Liên quan đến vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong tại P.Khương Đình (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), Công an TP.Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, chủ sở hữu tòa nhà) về tội vi phạm quy định PCCC.
Đặc biệt, cơ quan điều tra đang mở rộng, xem xét trách nhiệm của nhóm cán bộ quản lý nhà nước trên địa bàn, để xem có vi phạm hay không.
Mở rộng điều tra vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: Không có vùng cấm
Nhiều ý kiến nêu vấn đề, việc truy cứu trách nhiệm của chủ sở hữu tòa nhà là điều không cần bàn cãi, nhưng để xảy ra thảm họa, chính quyền cơ sở có liên đới hay không?
Có lơ là, thiếu trách nhiệm?
Được biết, khu chung cư mini xảy ra cháy vốn được cấp phép xây dựng vào tháng 3.2015. Giấy phép do UBND Q.Thanh Xuân cấp, công trình là nhà ở riêng lẻ, chiều cao 6 tầng cùng 1 tầng lửng và tum thang.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tòa nhà xây vượt 3 tầng, đồng thời "biến tướng" thành chung cư mini với 45 căn hộ, khoảng 150 người dân sinh sống.
Ông Đặng Hồng Thái, nguyên Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân, cho biết khi chủ nhà xây dựng sai phép, phía quận đã có 2 văn bản chỉ đạo xử phạt. Trong đó, ông Thái ra quyết định cưỡng chế và giao Chủ tịch UBND P.Khương Đình thực hiện quyết định cưỡng chế. Sự việc tiếp theo như thế nào "thì phải kiểm tra lại", theo lời ông Thái.
Theo luật sư (LS) Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng LS Đồng Đội, Đoàn LS TP.Hà Nội, về mặt lý thuyết, khi công trình xây dựng hoàn thành, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện công tác nghiệm thu, kiểm tra công trình có phù hợp giấy phép xây dựng hay chưa; cùng đó là kiểm tra các hạng mục liên quan như PCCC chẳng hạn.
Trong vụ cháy khiến 56 người tử vong, UBND Q.Thanh Xuân là cơ quan cấp phép xây dựng nên phải có trách nhiệm sát sao trong khâu quản lý thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện sai phạm kịp thời, đưa ra quyết định hình thức xử lý cưỡng chế, chỉ đạo phía UBND P.Khương Hạ thực hiện cũng như giám sát việc thực hiện đó.
Về phía mình, UBND P.Khương Đình phải báo cáo tình hình, nghiêm túc phối hợp và thực hiện đúng theo chỉ thị của UBND Q.Thanh Xuân.
Tuy nhiên, vụ cháy đã xảy ra cho thấy khu chung cư mini dù xây dựng sai so với giấy phép nhưng vẫn có thể đi vào hoạt động mà chưa bị cưỡng chế. Điều này đặt ra nhiệm vụ cần xác minh thêm về việc cơ quan chức năng đã có biên bản hay quyết định xử phạt nào đối với chủ công trình về hành vi xây vượt tầng hay chưa?
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ quá trình từ khi công trình xây dựng đến lúc đưa vào khai thác, sử dụng thì cán bộ cảnh sát PCCC, cảnh sát khu vực, quản lý trật tự xây dựng và các đơn vị liên quan đã quản lý, kiểm tra, giám sát như thế nào…?
Theo LS Tiền, hậu quả từ vụ cháy cho thấy công tác kiểm tra PCCC của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương còn lơ là, thiếu trách nhiệm.
Nếu có căn cứ xác định một phần nguyên nhân vụ cháy do sự chủ quan trong công tác kiểm tra, rà soát điều kiện PCCC cũng như trật tự xây dựng, thì các cá nhân có thẩm quyền đối với việc cấp phép xây dựng, định kỳ thanh kiểm tra… có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
"Con voi chui lọt lỗ kim"
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng vào hồi tháng 11.2022, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dẫn câu chuyện mà cử tri phản ánh, rằng người dân sửa chữa nhà trong ngõ sâu nhưng thanh tra xây dựng vẫn nắm được. Ngược lại, có những công trình sai phạm lớn, nằm ngay ở mặt đường nhưng lực lượng chức năng lại không phát hiện ra, "liệu có tham nhũng, tiêu cực trong trường hợp này?".
Vấn đề mà đại biểu Thủy đặt ra không phải mới, bởi lâu nay dư luận vẫn truyền tai nhau câu chuyện nhà dân chỉ cần chở một xe cát để sửa sang thì cán bộ cơ sở biết ngay, thế nhưng có những công trình xây dựng vi phạm "tày đình" thì lại không hay.
Dẫn chứng rõ nhất là trường hợp "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản ngang nhiên xây chui cả một tòa tháp chung cư 32 tầng giữa thủ đô nhưng chính quyền cơ sở không thanh tra, không kiểm tra, không phát hiện.
Tương tự, liên quan đến bị can Nghiêm Quang Minh, cơ quan chức năng xác định người này có không chỉ một mà nhiều nhà chung cư mini nằm rải rác trên địa bàn TP.Hà Nội, nhiều trong số này có dấu hiệu xây vượt tầng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng đây là hiện tượng "con voi chui lọt lỗ kim", "cùng một cái lỗ kim ấy, con kiến chui qua thì biết nhưng đến con voi chui qua thì lại không hay".
Ông Hòa cho rằng ngoài bị can Nghiêm Quang Minh, việc mở rộng điều tra với nhóm cán bộ quản lý là rất cần thiết; phải có những "địa chỉ" chịu trách nhiệm khi để sai phạm xảy ra, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Theo vị đại biểu, công trình xây dựng muốn đưa vào sử dụng, khai thác đều phải đạt yêu cầu mà pháp luật quy định (phù hợp với giấy phép xây dựng, đảm bảo hạng mục PCCC...). Những cán bộ được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực PCCC, trật tự xây dựng buộc phải biết nếu chủ nhà có vi phạm để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Nếu kiểm tra, giám sát đúng quy trình, quy định, hậu quả có thể đã không xảy ra; mà khi sai phạm không bị xử lý kịp thời dẫn tới thảm họa, rõ ràng cán bộ có thẩm quyền đã thiếu trách nhiệm, cần phải xem xét xử lý nghiêm minh. Đặc biệt, ngoài hành vi thiếu trách nhiệm, cơ quan điều tra cần mở rộng xem xét có sự bao che, tiếp tay cho vi phạm hay không.
Xem nhanh 20h: Ẩn họa chung cư mini trong ngõ hẹp
Mời nhiều cựu cán bộ lên làm việc
Thông tin về quá trình điều tra vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết cơ quan điều tra đã triệu tập 6 - 7 người trước đây là cán bộ của Q.Thanh Xuân, công tác từ năm 2015.
Thiếu tướng Tùng khẳng định, tất cả những người trong diện điều tra đều được mời lên làm việc, trong đó đề xuất mời cả những cán bộ đương chức.
Theo tìm hiểu, việc Công an TP.Hà Nội mời hàng loạt cán bộ của Q.Thanh Xuân công tác từ năm 2015 có thể liên quan đến thời điểm UBND Q.Thanh Xuân cấp giấy phép xây dựng cho chung cư mini bị cháy.
Bình luận (0)