Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ đã bác bỏ yêu cầu của Công ty CP điện tử Công Nghệ Xanh (TP.HCM) về việc hủy hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Arirang, đã được cấp cho Công ty CP dịch vụ Phú Nhuận (MASECO).
|
Theo đơn đề nghị của Công ty CP điện tử Công Nghệ Xanh gửi đến Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT) vào ngày 2.1.2013, MASECO không có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu "Arirang, hình" do nhãn hiệu này thuộc quyền sở hữu của Arirang Tech Corp, Hàn Quốc và Arirang Tech Corp, Hồng Kông (gọi tắt là nhà sản xuất), là nhà thiết kế và sản xuất các phần cứng và phần mềm chuyên dụng cho các sản phẩm liên quan đến karaoke từ năm 1999. Tiền thân của MASECO đã từng là nhà nhập khẩu duy nhất tại VN cho ra sản phẩm mang nhãn hiệu "Arirang, hình". Do vậy, việc MASECO đăng ký nhãn hiệu nêu trên tại VN là hành vi không trung thực, xuất phát từ động cơ cạnh tranh không lành mạnh.
|
Đại diện phía MASECO - doanh nghiệp I.P.T.S đã có đơn phản đối (ngày 7.3.2013) đề nghị trên của Công ty CP điện tử Công Nghệ Xanh. Theo Maseco, kể từ năm 2001, MASECO đã liên tục phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm điện tử hoàn chỉnh mang nhãn hiệu Arirang không chỉ để bán ở VN mà còn lưu hành tại các quốc gia khác bằng chính nhãn hiệu "Arirang" của MASECO như Singapore, Campuchia, Mỹ, Nga.
Tại VN, nhãn hiệu "Arirang" được sử dụng rộng rãi khắp nơi trên thị trường và đã trở thành nhãn hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực thiết bị âm thanh nghe nhìn (đầu máy DVD, karaoke, ampli, loa...). Vì vậy, MASECO có toàn quyền đăng ký nhãn hiệu Arirang và việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu này là thực hiện quyền nộp đơn hợp pháp. Hơn nữa, Arirang Tech, Hàn Quốc hoàn toàn không nhập khẩu và không bán các sản phẩm máy đọc đĩa và phát âm thanh, trong đó có đầu máy karaoke tại VN từ các năm 2001 cho đến nay.
Công ty Arirang Tech Corp, Hàn Quốc không hề sản xuất loại sản phẩm máy đọc đĩa và phát âm thanh, trong đó có đầu máy karaoke, cũng không hề xuất khẩu sản phẩm đó sang VN, cũng không có nhãn hiệu như vậy được bảo hộ tại bất cứ quốc gia nào. Đó là lý do trong suốt hơn 13 năm tồn tại, nhãn hiệu “Arirang, hình” của MASECO không hề bị ai khiếu nại. Để mở rộng kinh doanh sang các sản phẩm phát hình, năm 2011 MASECO quyết định đăng ký lại nhãn hiệu nói trên với danh mục sản phẩm mở rộng hơn mặc dù giấy chứng nhận trước đó vẫn chưa hết hạn hiệu lực. Điều này đã được Cục SHTT biết rõ và đã chỉ dẫn cho MASECO khi thực hiện việc đăng ký lại.
Bác bỏ là đúng
Sau khi xem xét đơn của Công ty CP điện tử Công Nghệ Xanh và ý kiến của các bên liên quan, cùng với các chứng cứ kèm theo, Cục SHTT cho rằng: Doanh nghiệp đại diện cho MASECO đã chứng minh được nhãn hiệu “Arirang, hình” của MASECO sử dụng và thừa nhận rộng rãi trên thị trường VN đồng thời nhãn đã được đăng ký và xuất khẩu hàng sang nhiều nước trên thế giới.
Ngoài ra, Công ty CP điện tử Công Nghệ Xanh cũng không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào chứng minh việc các nhãn hiệu gây nên sự nhầm lẫn trên thực tế. Hơn nữa, nếu chỉ là nhãn hiệu “Arirang, hình” đã được sử dụng tại VN thì đó không đủ là cơ sở để hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Arirang, hình”. Do vậy, Cục SHTT đã quyết định không chấp nhận đề nghị hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Arirang, hình” đã cấp cho MASECO.
Theo luật sư Lê Thu Hiền (Trưởng VP luật sư Lê Thu Hiền, Q.1, TP.HCM), nhãn hiệu "Arirang, hình" của MASECO đã được cấp từ ngày 23.1.2003, tính đến nay đã hết thời hiệu yêu cầu hủy bỏ theo quy định là 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu, trừ trường hợp giấy chứng nhận đó được cấp do có sự không trung thực của người nộp đơn.
Tuy nhiên trong trường hợp này, không có gì là không trung thực nên vẫn áp dụng thời hiệu vẫn là 5 năm. Nhãn hiệu này, ngoài MASECO ra thì chưa có một đơn vị nào được cấp giấy chứng nhận đăng ký trên toàn VN, nên việc Công ty CP điện tử Công Nghệ Xanh yêu cầu hủy bỏ là không có cơ sở.
Ở đây có sự nhầm lẫn giữa tên nhãn hiệu Arirang của MASECO, là đơn vị sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mang nhãn hiệu Arirang, và tên doanh nghiệp Arirang Tech, đơn vị sản xuất ra linh kiện. Do vậy, việc yêu cầu hủy bỏ giấy chứng nhận nhãn hiệu "Arirang, hình" là không đúng vì linh kiện đó không có mang nhãn hiệu "Arirang, hình". Vì vậy, việc Cục SHTT không chấp nhận đề nghị hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Arirang đã được cấp cho MASECO của Công ty CP điện tử Công Nghệ Xanh là có cơ sở.
Mai Vọng
>> Công ty Xuân Lan 727 thắng kiện tranh chấp sở hữu trí tuệ
>> Hàng giả, kém chất lượng và vi phạm sở hữu trí tuệ tăng đột biến
>> Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
>> Kỷ lục gia sở hữu trí tuệ
Bình luận (0)