Tôi bật cười ngẫm nghĩ về hành trình chủ nhiệm lớp suốt bao năm qua và cảm nhận sự nhẹ nhõm trong tâm hồn khi bớt kiêm nhiệm một nhiệm vụ gắn liền với việc uốn nắn, dạy dỗ và trui rèn đạo đức, nhân cách, giáo dục giá trị sống, lý tưởng sống trong học sinh.
Lời chúc mừng của đồng nghiệp cho thấy nhiệm vụ nhọc nhằn gắn chặt trách nhiệm của giáo viên (GV) chủ nhiệm. Từ bao giờ GV chủ nhiệm lớp lại hóa thành GV... chịu trách nhiệm?
Nhiệm vụ chính của GV chủ nhiệm là nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động học tập và giáo dục học sinh, xây dựng bộ máy ban cán sự tự quản, phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong việc uốn nắn học sinh. Vậy mà đằng sau những công việc định danh rõ ràng ấy là hàng tá việc không tên.
Giáo viên chủ nhiệm họp phụ huynh đầu năm bằng hình thức trực tuyến |
NGỌC TUẤN |
Đó là chuyện mỗi tháng một chủ điểm hoạt động ngoài giờ lên lớp, mỗi tuần có phong trào thi đua riêng, nhất là vào các ngày hội lớn đều có hoạt động giao lưu văn nghệ, thi kể chuyện, thi nghi thức, thi bóng đá… khiến GV quay cuồng tổ chức tập luyện và thi cử.
Đó là cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm” khi GV chủ nhiệm phải lo chuyện học, chuyện chơi cho đàn trẻ lại còn quản tất tần tật chuyện vận động các khoản đóng góp, phát hiện và xử lý bạo lực học đường, dùng hình thức kỷ luật tích cực để giáo dục học sinh chưa ngoan...
Đó là cả kho hồ sơ sổ sách mà GV chủ nhiệm phải cập nhật hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng: sổ chủ nhiệm, sổ nhận xét đánh giá học sinh, kế hoạch giáo dục học sinh yếu, sổ theo dõi các khoản thu nộp... rồi phải bảo quản các loại giấy tờ: thông báo, biểu mẫu, thống kê, biên bản, giấy mời, sơ yếu lý lịch...
Đó là vô số áp lực bủa vây, bởi phải lo trách nhiệm trước nhà trường về chất lượng và thành tích lớp nên thỉnh thoảng lại bị họp theo kiểu “mời uống nước trà” với ban giám hiệu. Bởi phải chịu trách nhiệm với phụ huynh học sinh nên thỉnh thoảng “chiếc cầu nối” giữa nhà trường với gia đình lại chênh chao những tổn thương bởi cách ứng xử thiếu tế nhị của một vài ông bố, bà mẹ khó tính, khắt khe. Bởi phải gánh trách nhiệm với xã hội nên mỗi khi học sinh vi phạm giao thông, vi phạm trật tự xã hội bên ngoài nhà trường thì trách nhiệm cũng gắn chặt với GV chủ nhiệm.
Được quy đổi thành 4 tiết dạy nhưng nhiệm vụ của GV chủ nhiệm nhọc nhằn hơn hẳn bởi sự liên đới trách nhiệm với thành tích của lớp. Thành tích học sinh lại quyết định thi đua cá nhân của chủ nhiệm nên không ít lần nhà giáo phấn đấu và nỗ lực cả năm lại bị hạ bậc thi đua bởi lớp chủ nhiệm có học sinh bỏ học, học sinh vi phạm nội quy, học sinh gây ra bạo lực học đường...
Chất lượng các lớp không đồng đều, mỗi khi phân công chủ nhiệm luôn có sự so bì tị nạnh giữa các đồng nghiệp bởi thi đua giữa các lớp đánh giá dựa trên số lượng học sinh khá giỏi và các giải thưởng, chứ ít khi ghi nhận sự tiến bộ và nỗ lực của tập thể sau ngày dài phấn đấu vươn lên...
Có lẽ vì phải chịu trách nhiệm nhiều như thế nên đa số GV đều ngán ngại công tác chủ nhiệm lớp. Nhất là trong bối cảnh dịch giã phải dạy học trực tuyến, “chủ nhiệm online” lại càng phát sinh vô số việc khiến nhiều người lắc đầu ngán ngại. Tiếc thay!
Bình luận (0)