Cửa khẩu ách tắc, giá trái cây lại 'rơi tự do'

15/02/2022 06:50 GMT+7

Ngay sau khi tỉnh Lạng Sơn ban hành thông báo tạm ngừng tiếp nhận xe chở nông sản về cửa khẩu từ ngày 16 - 25.2, giá nhiều loại trái cây, nông sản đã giảm mạnh.

Thanh long, mít giá rơi thẳng đứng

Khảo sát thị trường ngày hôm qua (14.2), ổi ruột đỏ ruby giảm giá khoảng 5.000 đồng chỉ còn 8.000 - 9.000 đồng/kg, ổi ruột trắng chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg; xoài cát chu và mận An Phước từ 12.000 - 13.000 đồng giờ chỉ còn 8.000 - 9.000 đồng/kg, xoài tứ quý chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg. Mít mấy ngày trước đạt mức 25.000 - 26.000 đồng/kg, hôm nay nhiều vựa tạm thời không dám mua vô.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số tỉnh miền Tây giá mít xuất khẩu tại vườn loại 1 sáng 14.2 đã rớt xuống 16.000 đồng/kg, đến đầu giờ chiều lại rớt tiếp xuống 13.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, giá mít loại 1 được các chủ vựa thông báo thu mua ở mức 11.000 đồng/kg, rớt giá hơn một nửa so với cách đây mấy ngày. Khổ sở nhất chính là mặt hàng thanh long.

Giá thanh long và mít chịu ảnh hưởng lớn từ những tác động của thị trường Trung Quốc

Quang Thuần

Trước tết, tình hình ách tắc tại cửa khẩu đã khiến giá thanh long rớt xuống mức 2.000 - 3.000 đồng/kg. Sau tết, giá thanh long có lúc nhích lên 15.000 đồng/kg nhưng chỉ được vài ngày ngắn ngủi, nay lại rơi thẳng đứng. Loại 1 chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg, loại 2 từ 3.000 - 4.000 đồng/kg còn hàng dạt thì không ai mua. Một số chủ vườn cho biết với giá này thì người nông dân thua lỗ nặng. Nhiều thương lái vừa thu vào giá cao hôm trước thì hôm nay cũng đứng trước cảnh thua lỗ. Một chủ vựa tại Bình Thuận than thở: “Tôi vừa mới ôm vào 20 tấn thanh long giá 8.000 đồng/kg hôm trước, đến nay giá đã giảm còn 5.000 đồng/kg. Nhìn thấy trước mắt là lỗ vài chục triệu đồng rồi”.

Trong khi đó, giá ớt thu mua tại vườn ở một số vùng trồng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc sau một thời gian dài ngụp lặn ở đáy. Giá ớt bình quân từ 8.000 đồng/kg ở khu vực các tỉnh phía bắc, vùng Tây nguyên và miền Trung giá ớt từ 11.000 đồng/kg, khu vực các tỉnh miền Tây giá ớt từ 12.000 - 14.000 đồng/kg. Sau tết, giá ớt rớt xuống thấp chỉ vài ngàn đồng mỗi ký do thị trường Trung Quốc vẫn chưa thông thương. Vài năm trước, trồng ớt mang lại thu nhập khá cao cho người nông dân khi lên đến 80.000 - 100.000 đồng/kg. Ước tính mỗi héc ta ớt đầu tư hơn 100 triệu đồng, với giá ớt trái ở mức 8.000 đồng/kg, người trồng ớt lỗ từ 70 - 100 triệu đồng/ha.

'Làm luật' xe qua cửa khẩu Lạng Sơn giá 100-300 triệu đồng/xe, 2 cán bộ bị bắt

Vì sao lại ngừng tiếp nhận?

Trả lời báo chí xung quanh quyết định tạm ngừng tiếp nhận xe, ông Vy Công Tường, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, giải thích phía Trung Quốc ngày càng siết chặt các điều kiện tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Cơ quan chức năng khuyến cáo các nhà xuất khẩu cần quan tâm đến chất lượng hàng hóa, về tiêu chuẩn đóng gói bao bì để truy xuất nguồn gốc, cũng như việc ký kết các hợp đồng với các tư thương Trung Quốc trên cơ sở quy định của thông lệ quốc tế (hàng xuất khẩu chính ngạch).

Theo ông Tường, hiện nay tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch còn nhiều, dẫn đến việc hàng hóa sang bên kia bán sẽ rất chậm, hàng xấu - tốt khi sang bên kia thuộc quyền của người mua lựa chọn nên chúng ta không định đoạt được, dẫn đến việc mình có thể bị ùn ứ và ảnh hưởng chất lượng hàng hóa.

Ngoài ra, việc duy trì hệ thống lái xe trung chuyển chuyên trách ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề thời gian thông quan. “Hiện nay, giá dịch vụ khử khuẩn, xét nghiệm ở phía Trung Quốc tăng nhiều trong khi điều kiện bến bãi, bốc xếp lại giảm xuống. Lực lượng lao động bốc xếp hàng hóa ở Trung Quốc trước đây 90% là người Việt Nam nhưng do dịch bệnh nên giờ họ không thể sang được. Các lao động Trung Quốc làm không nhanh bằng người Việt nên thời gian bốc xếp bị kéo dài”, ông Vy Công Tường lý giải thêm.

Theo lãnh đạo Cục Hải quan Lạng Sơn, sau tết là thời điểm nhiều loại hoa quả phía nam vào vụ thu hoạch, ví dụ như dưa hấu. Do đó, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn tạo được vùng đệm, vùng xanh tại cửa khẩu để tạo niềm tin, sự tin tưởng cho phía Trung Quốc về công tác chống dịch, từ đó khâu kiểm soát sẽ đơn giản hơn, thủ tục thông quan sẽ nhanh hơn. Hiện tại Cục Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị ứng trực quân số 100%, đảm bảo 24/24 trong điều kiện có thể phía Trung Quốc mở cửa bất cứ lúc nào thì sẽ thông quan hàng hóa tại thời điểm đó.

Nhiều mặt hàng trái cây rớt giá theo thị trường Trung Quốc

Minh Đăng

Cung vượt cầu, khó giải quyết

Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty Trà Thanh Long, cho biết: Xuất khẩu thanh long có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Đông. Hiện nay công ty bà đã chuẩn bị xong nguồn hàng để thực hiện hợp đồng xuất khẩu 2 container thanh long sang thị trường Bangladesh vào ngày 21.2 sắp tới. Khách hàng tại thị trường UAE cũng đang đàm phán và khả năng cũng rất lạc quan. Nếu xuất khẩu được sang các thị trường này thì sẽ ổn định hơn, nhưng Trung Quốc vẫn là nơi tiêu thụ thanh long rất nhiều, rất rộng lớn nên khó có thể thay thế được.

Muốn điều chỉnh sản xuất cũng khó vì nông dân mình nhỏ lẻ quá. Họ ý thức được rủi ro nhưng lại hy vọng biết đâu may mắn Trung Quốc mở cửa thì trúng giá, trúng mùa còn hơn là không làm thì không có đồng nào. Rồi cứ như vậy cứ phập phù như thời tiết, không bền vững được.

Ông Trần Ngọc Hiệp

Ông Trần Ngọc Hiệp (Phó chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit), Giám đốc Công ty thanh long Hoàng Hậu) nhận định: Việc xuất khẩu sẽ còn khó khăn không chỉ vì chính sách kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiện nay của Trung Quốc vì nếu không có dịch bệnh họ cũng sẽ gây khó với chúng ta bằng các tiêu chuẩn quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể như mặt hàng thanh long hiện nay chúng ta sản xuất quá nhiều, cung vượt cầu. Trước thanh long chỉ có vài ba tỉnh trồng, giờ gần 50/63 tỉnh thành đều trồng thanh long.

“Cứ như vậy làm sao chúng ta không bị ép được”, ông Hiệp đặt vấn đề và phân tích để có thị trường như Trung Quốc cho trái thanh long, chúng ta mất khoảng 10 năm để họ làm quen và chấp nhận. Còn muốn chuyển hướng thị trường thì ta cũng cần 5 - 7 năm nữa. Còn hiện nay cố gắng lắm cũng chỉ xuất đi những nước gần gần trong khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ hay các nước châu Á với một số lượng hạn chế so với năng lực sản xuất của chúng ta. Từ nay đến đó đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh sản xuất, quy hoạch sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

GS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nhận định: Đằng sau câu chuyện kinh tế đó còn nhiều vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thấy rằng với dân số 1,4 tỉ người, nhu cầu lương thực của Trung Quốc là cực kỳ lớn. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp của họ đang bị thu hẹp đến 5 - 6 triệu ha vì quá trình đô thị hóa. Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước phương Tây làm gia tăng nhu cầu an ninh lương thực của nước này. Họ cần phải dựa vào các nước hạ nguồn Mê Kông để đảm bảo an ninh lương thực về lâu dài. Tuy nhiên, họ lại rất thích duy trì buôn bán tiểu ngạch mà ít chịu ngồi vào bàn đàm phán chính ngạch. Đó là cái khó lớn nhất của Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược và chính sách sản xuất nông nghiệp bài bản theo hướng bền vững, bên cạnh đó vừa duy trì nuôi dưỡng thị trường khổng lồ của Trung Quốc nhưng cũng phải mở rộng thêm các thị trường khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.