'Cùng một thửa đất, Nhà nước thu hồi thì giá thấp, thỏa thuận thì giá cao'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
03/11/2023 17:40 GMT+7

Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu duy trì song song cả cơ chế Nhà nước thu hồi và tự thỏa thuận đất cho dự án nhà ở thương mại, khu đô thị thì sẽ không khắc phục tình trạng đất 2 giá đang là nguồn cơn bức xúc, khiếu kiện hiện nay.

Chiều 3.11, góp ý vào dự thảo luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo luật quy định nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở thương mại và thương mại dịch vụ vào trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng là chưa phù hợp tinh thần Nghị quyết 18 của T.Ư.

Duy trì 2 cơ chế, chắc chắn sẽ có 2 giá đất

"Nghị quyết 18 nói rõ là tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân, doanh nghiệp trong chuyển nhượng đất đai. Theo tinh thần Nghị quyết 18, chúng ta xác định chắc chắn sẽ có 2 giá đất. Một giá Nhà nước thu hồi, một giá là do người dân, doanh nghiệp thỏa thuận", ông Hải nói, do đó không thể bàn tới chuyện "một giá" được nữa. Nếu muốn bàn chuyện một giá thì Quốc hội phải báo cáo Bộ Chính trị, T.Ư.

Cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là thể chế hóa vấn đề này thế nào trong dự án luật Đất đai sửa đổi, đại biểu Mai Văn Hải đề xuất, với dự án nhà ở thương mại, khu đô thị thì chỉ thỏa thuận phần diện tích xây dựng nhà ở. Còn lại Nhà nước vẫn phải thu hồi với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình phúc lợi công cộng.

'Cùng một thửa đất, Nhà nước thu hồi thì giá thấp, thỏa thuận thì giá cao' - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang)

GIA HÂN

Không đồng tình với quan điểm thu hẹp phạm vi thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nói nếu duy trì việc thực hiện các khu đô thị, nhà ở thương mại theo hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì "không bao giờ thực hiện được".

"Khi thỏa thuận thì sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau. Mỗi người dân có thể đưa ra một giá. Thực tiễn là nếu chúng ta duy trì song song 2 hình thức vừa thu hồi vừa thỏa thuận nhận chuyển nhượng sẽ tạo ra những cái bất hợp lý trong xã hội", ông Thịnh nêu.

Dẫn thực tế tại địa phương, ông Thịnh cho biết một hộ dân có thửa đất mà một phần thuộc diện thu hồi cho đường cao tốc, do Nhà nước thu hồi, phần còn lại thì thuộc về dự án thương mại, dịch vụ khác với giá thỏa thuận.

"Tự dưng nó tạo ra sự bất công khi trong cùng một diện tích đất, giá Nhà nước thì thấp, giá thương mại lại rất cao", ông Thịnh nói, đồng thời cho biết giữa các gia đình khác nhau trong cùng một khu cũng có tình trạng này. Điều này chính là nguồn cơn dẫn đến việc người dân bức xúc, đòi hỏi quyền lợi của mình.

Từ phân tích này, đại biểu Thịnh cho rằng nên mở rộng hình thức thu hồi đất để phát triển dự án kinh tế - xã hội.

Một dự án hàng trăm ha không thể thỏa thuận từng người

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đồng tình việc Nhà nước đứng ra thu hồi sẽ đảm bảo công bằng, tạo thuận lợi. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh Nghị quyết 18 quy định là phải tiếp tục thỏa thuận chuyển nhượng đất.

'Cùng một thửa đất, Nhà nước thu hồi thì giá thấp, thỏa thuận thì giá cao' - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang)

GIA HÂN

Ông Lâm cho rằng, vấn đề là phải làm rõ nguyên tắc thỏa thuận khi nào, thỏa thuận ra sao, việc thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường là đúng, hợp lý và cần tuân thủ.

Đại biểu Lâm cho rằng, với các dự án thương mại, nếu là đất ở thì 2 bên buộc phải thỏa thuận. Còn nếu là đất nông nghiệp, chưa phải là đất ở, thì Nhà nước phải đứng ra thu hồi, sau đó chuyển đổi mục đích thành đất ở, cho dự án nhà ở thương mại thì lúc đó sẽ tiến hành đấu giá, đấu thầu.

Ngược lại, trong trường hợp chuyển nhượng đất nông nghiệp mà không thay đổi mục đích sử dụng đất, chẳng hạn chỉ chuyển sang cho dự án sản xuất nông nghiệp, thì lại phải thỏa thuận để đảm nguyên tắc thị trường.

"Mua cái gì, bán cái gì là bán đúng cái của mình có, chứ không thể bán cái không có được. Hiện nay khi 2 bên thỏa thuận, người dân cứ nghĩ rằng đất đấy của tôi khi chuyển nhượng sẽ là đất ở, nên đòi hỏi bồi thường với giá đất ở. Cho nên nó mâu thuẫn và không thể đền bù được", ông Lâm phân tích.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng nếu phát huy nguồn lực đất đai thì nên cho phép thu hồi đất cho các dự án nhà ở thương mại.

Tuy vậy, ông An đề nghị quy định thẳng trong dự thảo luật là thu hồi đối với dự án quy mô bao nhiêu, dự án có tính chất như thế nào.

"Tôi đề nghị quy định thẳng đó là những dự án có quy mô lớn, phải từ 300 ha trở lên và là những khu đô thị, khu dân cư hiện đại. Tôi nghĩ phải thu hồi thì mới làm được, còn nếu ta cứ nói là thỏa thuận mà không thể thỏa thuận được thì quy định đó sẽ trở thành vô nghĩa. Không thể có một dự án hàng trăm ha mà thỏa thuận với từng hộ, từng người được", ông An nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.