Cung đình đón tết

Ngọc An
Ngọc An
29/01/2021 06:17 GMT+7

Dưới triều Nguyễn, ngay từ mùng 1 tháng chạp, hoàng cung đã tiến hành những công việc chuẩn bị đón tết bắt đầu bằng lễ ban lịch năm mới hay còn gọi là lễ Ban sóc.

Sau lễ Ban sóc là lễ Hợp hưởng - nghi lễ thỉnh các vị tiên đế về “ăn tết” với triều đình, lễ Phong ấn - nghi thức biểu thị việc tạm ngưng công việc triều chính, lễ Nghênh xuân, Tiến xuân hay là lễ đón xuân….
Bức tranh tết trong cung đình triều Nguyễn cùng những nghi lễ, nghi thức, hoạt động quan trọng được phác họa một phần trong triển lãm Cung đình đón tết (khai mạc ngày 28.1 và kéo dài đến hết ngày 23.2 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội) qua 80 tài liệu tiêu biểu được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn (di sản tư liệu thế giới).

Tinh thần trọng nông

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Tết Nguyên đán gắn liền với nền văn minh lúa nước, đời sống nông nghiệp. “Chính bởi vậy, việc đầu tiên của triều đình (khi đón Tết Nguyên đán) là làm lễ Ban sóc. Lịch được ban đi chỉ rõ ngày nào cho công việc đồng áng, ngày nào người dân được nghỉ ngơi, hưởng thụ giá trị tinh thần lễ tết”, ông Quốc nói.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết có nhiều loại lịch khác nhau. Chẳng hạn, các loại lịch được tiến vào cung để hoàng gia dùng như long lịch, phượng lịch, loan lịch; loại lịch được phát cho các thân công, hoàng tử là lịch Vạn niên thọ; loại lịch được phát cho quan ở kinh thành, quan địa phương là lịch Hiệp kỷ, Vạn toàn. Sau khi các quan đầu tỉnh được nhận lịch, các vị này họp các huyện quan để lĩnh quan lịch và phát cho thần dân.
Cung đình đón tết1

Triển lãm Cung đình đón tết với những tài liệu được chọn lọc từ Châu bản triều Nguyễn

ẢNH: NGỌC THẮNG

Ngoài ra, có những nghi lễ khác cũng thể hiện tinh thần trọng nông như lễ Nghênh xuân, Tiến xuân thường tổ chức vào tiết lập xuân. Phần lớn vào cuối tháng chạp có ý nghĩa đón xuân để dẫn hòa khí, ước vọng thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu. Hai lễ này bắt đầu được thực hiện từ năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), lấy tượng làm linh vật là Mang Thần (thần bảo hộ nông nghiệp), Thổ Ngưu (trâu đất) - tiêu biểu cho nghề cày cấy và Xuân Sơn (núi xuân) - tiêu biểu cho đồng ruộng.
Về lễ Tiến xuân, theo những nghiên cứu của ông Trung, Đại Nam thực lục có ghi: Năm 1829, Bộ Lễ tâu rằng: “Kính xét thiên Nguyệt lệnh Lễ ký tháng quý đông, sai Hữu ty cho trâu bằng đất ra để tống khí rét. Tiên nho bàn rằng tháng bắt đầu ở sửu (tháng 12), sửu là trâu, thuộc về hành thổ, đất có thể ngăn được nước, cho nên làm trâu đất, để tống hết khí rét đi. Lại nói: đất thắng được nước, trâu thì giỏi cày. Thắng được nước nên chống được rét, giỏi cày nên có thể chỉ bảo việc làm ruộng sớm hay muộn”. Xuất phát từ ý nghĩa đó mà lễ Tiến xuân được chú trọng tổ chức nhằm mục đích khuyến nông, cầu nguyện cho thời tiết hanh thông, mùa màng thuận lợi.

Đề cao chữ hiếu

Chữ hiếu được các vua triều Nguyễn đề cao ngay trong đầu năm mới, có thể thấy qua việc vua đích thân đến cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng. Vào mùng 2 tết, hoàng thượng đến làm lễ tiến tân và chiêm bái tại điện Phụng Tiên, nơi thờ các vua triều Nguyễn đời trước. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận, giữa dân gian và hoàng cung có những nét tương đồng, có thể thấy trong lễ Hợp hưởng. “Người dân sống cuộc sống ngày hôm nay nhưng luôn nhớ tới quá khứ, tri ân tổ tiên, thì các vua Nguyễn cũng vậy”, ông nói. Dân gian có tục thỉnh gia tiên về ăn tết thì trong hoàng cung có lễ thỉnh các vị tiên đế (các vua đời trước của triều Nguyễn) về “ăn tết với triều đình (lễ Hợp hưởng) thường được cử hành vào 22 tháng chạp.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phước Hải Trung cho hay, chữ hiếu được đề trong cung đình lẫn dân gian thể hiện rõ nhất qua việc chăm sóc bàn thờ vào những ngày tết. “Đến tết, bàn thờ được dọn dẹp, bày biện đẹp đẽ hơn lúc nào hết”, ông Trung nói. Ông cũng kể câu chuyện về vua Tự Đức, vị vua đã ghi chép lại lời mẹ ông - bà Từ Dũ dạy hằng ngày thành tập thơ là Từ huấn lục. Khi nhà vua đề cao chữ hiếu, thì dân chúng cũng thấy đó mà làm gương.
Những tài liệu còn cho thấy nhiều phát hiện thú vị trong ngày tết trong cung đình. Chẳng hạn, hoàng cung làm lễ Phong ấn để tạm ngưng công việc triều chính. Tuy nhiên, trên thực tế, hoàng đế và các quan đại thần trong triều không thực sự hoàn toàn nghỉ tết và phong ấn. Bản Phụng Thượng dụ của nội các vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) có ghi: Theo lệ có việc phong ấn, khai ấn nhưng đó là lúc bình thường vô sự, còn khi có việc quân thì không thể cứng nhắc theo lệ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.