Sáng 19.7, tại Hà Nội, Cục Báo chí tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì.
Tham dự buổi lễ có Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện các bộ, ngành.
Tiền thân của Cục Báo chí ngày nay là Bộ Thông tin và Tuyên truyền, được thành lập ngày 28.8.1945.
Ngày 3.5.1946, Nha Thông tin tuyên truyền ra đời, với chức năng "thu thập và truyền bá các tin tức trong nước", đánh dấu sự ra đời của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin báo chí. Ngày 16.7.2003 đánh dấu một mốc son quan trọng khi Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị ký quyết định thành lập Cục Báo chí. Ngày 27.7.2007, Cục Báo chí chính thức thuộc Bộ TT-TT.
Thay đổi diện mạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại
Tại lễ kỷ niệm sáng nay 19.7, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc khẳng định: "Sự ra đời của Cục Báo chí đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ VH-TT thời kỳ này.
Quá trình 20 năm qua, cơ cấu tổ chức của cục có chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, nhưng dần được hoàn thiện; phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của cục được mở rộng hơn, với nhiều trọng trách mới, quan trọng hơn, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thế hệ các lãnh đạo Bộ TT-TT".
Trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về báo chí đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Bước sang thời kỳ đổi mới toàn diện ở Việt Nam, hệ thống quan điểm của Đảng lãnh đạo về báo chí ngày càng được hoàn thiện theo phương châm "phát triển gắn liền với quản lý báo chí", "phát triển phải đi đôi với quản lý báo chí".
Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, công tác quản lý nhà nước về nội dung thông tin đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Việc tăng cường chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí giúp báo chí hoạt động đi vào nền nếp, mang tính chuyên nghiệp. Những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật; tình trạng "báo hóa" các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, "núp bóng" hoạt động như cơ quan báo chí được chấn chỉnh, có hiệu quả.
Công tác quản lý báo chí được đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ để đo lường, đánh giá xu hướng thông tin, quản lý và điều tiết thông tin báo chí.
Tạo môi trường thuận lợi để báo chí phát triển
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quy hoạch báo chí về cơ bản đã xong phần sắp xếp, giờ là lúc cần làm rõ báo ra báo, tạp chí ra tạp chí, phải tập trung vào định hướng các cơ quan báo chí đi theo đúng trọng tâm quy hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, trong xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi số báo chí, Cục Báo chí phải đi đầu, tiên phong, tập trung hiện đại hóa nền tảng công nghệ đối với các cơ quan báo chí. Cục Báo chí phải đưa các hoạt động lên môi trường số, công tác quản lý cần kết nối online, không tiếp xúc.
Với vai trò chủ đạo của Cục Báo chí là tạo nền tảng cho các cơ quan báo chí phát triển, đáp ứng được yêu cầu mới của đất nước cũng như đảm bảo cho người làm báo có thể sống được lành mạnh, Bộ trưởng Bộ TT-TT yêu cầu Cục Báo chí cần có trách nhiệm giúp đỡ các cơ quan báo chí tìm đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ để không bị tụt hậu so với các doanh nghiệp truyền thông trên thị trường.
"Báo chí trước đây là cây bút, trang giấy thì nay thêm công nghệ số, nền tảng số, nhưng cái bất biến vẫn là những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, cái tâm của người làm báo. Quản lý nhà nước về báo chí là tạo ra môi trường thuận lợi để báo chí cách mạng phát triển, vừa ngang tầm nhiệm vụ, thời đại, vừa chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bình luận (0)