Cũng là tham nhũng vỉa hè

24/08/2016 11:39 GMT+7

Quan phường xã tham nhũng lề đường khi nhận tiền bảo kê, lót tay cho các hộ và người buôn bán phạm luật. Nhưng người buôn bán vỉa hè cũng tham nhũng khi chiếm đoạt không gian làm lợi bất chính và hối lộ quan chức bảo kê.

Báo Thanh Niên vừa có bài “Tham nhũng lề đường” rất được bạn đọc quan tâm. Lề đường, còn gọi là vỉa hè, mảnh đất béo bở để các quan cấp phường - xã bảo kê, kiếm chác. Dù số tiền tham nhũng không lớn nhưng nhờ số nhiều, nên lắm người sống khỏe. Cả người đưa người nhận đều có lợi, phổ biến đến bình thường, thậm chí được cho là ít nguy hiểm nên ít bị kiểm tra, dễ qua mắt dư luận. Việc Quản lý Đô thị xã Nghi Phú, thành phố Vinh (Nghệ An) bị bắt quả  tang nhận tiền bảo kê là chuyện lạ. Có thể bị gài bẫy?
Mới đọc tiêu đề bài báo, tôi cứ nghĩ ngược lại. Các quan cấp phường xã tham nhũng lề đường khi nhận iền bảo kê, lót tay cho các vụ việc vi phạm pháp luật của các hộ và những người buôn bán. Nhưng những người buôn bán vỉa hè cũng tham nhũng khi chiếm đoạt không gian để làm lợi bất chính, đồng thời hối lộ quan chức bảo kê. Vỉa hè là của chung xã hội, các thành viên trong cộng đồng được thừa hưởng; nhưng hầu hết bị chiếm đoạt để kinh doanh đủ thứ dịch vụ. Người đi bộ chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì kêu trời không thấu. Của chung được biến thành của riêng. Nếu không phải là tham nhũng thì là tham gì?
Nhận tiền bảo kê bị lên án và xử lý. Nhưng phải lên án và xử lý gấp đôi người lấn chiếm vỉa hè và đưa hối lộ. Cũng phải xử lí cả chính quyền phường xã vì liên đới trách nhiệm về quản lý. Đó là sự công bằng cần thiết và tối thiểu.
Vỉa hè bị chiếm đoạt, người đi bộ phải xuồng lòng đường. Đã có không ít tai nạn giao thông nhưng chủ nhân gây tai nạn là các hộ lấn chiếm vỉa hè vẫn chưa hề bị sờ gáy. Có những vỉa hè bị chiếm đoạt hàng trăm mét vuông để kinh doanh dịch vụ vẫn nhởn nhơ hoạt động. Nhưng mấy người buôn thúng bán bưng, chỉ tạm chiến vài mét vuông để kinh doanh thời vụ thì bị truy bắt gắt gao. Lỗi nào cũng cần xử lí, vi phạm nào cũng đáng xử phạt nhưng không thể bên trọng, bên khinh. Thiên hạ kháo nhau là nhà giàu và quan chức luôn được pháp luật du di, còn người dân thấp cổ bé miệng thì đành chịu.
Chẳng nước nào như Việt Nam. Các hộ mặt tiền coi vỉa hè mặc nhiên là của riêng họ. Dừng, đậu trước nhà; thậm chí dưới lòng đường cũng bị xua đuổi. Ai thắc mắc thì bị chửi bới và có thể bị hành hung. Nhà nước cấp sổ đỏ, chủ quyên nhà đất chứ chưa thấy ai được cấp sổ đỏ và chủ quyền vỉa hè. Chuyện phi lí mà bao năm vẫn tồn tại. Chắc chắn nguồn lợi từ lấn chiếm vỉa hè phải gấp nhiều lần tiền hối lộ bảo kê. Nhận tiền bảo kê bị lên án và xử lý. Nhưng phải lên án và xử lý gấp đôi người lấn chiếm vỉa hè và đưa hối lộ. Cũng phải xử lí cả chính quyền phường xã vì liên đới trách nhiệm về quản lý. Đó là sự công bằng cần thiết và tối thiểu.
Tham nhũng lề đường còn một việc nhỏ nhưng khá phổ biến và không kém phần nguy hại là “ăn gian mép đường”. Đường phố thiên hạ, luôn có lối lên xuống cho xe lăn và người khuyết tật. Việt Nam, gần như không có. Người đi bộ bình thường đã khổ, người khuyết tật còn khổ gấp bội vì chưa ai quan tâm đến họ khi tham gia giao thông. Lề đường Việt Nam lam nham lối ra vào của các nhà mặt tiền. Lề đường cao hơn lòng đường chừng 2 tấc, luôn được các nhà mặt tiền vuốt bằng cho xe ra vào. Mới nhìn cứ ngỡ lối đi xe lăn cho người khuyết tật.
Đáng trách hơn, nhiều hộ còn ngang nhiên dùng xi măng làm gờ nới thêm vài tấc, nối lề đường liền lòng đường để dễ ra vào. Lòng đường hẹp mỗi bên thêm vài tấc cũng góp phần cho nạn kẹt xe thêm trầm trọng. Chưa kể có thể gây tai nạn cho xe gắn máy và khó thoát nước khi trời mưa. Mấy cái gờ nhỏ, nhìn rất phản cảm và nguy hiểm, nhưng chẳng ai xử lý, thậm chí ngay trước trụ sở cơ quan công quyền. Mấy hộ gần công thoát nước, cứ vô tư quét tất cả rác rưởi trước nhà mình xuống cống. Lợi cho mình một chút mà hại cho công đồng gấp bội vì cống nghẹt, ngập nước. Hành vi này cũng đáng bị xử phạt vì sử dụng công thoát nước sai mục đích, nhằm có lợi cho riêng mình.
Xã hội chỉ có thể tốt hơn bằng sự góp tay, chung sức của từng thành viên trong cộng đồng, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt, cụ thể nhưng thiết thực. Cả người dân lẫn chính quyền phải đồng lòng thực hiện. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” - Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Một thành phố văn minh phải bắt đầu từ vỉa hè, lịch sự, sạch đẹp và nhân văn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.