Cục Hải quan TP.HCM nói gì về việc tạm hoãn xuất cảnh để đòi nợ thuế?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
26/06/2024 17:10 GMT+7

Sau khi cơ quan hải quan áp 1/7 biện pháp thu thuế không thành, sẽ ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân đại diện pháp luật của doanh nghiệp, không phân biệt người trong hay ngoài nước.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị đối thoại hải quan - doanh nghiệp do Cục Hải quan TP.HCM tổ chức hôm nay 26.6.

Cho rằng, vấn đề cưỡng chế nợ thuế và biện pháp tạm hoãn xuất cảnh liên quan nợ thuế quá hạn đang "nóng" trong thời gian gần đây, ông Trương Thanh Xuân, Phó phòng thuế xuất nhập khẩu Cục Hải quan TP.HCM cho biết, theo quy định, nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp, doanh nghiệp, cá nhân nợ đó sẽ bị cưỡng chế thuế. Tại điều 125 luật Quản lý thuế quy định 7 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

Cụ thể, trích tiền từ tài khoản tại kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác hoặc phong tỏa tài khoản. Hai là khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập. Ba là dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Bốn là ngừng sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Tuy vậy, biện pháp này sẽ khiến doanh nghiệp sau khi trả hết nợ thuế, làm các thủ tục mở lại quyền sử dụng hóa đơn cũng khá phức tạp. Biện pháp thứ 5 là kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên. Sáu là thu tiền, tài sản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ. Bảy là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…

Cục Hải quan TP.HCM nói gì về việc tạm hoãn xuất cảnh để đòi nợ thuế?- Ảnh 1.

Trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan hải quan TP đã xử lý 918 vụ vi phạm với tổng trị giá hàng vi phạm ước tỉnh 2.206 tỉ đồng, phạt tiền hơn 17 tỉ đồng.

NG.NGA

"Sau khi cơ quan hải quan áp dụng 1 trong 7 biện pháp trên mà doanh nghiệp vẫn chây ỳ không hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan nhà nước, hải quan có thể áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, dựa trên quy định tại luật Quản lý thuế số 38, luật số 49 và luật số 47; Nghị định 126 của Chính phủ và Thông tư 79 của Bộ Công an ban hành", ông Xuân cho biết.

"Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh không quy định số tiền nợ thuế bao nhiêu mới bị tạm hoãn. Doanh nghiệp nợ 10 tỉ đồng tiền thuế cũng như doanh nghiệp nợ vài triệu đồng. Tuy vậy, Hải quan TP.HCM quan điểm là cố gắng lựa chọn doanh nghiệp có nợ đọng thuế với số tiền lớn, hoặc nợ kéo dài nhiều năm… để gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh", đại diện Cục Hải quan TP.HCM nhấn mạnh.

Tại hội nghị, ông Vương Tuấn Nam - Trưởng phòng Giám sát quản lý (Cục Hải quan TP.HCM) cũng cho biết, trước khi hội nghị đối thoại diễn ra, Hải quan thành phố đã nhận được rất nhiều câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục và chính sách gặp nhiều vướng mắc, thường Cục Hải quan sẵn sàng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Tuy vậy, ông Nam nhấn mạnh, để có cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị khi doanh nghiệp có văn bản hỏi thì nên để lại thông tin để phía hải quan tiện liên lạc, có hướng trả lời, tháo gỡ.

"Cơ quan Hải quan thiếu thông tin thì sẽ dẫn tới thời gian xử lý kéo dài. Chưa kể, cơ quan sẽ đưa ra những câu trả lời không phù hợp với thực tế", ông Nam nói.

Trong quá trình giải quyết thủ tục tại các chi cục, nếu không đạt được sự đồng thuận thì doanh nghiệp có thể liên hệ với cán bộ ở đội, các chi cục, hoặc đặt lịch làm việc với lãnh đạo chi cục phụ trách… để có hướng tháo gỡ. Trường hợp vẫn chưa thấy thỏa đáng, doanh nghiệp có thể gửi văn bản, hoặc trực tiếp lên gặp phòng tham mưu chức năng tại trụ sở chính của Cục Hải quan TP.HCM, để Cục có hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải chủ động để bảo vệ quyền lợi của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.