"Quan điểm của tôi là không dùng từ phong sát, cấm sóng với những người làm nghệ thuật, bởi việc này không phù hợp văn hóa, điều kiện đất nước", ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), nói tại tọa đàm Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ (Hà Nội chiều 19.4).
Ông Dương cũng cho biết, đơn vị của ông đã nghiên cứu về việc áp dụng "phong sát", tuy nhiên thấy không phù hợp và không áp dụng.
Ông Dương cho biết, các vi phạm sẽ được xử lý theo pháp luật Việt Nam. "Với những trường hợp vi phạm, chúng ta sử dụng luật về an ninh mạng, luật về công nghệ thông tin, nghị định về nghệ thuật biểu diễn để đưa ra hình phạt", ông Dương nói.
Hiện tại, một quy chế xử lý những trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử của nghệ sĩ đang được xây dựng. Dự kiến, các đơn vị là Bộ VH-TT-DL, Bộ Công an và Bộ TT-TT sẽ cùng hoàn thiện dự thảo này vào khoảng tháng 10 tới.
Bộ quy chế này đang được chờ đợi là sẽ "phủ kín" lỗ hổng pháp lý của bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Theo đó, bộ quy tắc ứng xử do Bộ VH-TT-DL ban hành cuối 2021 chỉ mang tính khung, hoàn toàn không có phần xử phạt. Vì thế, chỉ có thể vận động nghệ sĩ làm theo mà không có chế tài với nghệ sĩ vi phạm.
Tại tọa đàm, người mẫu Hạ Vy cho rằng, tuy khó "phong sát", song cần có biện pháp mạnh hơn với nghệ sĩ có lối hành xử, lời ăn tiếng nói không phù hợp thuần phong mỹ tục. Ngoài xử phạt, có thể cân nhắc hủy trang cá nhân của họ trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhắc tới "phong sát", công chúng thường nghĩ ngay đến việc "phong sát" với các nghệ sĩ Trung Quốc. Trong tiếng Trung, "phong sát" là một từ có nhiều nghĩa. Chẳng hạn, trong môn bóng chày và bóng mềm, thuật ngữ "phong sát" được dùng với nghĩa là "chặn".
Trong những lĩnh vực khác, "phong sát" có nghĩa là cấm tham gia công việc nhất định, hoặc cấm phổ biến ấn phẩm, một phần tin tức hay phát sóng chương trình. Lệnh "phong sát" có thể vĩnh viễn hoặc tạm thời. Một số đài truyền hình có thể cấm nghệ sĩ, không cho xuất hiện trên truyền hình. Một số ngành nghề cũng sẽ phong sát các học viên có "lý lịch xấu", chẳng hạn như đạo văn hoặc sao chép tác phẩm của người khác.
Tại Việt Nam, một số nghệ sĩ cũng từng bị dư luận đặt vấn đề "phong sát". Một trong số đó là Hồng Quang Minh, nghệ danh Minh Béo. Hồng Quang Minh từng bị tòa án Mỹ xét xử hình sự năm 2016. Tại phiên tòa, Minh Béo đã chính thức thừa nhận hai tội: quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ vị thành niên và có toan tính, cố gắng thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi.
Nam diễn viên hài 38 tuổi bị kết án 18 tháng tù giam tại nhà tù tiểu bang và buộc phải đăng ký tên vào danh sách trọn đời dành cho những tội phạm tấn công tình dục của Mỹ. Sau khi ra tù, Minh Béo bị trục xuất về Việt Nam.
Bình luận (0)