'Hải quan phải xây dựng thương hiệu của chính mình'

Nguyên Nga
Nguyên Nga
11/02/2024 15:23 GMT+7

"Khó khăn mấy cũng phải vượt qua, quan trọng là chúng ta đón nhận và nhìn về tương lai trong tâm thế thế nào. Từ đó mới có những hoạch định để có tương lai sáng lạn hơn, khởi sắc và đi lên", Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng chia sẻ trong cuộc trao đổi nhân dịp đầu năm với Thanh Niên.

Không nói quá nhiều về thành tích cũng như áp lực trước bối cảnh kinh tế khó khăn, trăn trở của người đứng đầu hải quan TP.HCM nhiều năm nay luôn là chất lượng, tâm thế phụng sự của đội ngũ cán bộ công chức; chất lượng dịch vụ để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận tiện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, thuyền trưởng ngành hải quan TP.HCM có niềm tin mãnh liệt về sức chống chịu và khả năng phục hồi xuất nhập khẩu của TP.HCM, bởi với ông "sau những cơn mưa bão, bầu trời lúc nào cũng đẹp...".

'Hải quan phải xây dựng thương hiệu của chính mình'- Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng

Hải quan TP.HCM

Kết thúc năm 2023, số thu ngân sách của Cục Hải quan TP.HCM đạt gần 121.193 tỉ đồng, bằng 83,12% chỉ tiêu pháp lệnh (145.800 tỉ đồng). Ông lý giải thế nào về con số này?

Ông Đinh Ngọc Thắng: Trong thực tế, khó khăn về thương mại đã bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2022, sang 6 tháng đầu năm 2023 khó khăn ngày càng tăng. Theo dõi lượng hàng hóa đi, về của DN sản xuất xuất khẩu các mặt hàng chủ lực cho thấy có nhiều DN liên tục mấy tháng liền không nhập hay xuất lô hàng nào. Đơn hàng không có, DN không có nhu cầu nhập khẩu nguyên nhiên liệu, ngành hải quan lấy gì để thu? Sau đại dịch, nhiều thói quen, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng các nước thay đổi nhiều, tập trung và ưu tiên nhiều hơn cho nhu yếu phẩm. Áo quần mỗi năm mua 5 bộ, nay chỉ sắm 1 - 2 bộ, thậm chí mang giày cũ cũng không sao. Không khí cắt giảm chi tiêu bao trùm các nền kinh tế, dễ thấy nhất là tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là nước Mỹ. Mặt khác, thuế giảm dần sau mỗi năm, thậm chí về 0 theo 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết với các nước.

Thế nên, số thu đạt được trong năm phù hợp với mức tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2023, số thu được giao theo chỉ tiêu pháp lệnh lên 145.800 tỉ đồng, tăng hơn 25%, tương đương tăng tuyệt đối 29.500 tỉ đồng. Năm 2022, đơn vị được giao thu là 116.500 tỉ đồng, nhưng cuối năm thu vượt chỉ tiêu hơn 25%, là năm tăng đột biến về số thu, một phần nhờ các yếu tố khách quan về giá dầu, giá các nguyên vật liệu. Đặc biệt, sức bung tối đa đơn hàng của các DN xuất nhập khẩu từ các năm trước còn lại… Năm 2023 như đã nói trên, đơn hàng giảm mạnh, khó khăn bủa vây DN xuất nhập khẩu…

Vậy thì cơ sở nào để ông lạc quan rằng "sau những cơn mưa bão, bầu trời lúc nào cũng đẹp" cho nhiệm vụ năm 2024 của ngành hải quan TP.HCM?

Những tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam đã có sự đổi chiều rất tích cực. Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng đã đưa ra một số nhận định tích cực cho năm nay. Tôi tin rằng những tín hiệu lạc quan là tiền đề quan trọng để TP.HCM bứt phá, phát triển và phục hồi.

Ông đang chia sẻ quan điểm của một người làm kinh tế, một DN hơn là nhà "gác cổng thương mại" thuần túy?

Tôi không có thói quen, hay nói đúng hơn là không chọn cách nhìn vấn đề dưới góc độ một cơ quan quản lý nhà nước, gác cổng cho nền kinh tế… mà luôn tuân thủ triết lý "cộng đồng DN và hải quan là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển", được triển khai từ năm 2017 đến nay. Thế nên, ngoài mục tiêu bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia, chúng tôi luôn đặt mình ở vị trí là đối tác của DN để có góc nhìn đa chiều hơn. Năm qua, xuất nhập khẩu giảm nhưng ngành hải quan chưa bao giờ được "ngồi không". Chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác cải cách, gỡ vướng, tạo thuận lợi thương mại tối đa cho DN; kiến nghị sửa đổi nhiều quy định, quy trình thủ tục hải quan như bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành gây mất thời gian và tiền bạc cho DN; tiếp tục kiến nghị giảm, miễn thuế cho DN... Chính vì lẽ đó, nhiều công tác trong năm của Cục đã hoàn thành xuất sắc và được lãnh đạo ngành, lãnh đạo thành phố đánh giá cao. Đó là niềm khích lệ rất lớn cho chúng tôi, ở vai trò những người gác cổng thương mại.

'Hải quan phải xây dựng thương hiệu của chính mình'- Ảnh 2.

Hàng hóa về cảng Cát Lái, TP.HCM

Ng.Nga

Thực tế vẫn xảy ra những ách tắc ở cửa khẩu do quy định pháp luật chồng chéo, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nói chung. Ở vị trí "đối tác đồng hành cùng DN" như ông vừa nói, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Thú thực là gặp những trường hợp đó, chúng tôi đôi khi cũng bức xúc thay cho DN. Chúng ta nỗ lực hết sức để thu hút đầu tư nước ngoài; tạo thuận lợi thương mại tối đa để đại bàng "làm tổ" ngay trên mảnh đất này. Thế nhưng, đâu đó vì một quy định chuyên ngành, có thể hiệu quả trong quản lý, song lại làm khó DN khiến chúng ta rơi vào tình thế lấy đá ghè chân mình.

Đó là lý do Cục liên tục kiến nghị để gỡ các nút thắt trong quy trình thủ tục hải quan. Ví dụ trong công tác chuyển đổi số, hải quan là một trong những ngành đi đầu; thế nhưng chỉ cần một vài đơn vị ngoài ngành không kết nối với hệ thống hải quan số, sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Vì vậy, để xuất nhập khẩu tăng trưởng như kỳ vọng, đòi hỏi sự vào cuộc từ trung ương, các bộ, ngành, địa phương cho tới cộng đồng DN. Riêng TP.HCM, với vai trò đầu tàu kinh tế, phải đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối vùng từ đường bộ đến đường sông. Chỉ có giao thông tốt mới đưa miền quê gần với thành phố, xa hóa gần được.

Trong buổi làm việc cuối năm với Cục Hải quan TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã dùng 2 chữ "chuẩn chỉnh" khi nhận xét về tác phong làm việc của cán bộ công chức Cục Hải quan TP.HCM. Cảm xúc của ông thế nào khi nghe những lời nhận xét này?

Chúng tôi vui và xúc động khi nghe Bộ trưởng nhận xét việc thực thi nhiệm vụ chuyên nghiệp của cán bộ công chức Cục Hải quan TP.HCM. Đó cũng là nguyên tắc chúng tôi đặt ra trong công tác đào tạo, quản lý nhân sự, trong đối nhân xử thế của công chức với DN. Hơn ai hết, lãnh đạo thấu hiểu sự khó khăn, thách thức, áp lực trong quản lý nhân sự tại một ngành liên quan đến tài chính, tiền bạc... Tôi vẫn luôn nhắc anh em công chức trong công tác, rằng phải luôn tỉnh táo, nhìn xa hơn vị trí mình đang đứng và luôn tự đặt đèn xanh - vàng - đỏ để trên đường đi không bị vượt quá giới hạn. Nếu ráng vượt, ắt sẽ gặp nạn. Cái gì không phải của mình thì đừng cố để lấy về. DN đến hải quan liên hệ công việc chứ không phải đến xin xỏ cái gì, nếu coi DN là đối tác đồng hành thì việc tiếp đón phải chuẩn chỉnh từ anh bảo vệ đến nhân viên lao công… Tôi nghĩ DN có văn hóa của DN, hải quan cũng xây dựng bộ văn hóa cho mình, xây dựng thương hiệu cho ngành. Trong công việc hay cuộc sống thường nhật cũng vậy, người ta chỉ phục người sống tử tế, tôn trọng người có tâm thế vươn lên, cống hiến nhiều hơn là cứ toan tính, làm khó nhau.

Vừa rồi, trong cuộc bàn tròn đối thoại với DN Nhật Bản, tôi khá xúc động khi nghe nhiều DN Nhật hỏi thăm anh Đặng Thái Thiện, người chuyên phụ trách đào tạo, hướng dẫn các quy định mới liên quan hải quan, đã nghỉ hưu. Tôi nghĩ chỉ khi trong tâm họ có ta, mới nhớ và có cách quan tâm thăm hỏi chân tình như vậy. Và nếu hằng ngày không xây dựng thương hiệu, không chuẩn chỉnh, thì khó nhận được sự đồng hành, đồng cảm của DN.

Vậy trong năm mới này, kế hoạch của Cục Hải quan TP.HCM là gì, thưa ông?

Đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, hoàn thiện kết nối hải quan số, hải quan thông minh; đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch; triển khai hiệu quả công tác thu ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế; và tất nhiên liên tục cải cách hướng tới tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu…

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, các mặt hàng từng đóng góp số thu thuế lớn như máy tính, sản phẩm điện tử, sắt thép, ô tô, xăng dầu… đều giảm sâu; đẩy số thu của ngành bị ảnh hưởng theo. Tuy vậy, Cục Hải quan TP.HCM hiện vẫn chiếm hơn 1/3 số thu và đang giữ vị trí dẫn đầu toàn ngành về tốc độ thu, tỷ lệ giảm vẫn thấp hơn mức giảm trung bình của toàn ngành. Trong khó khăn, TP.HCM vẫn giữ bản lĩnh ở vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.