Cục Thú y thông tin kết quả xét nghiệm virus cúm gia cầm A/H9N2 ở Tiền Giang

06/04/2024 19:26 GMT+7

Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chỉ đạo cơ quan thú y địa phương lấy mẫu xét nghiệm virus cúm gia cầm A/H9N2, đồng thời giám sát chặt chẽ đàn gia cầm tại ấp Tân Quới (xã Tân Lý Đông, H.Châu Thành, Tiền Giang), nơi phát hiện ca nhiễm cúm gia cầm A/H9 trên người đầu tiên tại Việt Nam.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 6.4, một lãnh đạo Cục Thú y đã thông tin kết quả xét nghiệm virus cúm gia cầm A/H9N2 tại Tiền Giang, sau khi địa phương này ghi nhận 1 trường hợp nhiễm cúm A/H9.

Cục Thú y thông tin kết quả xét nghiệm virus cúm gia cầm A/H9N2 ở Tiền Giang- Ảnh 1.

Cục Thú y yêu cầu giám sát chặt chẽ đàn gia cầm tại xã Tân Lý Đông sau khi địa phương này có người nhiễm cúm gia cầm A/H9

PHAN HẬU

Trước đó, ngày 2.4, Viện Pasteur TP.HCM đã báo cáo về trường hợp mắc cúm gia cầm - cúm A/H9 là bệnh nhân nam 37 tuổi, trú tại xã Tân Lý Đông (H.Châu Thành, Tiền Giang).

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này, Cục Thú y đã chỉ đạo cơ quan thú y địa phương lấy 7 mẫu tại 2 điểm buôn bán gia cầm sống ở ấp Tân Quới (xã Tân Lý Đông). Qua phân tích, 7 mẫu này đều âm tính với virus cúm A/H9N2. 

Cục Thú y tiếp tục yêu cầu giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên đàn gia cầm ở địa phương này; tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch. 

Trước đó, ngày 5.4, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO), Cục Thú y, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (USCDC) và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã khuyến cáo cộng đồng cảnh giác với khả năng lây nhiễm cúm gia cầm độc lực cao, cúm A/H5N1 sang người, khi phát hiện biến thể mới virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 mới ở gà, ngan tại Việt Nam.

Qua kiểm tra phát sinh virus thể độc lực cao A/H5N1 được lấy mẫu từ các chợ gia cầm sống và các đợt bùng phát từ tháng 1.2022 đến tháng 12.2023 tại Việt Nam, đã ghi nhận cả 2 nhánh 2.3.2.1c và 2.3.4.4b. Trong đó, virus nhánh 2.3.2.1c chủ yếu lưu hành ở khu vực miền Nam. Virus nhánh 2.3.4.4b được tìm thấy trên toàn quốc. 

Trong năm 2023, một số mẫu virus được phát hiện tại các chợ gia cầm sống tại Sóc Trăng và Vĩnh Long có biểu hiện tái tổ hợp gen giữa các nhánh 2.3.2.1c và 2.3.4.4b, mặc dù không phát hiện sự thay thế PB2-E627K.

Theo FAO, từ giữa năm 2022, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng đã phát hiện 2 nhánh virus mới này gây bệnh trên cả người và gia cầm. Tại Campuchia, trong 5 ca nhiễm virus cúm A/H5N1 phát hiện từ tháng 12.2023 đến nay có 4 ca nhiễm virus nhóm H5 (HA) 2.3.2.1c. Từ năm 2024, Campuchia đã ghi nhận chủng virus này trên đàn gia cầm trong chương trình giám sát của cơ quan thú y.

FAO cảnh báo, các chủng virus cúm A/H5N1 tái tổ hợp này cho thấy khả năng thích ứng của virus, nguy cơ xuất hiện của các chủng mới, có độc lực cao hơn sẽ gây ra rủi ro đáng kể đối với sức khỏe động vật và con người.

Cũng theo FAO, virus cúm A lây nhiễm vào đường hô hấp và đường tiêu hóa của chim khiến chim phát tán virus trong nước bọt, chất nhầy và phân. Bên cạnh đó, virus cúm A cũng có thể lây nhiễm vào đường hô hấp của động vật có vú và gây nhiễm trùng toàn thân ở các mô cơ quan khác. Bệnh ở những người nhiễm virus cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1) dao động từ nhẹ (triệu chứng hô hấp trên) đến bệnh nặng (viêm phổi, suy đa tạng) dẫn đến tử vong.

Để phòng ngừa lây nhiễm cúm gia cầm, FAO khuyến cáo cộng đồng đề cao cảnh giác, thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, trong quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với gia cầm. 

Người dân không nên ăn tiết canh, cần nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm và trứng; rửa sạch và làm vệ sinh tất cả các bề mặt và dụng cụ được sử dụng để chế biến thực phẩm; tránh tiếp xúc với gia cầm ốm hoặc chết.

Khi đã tiếp xúc với gia cầm có khả năng bị nhiễm bệnh, có triệu chứng về đường hô hấp,  người dân liên hệ với cơ sở y tế gần nhất; báo cáo ngay khi thấy gia cầm ốm chết bất thường cho cơ quan thú y địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.