Cúm gia cầm lần đầu xuất hiện ở Nam Cực, đe dọa chim cánh cụt

Khánh An
Khánh An
25/10/2023 09:29 GMT+7

Cúm gia cầm độc lực cao lây lan nhiều về phía nam và xuất hiện tại khu vực Nam Cực, khiến giới khoa học lo ngại cho nhiều loài bản địa như chim cánh cụt.

Cúm gia cầm lần đầu xuất hiện ở Nam Cực, đe dọa chim cánh cụt - Ảnh 1.

Chim cánh cụt ở Nam Cực đang đối diện nguy cơ từ cúm gia cầm

REUTERS

Hãng AFP ngày 25.10 dẫn lời giới chuyên môn Anh cho hay cúm gia cầm lần đầu được phát hiện tại khu vực Nam Cực, dẫn đến lo ngại virus chết người này có thể đe dọa chim cánh cụt và những loài bản địa khác.

Trước đó, giới khoa học đã lo ngại rằng virus cúm gia cầm có độc lực cao (HPAI) sẽ lan đến Nam Cực, nơi sinh sản quan trọng của nhiều loài chim.

Viện Nghiên cứu Khảo sát Nam cực Anh quốc cho biết các nhân viên đã lấy mẫu từ những con chim biển nâu (Stercorarius antarcticus) sau khi chúng chết trên đảo Chim ở Nam Georgia, một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở phía đông mũi cực nam của Nam Mỹ và phía bắc vùng đất chính của Nam Cực.

Viện nghiên cứu này cho biết các mẫu xét nghiệm đã được gửi đến Anh và cho kết quả dương tính. Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng virus này lây lan do những con chim trở về sau chuyến di cư đến Nam Mỹ, nơi đã xảy ra rất nhiều trường hợp mắc bệnh cúm gia cầm.

Du khách đến Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich được tăng cường các biện pháp an toàn sinh học và công việc nghiên cứu thực địa khoa học liên quan đến các loài chim ở đó đã phải dừng lại.

Dịch cúm gia cầm thường xuyên bùng phát kể từ khi virus này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1996. Kể từ giữa năm 2021, các đợt bùng phát lớn hơn nhiều bắt đầu lan rộng về phía nam đến các khu vực chưa bị ảnh hưởng trước đây, trong đó có Nam Mỹ, khiến nhiều chim hoang dã bị chết và hàng chục triệu gia cầm bị tiêu hủy.

Tuần trước, chuyên gia Ian Brown tại Cơ quan Thú y và Thực vật của Vương quốc Anh cảnh báo về nguy cơ các loài chim di cư có thể lây lan virus từ Nam Mỹ đến Nam Cực. Ông cho đây có thể là một "mối lo ngại thực sự" đối với các quần thể chim như chim cánh cụt chỉ có ở Nam Cực.

Giới chuyên môn cho rằng những loài như chim cánh cụt chưa từng tiếp xúc với vi rút cúm gia cầm sẽ chưa có khả năng miễn dịch, khiến chúng dễ bị tổn thương hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.