đang tác động rất tiêu cực
Theo ông Lê Văn Sử, Cà Mau cũng đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng. Đặc biệt, sạt lở bờ biển, bờ sông đang tác động xấu, cần được quan tâm, đầu tư.
Đối với Dự án xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm, tỉnh Cà Mau vay vốn ODA của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), phải chờ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 do điều chỉnh chủ trương đầu tư. Văn phòng AFD thông tin, nếu quá thời hạn 31.12.2023 không ký kết được Hiệp định thì AFD sẽ không tiếp tục duy trì tài trợ khoản vay cho dự án (khoản vay ODA 20,06 triệu Euro và viện trợ không hoàn lại 3,76 triệu Euro).
Ông Lê Văn Sử kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chấp thuận cho UBND tỉnh thực hiện quy trình trình HĐND phê duyệt báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án song song với thời gian trình phê duyệt Quy hoạch để kịp tiến độ thực hiện ký Hiệp định với AFD. Vì hiệp định khởi động từ năm 2012, nếu để mất thật đáng tiếc.
Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng Đề án đầu tư kè phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông và hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách phòng, chống thiên tai của T.Ư để thực hiện. Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các công trình kè những đoạn bờ biển, bờ sông bị sạt lở nguy hiểm.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, trong đó có Cà Mau. Vì vậy, Bộ sẽ cùng với tỉnh xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về đối phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, có giải pháp công trình và giải pháp phi công trình.
Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị liên quan trong Đoàn công tác của Chính phủ sau buổi làm việc phải có báo cáo cụ thể để giải quyết những khó khăn tỉnh Cà Mau nêu ra. Về các kiến nghị của tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Bình luận (0)