Bà Thoan giúp việc kể nàng ra đời vào một ngày mưa tầm tã, cả nhà đứng bên hành lang dưỡng đường thấp thỏm, cha thỉnh thoảng lại giật thót vì tiếng kêu la từ bên trong vọng ra. Lọt lòng mẹ, nàng đã khóc váng đòi ăn. Cô đỡ vừa bế nàng ra cửa bà nội đã lao tới lập cập giở tấm khăn bông ngắm cháu. Bàn tay lần giở khựng lại, bà lảo đảo ngồi phịch xuống ghế thở dốc. Đứa cháu nội gái của bà được ông trời ban cho gương mặt như thiên thần nhưng trên đó ông còn nhón tay khắc một vết chàm xanh mét tròn tròn hình đồng xu, cái vết chàm giữa trán phía trên hai con mắt thoạt nhìn trông con bé là lạ. Như thể món quà chưa đủ vị, mỗi bàn chân của con bé ông lấy đi một ngón và gắn cho nó đôi chân vòng kiềng ngắn ngủn. "Cháu tôi làm gì nên tội!", tiếng bà nội hóa thành tiếng nấc nghẹn.
Mặc kệ nỗi nghiệt ngã, cha ngậm ngùi ôm con gái vào lòng thầm thì gọi bằng một cái tên thật đẹp: Cúc Tần.
Công việc của bà Thoan suốt ngày chỉ quẩn quanh trong bếp, hết nấu nướng dọn dẹp bà lại ngồi vào ghế nệm bọc da lọ mọ lôi chiếc giỏ mây đựng những cuộn len màu. Trong tay bà, đôi que lách cách reo vui kéo những cuộn len dưới sàn nhà xoay tròn tròn, vừa đan bà vừa lầm rầm một mình, ngoài bà, chỉ mỗi Cúc Tần biết bà lầm rầm điều gì. Mỗi khi hết trò chơi nàng lại mon men đến sau lưng bà Thoan. Đôi mục kỉnh trễ xuống sống mũi lập tức được nhấc lên, bà chăm chú nhìn nàng như thôi miên cho đến khi nàng ngoan ngoãn ngồi vào chiếc ghế cạnh bà. Chỉ chờ có vậy bà hắng giọng và bắt đầu kể chuyện, lần nào cũng bắt đầu bằng một câu muôn thuở: "Này Cúc Tần ngồi yên đấy, để bà kể cho cháu nghe một câu chuyện!". Những câu chuyện của bà Thoan chẳng giống ai, nửa hư nửa thực lại còn lặp đi lặp lại khiến ai nghe một lần cũng chán, nhưng với nàng, nó như có ma lực, những câu chuyện cũ càng khiến nàng háo hức khi tiếng bà rì rầm cất lên…
Căn biệt thự nằm khuất sau những cội cây xù xì lõm vào những cái hốc sâu, nàng lớn lên ở đó, đủ đầy hơn những đứa trẻ khác. Ngoài giờ đến trường nàng quanh quẩn trong nhà hết chơi đàn lại chơi với con mèo hoa tên Cải. Bạn của nàng là ông cụ Bương hiền lành suốt ngày lọ mọ ngoài vườn, là bà Thoan già cau có loanh quanh xó bếp. Ngoài việc nấu nướng và đan áo, bà còn để mắt đến nàng, chỉ cho nàng thơ thẩn trong vườn. Có lần vắt vẻo ngủ quên trên cành ổi, nghe tiếng bà Thoan nàng giật mình rớt bịch xuống đất, từ đó bà cấm tiệt nàng trèo cây dù biết thú vui của nàng là rình bắt mấy con sâu, con kiến bu trên những chùm xoài lúc lỉu. Hai cái chân ngắn chũn bám và leo thoăn thoắt, bạn cùng lớp có lần đi qua thấy nàng vắt vẻo đu cây, chúng cười toáng lên đặt cho nàng cái biệt danh ngộ nghĩnh: Chim Gõ Kiến.
Mười ba tuổi, trong mắt mọi người nàng cũng chỉ là một đứa trẻ.
Ở trường chẳng mấy khi bạn bè rủ nàng tham gia văn nghệ hay những trò thi thố, chúng cho rằng một đứa con gái tật nguyền thì chẳng thể làm tốt việc gì. Nàng đứng xem chúng bày trò chơi không chút mảy may buồn, như đó là sự bù trừ khi ông trời đã ban tặng nàng một gương mặt tuyệt đẹp và trí tuệ sáng láng. Trái tim đầy trắc ẩn đã cho nàng những niềm vui riêng lẻ, biết tự chữa cho mình những vết thương ai đó ác ý gây ra. Họa hoằn người ta mới bắt gặp trong đôi mắt nâu trong suốt đó một thoáng buồn.
Bước vào tuổi thiếu nữ nàng lớn bổng, vẫn đôi chân lũn chũn nhưng đã ra dáng con gái hơn nhiều, ngực lờ mờ hai chóp tròn mềm mại sau lần áo. Bà Thoan trông chừng nàng kỹ hơn, bà lấy mớ áo len cũ ra bắt nàng tháo, quấn thành từng cuộn rồi dạy nàng tỉ mẩn đan những đôi bít tất mùa đông.
* * *
Công việc làm ăn sa sút, cha bán dần tài sản, cuối cùng phải bán luôn căn biệt thự và đưa gia đình về sống tạm trên mảnh đất ven đô này. Dù gia cảnh đã khác xưa nhưng mẹ vẫn đưa bà Thoan và cụ Bương theo về. Chiều cô con gái mơ mộng, cha cho thợ lắp dựng căn gác gỗ sơn trắng và những cánh cửa sơn xanh hướng ra khu vườn. Cụ Bương lại lọ mọ với công việc của mình, bà Thoan xong việc bếp núc lại cáu kỉnh với đôi que đan lách cách.
Về nhà mới, mỗi ngày đến trường nàng đi qua quãng đường có hàng long não vào mùa cứ rào rạt đánh rơi từng chùm hoa nhỏ li ti. Sau những cội long não là một khu vườn đủ màu hoa được chăm sóc khá kỹ lưỡng. Những thanh rào chắn bên cánh cổng phủ xuống một màu hồng ngọt ngào của giàn ti gôn thoạt trông như cổ tích. Điều lạ lùng, bao nhiêu năm qua đây nàng không hề thấy bóng người sau cánh cổng im ỉm khóa kia. Nàng âm thầm đặt cho nó tên Khu vườn bí ẩn.
Nàng lững thững đi về giữa cơn mưa hoa long não dấp dính trên tóc, ngang qua khu vườn nàng ghé mắt nhìn vào. Khóm trà my, hải đường mới hôm qua còn rực rỡ nay đã bị ngắt sạch, cả vạt cẩm chướng cũng trụi lủi chỉ còn trơ ra những cái gốc ứa nhựa. Vườn hoa xơ xác đến những con bướm cũng chẳng buồn ghé qua, chỉ rập rờn rồi bay về bên kia đồng cỏ.
Mưa bụi như rây bột, nàng cắm cúi bước nhanh hơn trên đường chiều vắng vẻ. Sau lớp hàng rào thưa thấp thoáng bóng một người đàn ông lúi húi làm cỏ vườn. Thoạt nhìn bộ quần áo bạc màu và dáng vẻ lam lũ, nàng đoán ông là người làm vườn thỉnh thoảng ghé qua. Lần đầu tiên sau nhiều năm có bóng người xuất hiện trong khu vườn này, nàng nhận ra những vạt đất đã được vun ngay ngắn, có lẽ chủ nhà đang dọn lại để trồng lên những vồng hoa mới.
Người đàn ông lúi húi chợt ngẩng lên nheo mắt cười với cái bóng lấp ló sau hàng rào: "Ồ, chào cô bé!". Ông thả cái bồ cào xuống lững thững đi ra. "Cháu tìm ai?" - ông hỏi, giọng trầm ấm.
Nàng cúi mặt, di di mũi giày xuống cát: "Dạ… cháu tìm… mấy luống hoa". "Là sao? Bác chưa hiểu?", người đàn ông khẽ nhíu mày.
"Ý cháu là… bác… bán hết hoa trong vườn rồi sao?".
Người đàn ông phá lên cười, cái cười đầy sảng khoái trên gương mặt khá trầm tĩnh: "Bác có bán đâu, hôm trước có việc đi xa, bác về đã thấy vườn hoa trụi lủi, có lẽ đêm đến ai đó lẻn vào cắt sạch". Ông lại cười, đoạn ông cúi xuống chăm chú xới đất mặc những giọt mưa lất phất xiên xuống mái tóc hoa râm. Cảm giác e ngại ban đầu mất hẳn, nàng đi về phía cánh cổng lách mình vào và ngồi xuống nhặt những hòn sỏi nhỏ lẫn trong cỏ rác. Vừa nhặt sỏi nàng vừa lân la trò chuyện. Nàng chăm chú nhặt những hòn sỏi dồn vào một góc, thỉnh thoảng kín đáo liếc qua, gương mặt người đàn ông ở góc nghiêng thật đẹp, thoạt trông như một bức tượng đầy sống động với ánh mắt và miệng cười thoáng chút trầm tư.
"Bác là người làm vườn cho chủ nhà này sao?", nàng đột ngột hỏi khi bất chợt ngước lên nhìn lưng áo bảo hộ bạc màu lấm lem đất cát.
Người đàn ông có vẻ như đang đuổi theo những ý nghĩ trong đầu, ông giật mình ngẩng lên, nụ cười trầm đục cùng cái nheo mắt đầy ý vị: "Ừ, bác là người làm vườn", đoạn ông cúi xuống dùng bay xắn bụi cỏ vất ra xa, hỏi vẻ lơ đãng: "Tên cháu là gì nhỉ?".
"Cháu là Cúc Tần nhưng đến lớp các bạn thường đùa gọi là Chim Gõ Kiến".
"Cúc Tần, một cái tên thật đẹp! Nhưng còn Chim Gõ Kiến? Sao lại là Gõ Kiến?".
"Cháu có đôi chân ngắn, bàn chân cũng khác người, chỉ có bốn ngón thôi, bác xem này!" - nàng cúi xuống cởi chiếc giày nhựa chìa bàn chân ra trước ông.
Người đàn ông dừng tay chăm chú nhìn cô bé đang nghiêng đầu làm điệu bộ thật ngộ nghĩnh, mái tóc đen dày thắt bím vắt vẻo bên bờ vai mịn nõn rướm chút mồ hôi, trên vầng trán vết chàm hình đồng xu tròn xinh nằm án ngữ như đánh dấu bản quyền của tạo hóa. Đôi lông mày ông nhíu lại thoáng chút ngạc nhiên trước một gương mặt thanh khiết lạ thường.
"Vậy sao? Và cháu đã không buồn vì nó chứ?".
"Không ạ!", nàng lắc đầu rồi nhoẻn miệng cười, xòe bàn tay lấm lem đất ra trước ông, khoe: "Cháu có thể chơi đàn từ năm lên sáu tuổi đấy!".
"Ồ!", người đàn ông buông bồ cào đứng lên: "Vậy cháu có thể chơi cho bác nghe một bản?".
"Nhà bác có đàn chứ?".
"Tất nhiên rồi!".
Người đàn ông đi trước, đến bên vòi vặn nước rửa tay, nàng cũng cúi xuống kỳ cọ đôi bàn tay lấm đất rồi theo ông đi qua hành lang vào bên trong căn phòng cuối cùng có ô cửa nhìn ra vườn sau. Người đàn ông kéo chiếc khăn trắng phủ bên trên chiếc đàn rồi quay sang nàng cúi gập người, chìa bàn tay pha trò: "Nào! Xin mời công chúa Cúc Tần!".
Nàng nhẹ nhàng ngồi vào chiếc ghế bọc nhung, mái đầu nghiêng nghiêng chiếc nơ màu nâu xinh xẻo hình cánh bướm. Khúc dạo đầu bật lên thánh thót nghe như ngoài cửa sổ những giọt mưa đang tí tách rơi. Người đàn ông đang với tay xô cánh cửa sổ bỗng khựng lại, gương mặt lặng đi như bị vùi giữa lớp sương mù. Giai điệu bản Winter sonata khe khẽ ngân lên. Lắng sâu. Da diết. Không hay biết người đàn ông đang xúc động, nàng vẫn miên man trôi cùng những ngón đàn dìu dặt như tiếng mưa mùa thu…
Bản nhạc vừa dứt, ánh mắt người đàn ông đang trượt dài ngoài ô cửa chợt khép lại, ông úp mặt vào hai bàn tay nghe tiếng chân người rón rén đi về, thật khẽ. Một chiếc bóng lặng lẽ lướt qua con đường phủ đầy lá rụng sau cơn mưa đá. Lồng ngực ông, một trái tim đang vỗ cánh. Rất lâu, sau hơn ba mươi năm ông lại nghe bản nhạc một thời qua đôi bàn tay tài hoa của cô bé tật nguyền. Ba mươi năm, người con gái đó đã dạo bản sonata này trong một đêm mùa đông tê tái. Nàng đi, để lại cho ông một khoảng trống không gì lấp nổi. Rất nhiều đêm về sau, bóng dáng nàng cùng ánh mắt rập rờn luôn lặng lẽ về từ ký ức xa xăm ngỡ như đã phủ một lớp bụi mờ. Cơn gió mùa đông năm đó đã đưa nàng lên chuyến tàu rời quê hương nhưng Winter sonata vẫn ở lại… Những giọt mưa trên phím sau ba mươi năm vẫn thế…
Trời chiều nín gió. Nàng ngồi bệt bên bậc thềm thơ thẩn nhìn những cọng cỏ cuối ngày rũ xuống tựa vào nhau sửa soạn giấc ngủ đêm. Sau lưng nàng, tiếng người đàn ông rì rầm kể chuyện. Không nhớ ông đã kể những gì, chỉ biết buổi hoàng hôn đó nàng trở về trên đôi chân lâng lâng như con chim trong mùa nắng ấm.
Ngày hôm sau cũng thế.
Và những ngày sau vẫn thế.
Mỗi chiều cánh cổng có giàn ti gôn luôn mở toang đợi nàng, đợi cái bóng lũn chũn xuất hiện từ phía cuối đường. Ông dạy nàng làm vườn, chiết cành, giâm những cây con, ông còn dạy nàng cách phân biệt những mầm cây, những ấu trùng sinh sản theo mùa, vừa làm ông vừa nói cho nàng nghe về hội họa, về những bản giao hưởng bất hủ. Trên khoảnh đất trước cửa sổ phòng mình, nàng đã tự tay trồng lên khóm hải đường, trà my và cả những loài hoa "khó tính". Chiều nào đi về nàng cũng mắt híp môi cười lao ra vườn tưới tắm mấy khóm hoa, thấy vậy bà Thoan cũng thôi bắt nàng tháo những chiếc áo len cũ ra đan bít tất.
Đôi khi bất chợt xuất hiện nàng lại thấy ông say sưa ghi chép, những trang viết ngày một dày lên trong cuốn sổ bìa xanh. Có lúc nàng buột miệng hỏi nhưng chỉ nhận được một cái cười nhẹ nhõm.
Mùa thu qua đi, những chiếc lá vàng cuối cùng khẽ rời cành, nàng vẫn qua đây, âm thầm đợi ông gieo những mầm xanh mới. Nhưng nửa năm rồi vạt đất lại lỏng chỏng những cỏ khô và sỏi vụn.
* * *
Cha trở lại với những phi vụ làm ăn có phần khởi sắc. Mẹ cũng tươi trẻ từng ngày, váy áo nước hoa lồng lộng lao vào các cuộc du lịch xa nhà cùng hội bạn thân, yên tâm giao nàng cho bà Thoan với đôi que đan và những cuộn len màu.
Mùa đông. Gió về rít từng cơn qua những đồi đất trống, trong vườn cây cối ngả rạp vẽ nên một con đường màu xanh lá bạc. Nàng ôm ngực ho sù sụ. Chiếc áo len màu đỏ thẫm điểm xuyết những nụ hoa bà Thoan vừa đan cho nàng có vẻ như không đủ ấm. Hơn hai tuần nàng ở nhà, bệnh viêm phổi khiến những cơn ho thêm dai dẳng. Bên bếp lửa, con mèo Cải lim dim thỉnh thoảng lại meo lên một tiếng canh chừng, bà cụ Thoan loay hoay với mớ nồi niêu xoong chảo, chiếc khăn choàng cổ cho nàng vẫn đan dở trên ghế. Nàng nhón chân ra cửa sè sẹ đẩy then cài, gió đột ngột thốc vào thổi tung rèm, con mèo Cải ngoao lên một tiếng khó chịu.
Những cánh long não vẫn trải dài trên đoạn đường quen, tim nàng như vỡ ra khi từ xa mắt đã chạm giàn ti gôn ngọt ngào. Mảnh vườn vắng nàng hai tuần sau cơn ốm được giâm lên vạt cúc tần xanh um từ bao giờ.
"Bác không biết cháu gặp chuyện gì?", người đàn ông xuất hiện, gương mặt điềm tĩnh thoáng chút âu lo.
"Sao bác lại trồng cúc tần ạ?", nàng ngạc nhiên, câu trả lời chẳng ăn nhập gì. "Trà my và cẩm chướng sẽ khiến khu vườn rực lên, cháu nghĩ vậy", nàng co ro trong chiếc áo len ngước nhìn ông, gương mặt trắng xanh lấm tấm rịn mồ hôi.
Yên lặng. Mọi ngôn từ có lẽ dồn hết vào đôi mắt quay đi. Nàng ngồi thu mình trong chiếc ghế đợi câu trả lời.
"Bác có việc phải đi xa, cháu hãy giữ quyển sổ này…", người đàn ông vào trong rồi trở ra, ánh mắt giăng giăng vài vệt khói, ông ngập ngừng trao cho nàng quyển sổ bìa xanh.
Vạt cúc tần ngoài vườn như rũ xuống, nếu lắng nghe thật kỹ, dường như có một cơn lốc đang se sẽ đi qua. "Rồi bác sẽ về, phải vậy không?", nàng hướng ánh mắt đi nơi khác.
"Ừ… bác sẽ về!" - ông ngập ngừng.
Nàng vẫn ngồi thu mình trên ghế, tiếng ông được mất lẫn vào tiếng còi tàu bải hoải vọng lại. Ngay cả gương mặt ông lúc này cũng chỉ còn lờ mờ qua lớp sương mù. Nàng lặng lẽ đến bên chiếc đàn, mở nắp. Từng nốt nhạc rời rạc, chậm rãi, đứt đoạn. Ông lặng nhìn những ngón tay như rơi trên phím, thoáng rùng mình như thể ngọn gió đêm vừa len lỏi đi qua…
Gió như ngừng thổi khi ông tiễn nàng ra cửa.
Cánh cổng khu vườn khép lại.
Lặng yên trong góc khuất đang dần sẫm lại của một chiều cuối đông, ông dõi theo chiếc bóng nhỏ bé mờ dần trên con đường đang rào rạt đổ xuống cơn mưa hoa vàng.
Còn một mình, nàng vẫn âm thầm đi về ngắm những vạt cúc tần xanh um lụi đi từng ngày vì thiếu bàn tay chăm sóc. Bao nhiêu buổi chiều, từ xa cánh cổng có giàn ti gôn lại hiện ra như những đốm lửa nhen nhóm trong nàng một niềm hy vọng. Rằng, ông sẽ trở về. Đôi khi trong giấc mơ nàng thoáng thấy bóng ông đứng bên cánh cổng đợi nàng trong bộ quần áo làm vườn xộc xệch, tay nắm chiếc bồ cào nhỏ xíu còn vương vương vài cọng cỏ rối.
Nàng âm thầm đếm từng ngày trôi. Một… hai… ba… mười lăm… hai mốt… ba trăm hai mươi… bốn trăm tám mươi…
Cánh cổng gỗ ngày nào đã phủ rêu, sợi xích khóa han gỉ cứng đơ, có lần nhớ quá nàng len lén chạm vào nhưng không còn nghe ra tiếng leng keng vui tai ngày nào… Con mèo hoa tên Cải nay cũng đã già, mỗi sáng thức dậy nàng không còn cúi xuống vuốt đầu nó như ngày còn bé.
Mùa đông. Những cơn ho rút người khiến nàng gầy rộc. Nàng lui vào góc tối lảm nhảm những câu không rõ nghĩa. Ánh mắt trong veo ngày nào đã bị bào mòn theo từng khắc thời gian… Người ta chỉ còn nhìn thấy trong đôi mắt của cô gái tật nguyền nỗi câm lặng hóa đá.
* * *
Ngôi nhà có những cánh cửa sơn xanh vẫn thế, vẫn lẻ loi ngậm ngùi giữa những mù sương. Ba năm, chiếc piano ngủ vùi trong góc, bức chân dung trên tường người đàn ông đã vẽ trong ngày đầu gặp nàng giờ cũng phủ mờ bụi trắng. Nàng chẳng bao giờ biết được rằng bức chân dung của nàng đã tham dự vào cuộc đời ông…
Đôi khi, người ta nhìn thấy giữa khu vườn lùng nhùng cỏ dại bóng một cô gái tóc rối, ánh mắt thẫn thờ với vết chàm bạc màu trên trán tròn như hình đồng xu. Đôi khi người ta thấy bóng nàng băng qua đường ray xe lửa hướng về phía đồng chiều, tiếng lạo xạo của những viên đá dăm vỡ ra như tiếng khóc khô.
Mùa thu. Giàn đậu biếc rũ xuống héo quắt đòng đưa trên giàn tre xiêu vẹo. Bên hiên bầy sẻ cũ vẫn đi về nhưng không còn ai tung cho chúng những hạt đậu nhỏ xinh. Chúng ngơ ngác dạo chơi, lích rích tìm hạt cỏ rơi vãi rồi vù cánh bay về phía bầu trời. Nhìn lũ sẻ nàng lại ngửa mặt cười, nụ cười ngây ngô phảng phất chút đắng cay của một người không có tuổi, đôi mắt man dại như lùi vào sâu hơn dưới rèm mi.
Từng mùa trôi. Những chiếc lá cuối cùng trong vườn cũng lặng lẽ vùi vào đất. Bên bậc thềm rêu phủ, cô gái ngày nào giờ đã là một cụ bà tóc trắng. Bà ngồi đó, dáng vẻ bình thản nhìn mỗi buổi chiều tàn úa đi qua, trên gương mặt võ vàng còn vương chút ngây ngô lúc nào cũng như tìm kiếm vật gì đánh rơi, bà đếm từng con kiến đi qua, mếu máo vì xác một con cóc cụ chết khô trong bụi cỏ. Đôi khi người ta bắt gặp bà bật cười vì một cánh chim vừa vụt qua, vết chàm hình đồng xu trên trán động đậy như con mắt thứ ba khẽ chớp. Bà ngơ ngác nhìn về cuối chân trời, ánh nhìn vương vất vài sợi khói u hoài như ngóng đợi một bóng người trở lại.
Bình luận (0)