Cùng con đi tiếp cuộc đời: Chơi vơi cảnh 'gà trống nuôi con'

22/02/2023 08:26 GMT+7

Từ mờ sáng, 3 cha con anh Mai Văn Út đã lên xe máy vượt gần 15 km từ Q.Bình Tân đến Q.11 (TP.HCM) để các con đến trường, còn cha bán bánh mì kiếm sống qua ngày. Cuộc mưu sinh khó nhọc này khởi đầu từ những ngày đau đớn khi vợ anh mất vào tháng 7.2021.

SINH KẾ Ở VỈA HÈ

Cứ mỗi sớm, đi trên đường Hòa Bình (Q.11, TP.HCM), ngang qua cổng nhà hàng Thủy Tạ của Công viên văn hóa Đầm Sen, sẽ thấy xe bánh mì Út Nhí nho nhỏ nằm cạnh đó. Đây là "cơ sở" mưu sinh của gia đình anh Mai Văn Út (37 tuổi) từ hơn 5 năm nay. Trước đây vợ anh, chị V.T.C.H, đứng bán. Tháng 7.2021, chị qua đời do Covid-19, từ đó anh thay vợ bán và đưa đón con đi học mỗi ngày. Anh bán bánh mì bình dân, mỗi ổ chỉ 15 ngàn đồng. Anh cho biết bình quân mỗi ngày bán được chừng 25 - 30 ổ, riêng thứ bảy, chủ nhật thêm chục ổ, các dịp lễ hoặc có sự kiện lớn có khi bán được gấp đôi. "Tiền lời không bao nhiêu, mỗi ngày chỉ chừng 150-200 ngàn đồng, không đủ đóng tiền phòng trọ và tiền học cho 2 cháu", anh Út tâm sự.

Cùng con đi tiếp cuộc đời: Chơi vơi cảnh 'gà trống nuôi con' - Ảnh 1.

Anh Mai Văn Út mưu sinh với xe bánh mì ở vỉa hè

BÙI CHIẾN

Bà Trần Thị Quý, cô ruột vợ anh Út, bán nước giải khát cạnh đó, cho biết: "Gia đình hai bên ai cũng nghèo. Đã vậy, năm 2021, bà ngoại các cháu (mẹ vợ anh Út) lại mất cùng ngày với chị H. do Covid-19, rồi mấy tháng sau ông ngoại các cháu cũng qua đời do bệnh nặng, thiệt là tang thương!". Thấy hoàn cảnh anh Út như vậy, bà Quý cùng các con giúp sức, phụ đi chợ mua thịt, trứng, bánh mì để anh chỉ việc đứng bán, có thời gian chăm con. Hôm nào anh Út bận việc làm thêm, người nhà bà Quý lại trông giúp xe bánh mì, rước con anh đi học về, lo cơm nước cho cả nhà anh. "Mình không có gì, chỉ giúp chút sức để các cháu đỡ phần nào thiệt thòi. Mẹ các cháu ngày trước lanh lợi lắm, nay mất rồi nên mấy cha con vất vả", bà Quý thổ lộ.

ĐUỐI SỨC

Mấy hôm trước, khi chúng tôi ghé thăm cha con anh ở phòng trọ nằm trong hẻm 79 đường Cây Cám, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, trời đã nhá nhem tối mà phòng vẫn khóa cửa. Chị Bảy, ở trọ cạnh đó, nói với sang: "Cha con chú Út đi sớm lắm, mà về cũng muộn". Gần 7 giờ rưỡi tối, cha con anh Út mới về. Vừa bước vào phòng, 2 con của anh là M.V.T.K (học lớp 7) và M.H.Tr (học lớp 1) lễ phép chào chúng tôi và chia nhau ít quà bánh, còn anh Út thắp nhang lên bàn thờ, nơi có di ảnh chị H. Căn phòng nhỏ chưa đầy 10 m2 chẳng có gì ngoài cái bàn học đơn sơ, một góc bếp với vài cái chén, dĩa, xoong nồi, quần áo của 3 cha con. Anh vừa vo vội nắm gạo nấu cơm vừa nói: "Để lát nữa có đói thì cha con ăn chén cơm trước khi ngủ, còn lại sáng mai tôi lót dạ đi làm".

Anh Út quê ở ấp Xẻo Cui, xã Hòa Thuận, H.Giồng Riềng (Kiên Giang). Tình cờ anh gặp chị H. và nên duyên vợ chồng, sống rất hạnh phúc. Do hộ khẩu của chị H. ở P.3, Q.11 nên khi sinh con, anh chị đều đăng ký cho các bé học ở đó. "Nếu vợ em không mất thì cuộc sống như vậy là ổn rồi, gia đình vừa có kế sinh nhai, lại tiện việc học hành cho con", anh Út nói mà đôi mắt đỏ hoe.

Cùng con đi tiếp cuộc đời: Chơi vơi cảnh 'gà trống nuôi con' - Ảnh 2.

Cha con anh Út trong căn phòng trọ nhỏ hẹp

Để lo cơm áo cho con, khi hết khách mua bánh mì, anh Út lại chạy xe ôm, kiếm việc làm lặt vặt quanh đó trong thời gian chờ đón 2 con tan trường đi học thêm buổi tối. "Gặp biến cố quá lớn, 2 cháu học hành sa sút hẳn. Nếu mình gục ngã buông xuôi thì có lỗi với vợ, với con, nên tôi tự nhủ phải gắng hết sức, nhưng thật sự là đuối lắm rồi!", anh Út tâm sự.

MUỐN CHO CON HỌC TIẾP SAO KHÓ QUÁ !

Từ khi vợ mất, hằng ngày anh Út dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị cho con và mình các vật dụng cần thiết rồi đánh thức 2 con dậy đi học. Quãng đường từ phòng trọ ở Q.Bình Tân đến trường các con ở Q.11 gần 15 km, nên mấy cha con phải dậy sớm. "Mùa mưa trời lạnh, sáng sớm đi đường bị ướt, tôi lại càng thương các con, nhưng biết làm sao được", anh nói. Trước đó, biết được hoàn cảnh của anh, ngày 16.9.2022, Báo Thanh Niên và Ngân hàng Eximbank đã trao suất học bổng Nguyễn Thái Bình - Báo Thanh Niên trị giá 20 triệu đồng cho cháu M.V.T.K, chia thành 4 học kỳ, mỗi học kỳ 5 triệu đồng, tính từ năm học 2022-2023 và 2023-2024, khiến anh vui mừng khôn tả.

Thế nhưng hiện thu nhập của anh rất bấp bênh. "Hễ kiếm được đồng nào là ưu tiên tiền học hành, ăn uống cho 2 con, kế đến là tiền phòng trọ, điện nước, gạo…", anh nói và thở dài: "Cách nay mấy hôm, ở quận báo xuống là số tiền hỗ trợ của một đơn vị giúp 2 con mỗi tháng 1 triệu đồng/cháu trong một năm giờ đã ngưng vì họ chỉ giúp được chừng đó, khiến tôi đang rối bời… Muốn cho con đi học tiếp sao khó quá!". 

Quý bạn đọc có nhã ý chung tay cùng chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời xin vui lòng liên hệ số điện thoại: 0903956846 (gặp PV Thanh Đông - Ban Công tác bạn đọc). Chương trình sẽ khảo sát, tìm hiểu và chọn hồ sơ trẻ mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, phù hợp với khả năng của nhà bảo trợ để lên phương án giúp đỡ và ký kết bảo trợ cho trẻ theo từng giai đoạn.

Ngoài ra, nếu lựa chọn hình thức gửi tiền mặt ủng hộ chương trình, xin vui lòng đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM; Tòa soạn Hà Nội và các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước. Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.