Trước đó, báo cáo của ngành công an và thanh tra cũng chỉ ra rằng, đất đai là một trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhất cùng với hoạt động tín dụng, ngân hàng và xây dựng cơ bản. Cụ thể, trong 10 năm qua, thiệt hại về đất đai trong các vụ việc tham nhũng lên đến 400 ha đất, song mới chỉ thu hồi được 219 ha. Trong đó, riêng thanh tra phát hiện là 73,6 ha đất.
Phó thủ tướng cảnh báo rằng, tham nhũng đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp đang là vấn đề được xã hội quan tâm gần đây. Trên thực tế, những vụ cổ phần hóa lùm xùm hầu hết đều liên quan đến các doanh nghiệp có nhiều đất vàng. Điển hình nhất, câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện VN hiện chưa có hồi kết khi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch vẫn đang chờ chỉ đạo của Chính phủ để trả lời thắc mắc của giới nghệ sĩ phản đối thương vụ này. Theo giới nghệ sĩ, sở dĩ họ đồng loạt kiến nghị xem xét lại chủ trương cổ phần hóa hãng phim là vì bất bình về lợi thế đất đai bị đánh giá rẻ mạt.
Sự thật là ông lớn của ngành điện ảnh cách mạng đang nắm trong tay hàng nghìn mét vuông đất vàng bậc nhất tại hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, chỉ tính riêng giá trị mảnh đất hơn 5.000 m2 tại số 4 Thụy Khuê Hà Nội và 900 m2 tại P.Bến Nghé (Q.1) cũng đã vượt xa rất nhiều tổng tài sản khoảng 91 tỉ của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, đất đai là tài sản nhà nước nên không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa nên nhiều ông lớn nhà nước được định giá rất rẻ. Song ai cũng hiểu, với quyền thuê đất vài chục năm (thường là 50 năm) và sẽ được gia hạn thêm nếu không tranh chấp, thì một khi mua được doanh nghiệp cổ phần hóa tức là gần như đồng nghĩa rằng mảnh đất là của mình.
Đây là lý do mà nhiều chuyên gia cho là kẽ hở khi cổ phần hóa các công ty quốc doanh - vốn nắm trong tay hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn mét vuông đất vàng tại các thành phố lớn. Điều này lý giải vì sao không ít công ty dù nhiều năm làm ăn thua lỗ nhưng không khó để tìm nhà đầu tư chiến lược khi công bố kế hoạch cổ phần hóa.
Một ví dụ khác, cuối năm ngoái, khi ngành giao thông lên kế hoạch sẽ bán trọn lô với phần vốn nhà nước còn lại trên dưới 1.000 tỉ đồng tại Tổng công ty công nghiệp ô tô VN, lập tức không ít công ty tư nhân đã nộp đơn làm ứng viên dù ngành nghề kinh doanh của họ không liên quan mấy đến sản xuất ô tô. Các ông chủ dân doanh này đều nói rằng họ muốn đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính của Vinamoto, song ít ai tin điều này mà thường nghĩ ngay đến kịch bản họ sẽ chuyển đổi công năng hàng nghìn mét vuông đất đai rải khắp nhiều quận huyện thủ đô mà doanh nghiệp ngành giao thông đang nắm giữ.
Suy nghĩ ấy không phải là thiếu cơ sở nếu nhìn vào hàng chục nhà máy, xí nghiệp ở Hà Nội, sau vài năm cổ phần hóa đã nhường chỗ cho các dự án chung cư cao tầng mọc lên mà các ông chủ mới chính là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản.
Thế cho nên, dễ hiểu vì sao tại hội nghị Phòng chống tham nhũng hôm qua, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phải lưu ý với các bộ ngành về việc làm sao để đưa được lợi thế so sánh trong kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có nhiều đất vàng vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước và cũng là để phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
Bình luận (0)