'Củi ẩm' Thanh Hóa đang 'gây khói'

03/10/2017 15:23 GMT+7

Đã đến lúc công tác tuyển dụng công chức, bổ nhiệm, đề bạt lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở mọi cấp cần đưa ra mổ xẻ, thanh tra thí điểm, làm gương và nghiêm trị những hiện tượng sai phạm.

Báo chí đồng loạt đưa tin Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã bỏ phiếu, thống nhất hình thức kỷ luật "khiển trách" đối với ông Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hoá (nhiệm kỳ 2010-2015) là do để xảy ra sai phạm trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh - nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng một cách bất thường thời gian ông làm Giám đốc.
Không lẽ người chịu trách nhiệm chính trong vụ này chỉ ở hình thức "khiển trách"? Không lẽ một đảng viên bỏ nhiệm sở không biết đi đâu mà 6 tháng sau, tổ chức đảng cơ sở mới ra quyết định khai trừ Đảng? Thật đúng là "củi ẩm Thanh Hóa" đang "gây khói" cho cả xã hội.
Chúng ta hãy nhớ lại diễn biến của sự việc: Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, bà Quỳnh Anh (31 tuổi), từng làm tạp vụ tại Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa. Tháng 1.2011, bà này ký hợp đồng lao động với Trung tâm Kiểm định chất lượng (Sở Xây dựng Thanh Hóa) không qua thi tuyển.
Tháng 4.2012, bà Quỳnh Anh được điều về Phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản của Sở này.
Tháng 10.2013 đến tháng 4.2014, bà nghỉ sinh con đầu lòng. Trở lại đi làm một năm, bà được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản. Sáu tháng tiếp đó, bà thăng chức trưởng phòng.
Tháng 9.2016, khi xuất hiện dư luận liên quan đến mình thì bà Trần Vũ Quỳnh Anh bất ngờ nộp đơn xin thôi việc và rời khỏi Việt Nam rất lẹ. Điều bất thường đầu tiên là chỉ ba ngày sau có đơn, Giám đốc Sở Xây dựng Đào Vũ Việt tức tốc ký quyết định cho bà Quỳnh Anh thôi việc. Song Sở này cũng không thèm báo cáo Sở Nội vụ (theo nguyên tắc xử lý thông thường) và không hề thông báo cho cán bộ, công chức trong cơ quan... Điều bất thường thứ hai nữa, đó là việc cùng với đơn xin thôi việc thì tập hồ sơ công chức gốc của bà Quỳnh Anh cũng đồng thời không cánh mà bay.
Có lẽ nhức nhối trước hiện tượng bổ nhiệm, đề bạt cán bộ "thần tốc", hiện tượng đưa người ruột thịt, người có quan hệ, thậm chí đưa cả bồ bịch vào cơ quan nhà nước…,  Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã bày tỏ quan điểm của bà và cũng là của Ủy ban này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội xung quanh công tác phòng chống tham nhũng năm 2017. Ủy ban đề nghị "Chính phủ cần chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định; bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng".
Tôi cho rằng đây là việc rất đáng làm và phải làm quyết liệt, nếu không sẽ rất tai hại xét về lâu dài cho công tác tổ chức cán bộ của Đảng và hệ quả của nó rất nguy hiểm; chất lượng cán bộ công chức yếu kém, phe cánh và dễ tiêu cực khi thực thi công vụ. Từ đó, người giỏi nếu không có “quan hệ" sẽ hết cửa cống hiến.
Ví dụ như chuyện từng xảy ra ở Cục Quản lý Thị trường Bộ Công thương cách đây 4 năm, tổ chức thi tuyển có nhiều tiêu cực, bị Bộ Nội vụ thanh tra, kết luận sai phạm. Ấy vậy mà không hiểu sao ông Vũ Huy Hoàng, với cương vị Bộ trưởng Công thương lại không xử lý nghiêm khắc. Người đứng đầu cục này là ông Trương Quang Hoài Nam (cũng là Chủ tịch hội đồng thi tuyển công chức phải chịu trách nhiệm) không hề bị kỷ luật (ngoài việc phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm và "bị cắt thi đua khen thưởng năm", thậm chí còn được bổ nhiệm lên chức cao hơn bằng hình thức "luân chuyển" làm phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ. Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục phó, người liên đới trách nhiệm, được lên Cục trưởng (!?). 
Đã đến lúc công tác tuyển dụng công chức, bổ nhiệm, đề bạt lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở mọi cấp cần đưa ra mổ xẻ, thanh tra thí điểm, làm gương và nghiêm trị những hiện tượng sai phạm. Nếu không quyết liệt thì sẽ vẫn còn hiện tượng "lãnh đạo nhiều hơn nhân viên", "cả nhà làm quan", không cần thi tuyển vẫn nghiễm nhiên được vào biên chế với lý do "trường hợp đặc biệt", "đặc cách"…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.