Cùng trải nghiệm... Hà Nội

Vũ Thơ
Vũ Thơ
05/06/2018 08:35 GMT+7

Nhận thấy văn hóa xưa cũ của Hà Nội đang dần mất đi, một nhóm học sinh đã cùng nhau thực hiện dự án 'Đi tìm Hà Nội' nhằm kêu gọi giới trẻ gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của thủ đô.

Đó là những học sinh (HS) thuộc Câu lạc bộ (CLB) Tình nguyện về sự phát triển bền vững của Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Phan Thu Trang (lớp 11A1 chất lượng cao), Chủ tịch CLB, chia sẻ: CLB đã thành lập được 7 năm, hoạt động tình nguyện và luôn hướng đến khía cạnh phát triển bền vững. Những năm trước đây, CLB quan tâm đến vấn đề môi trường, nhưng 2 năm nay, nhận thấy những nét văn hóa truyền thống đang ngày càng mai một, nên CLB hướng tới các vấn đề về văn hóa, xã hội.
Đây là năm thứ 2, nhóm thực hiện dự án “Đi tìm Hà Nội” với rất nhiều hoạt động ý nghĩa như: thi tìm hiểu kiến thức về lịch sử văn hóa của Hà Nội thông qua các trò chơi trải nghiệm ở 36 phố phường và Bảo tàng Dân tộc học; tái hiện hình ảnh của Hà Nội xưa qua việc làm các hiện vật truyền thống và chơi các trò chơi dân gian. Nhóm cũng tổ chức “Điểm dừng yêu thương”, thăm hỏi và tặng quà những người già, trẻ nhỏ ở Trung tâm Hy vọng và Viện dưỡng lão Diên Hồng…

Dự án thu hút 70 đội chơi, với gần 300 HS, sinh viên đến từ khắp các trường học của Hà Nội và tỉnh, thành lân cận. Thú vị nhất là hành trình trải nghiệm ở 36 phố phường. Các bạn trẻ đi tìm hiểu về cuộc sống và văn hóa của những cư dân phố cổ với sự hỗ trợ của người dân địa phương và khách du lịch. Đan xen việc phải trả lời những câu hỏi về kiến thức văn hóa xưa, các bạn còn tham gia trò chơi trải nghiệm như: xếp 21 chiếc áo dài của từng thời kỳ lịch sử cho đúng thứ tự…
Cuộc thi “Vết tích Thăng Long” tìm hiểu kiến thức lịch sử bằng các trò chơi tại Bảo tàng Dân tộc học cũng là hoạt động rất ý nghĩa. Các đội chơi chia thành 6 nhóm “chiếm đóng” một khu vực ở bảo tàng nhằm tái hiện cuộc chiến của các nghĩa quân. Thông qua việc trả lời các câu hỏi về lịch sử, đội nào trả lời đúng sẽ chiếm được nhiều không gian nhất và sẽ thắng cuộc…
Để thực hiện dự án này, khoảng 70 thành viên đã tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn tài liệu trên mạng. Dù bận việc học hành, nhưng cứ 1 - 2 tuần, họ lại dành 1 buổi sau giờ học để kết nối các công việc.
“Việc xây dựng nội dung và vận động tài chính là khó khăn nhất. Vì là hoạt động tình nguyện, nên CLB phải tự lo kinh phí tổ chức. Nhiều bạn đã tự ứng tiền tiết kiệm ra để làm, hoặc vay của bố mẹ, đến khi nào xin được tài trợ thì hoàn lại”, Nguyễn Vũ Thạch Thảo, Trưởng ban Đối ngoại của CLB, cho hay.
Điều đáng nói chỉ với kinh phí ít ỏi, CLB đã có được những hoạt động mang lại nhiều ý nghĩa cho cộng đồng, nhất là với giới trẻ.
Phạm Ngọc Khánh (lớp 10A1 hóa, Trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên), quán quân của “Vết tích Thăng Long”, cho biết: “Sau khi tham gia dự án, chúng em cảm thấy mình còn thiếu rất nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa Hà Nội. Dự án đã cung cấp thêm thông tin cho chúng em về những di sản nổi tiếng và những nét văn hóa truyền thống của Hà Nội”.
Còn Phan Thu Trang cũng cho biết trước đó nữ sinh này chưa biết nhiều về Hà Nội vì từ miền núi Sơn La xuống học. “Qua chương trình em được đi trải nghiệm và tìm hiểu về Hà Nội, nên hiểu và yêu thành phố này hơn”, Trang tâm sự.
Trang cũng cho biết khi tham gia dự án, các bạn trẻ không những bổ sung thêm kiến thức lịch sử, văn hóa thực tế mà còn có kinh nghiệm làm việc nhóm và nhiều bạn đã có những thay đổi tích cực. “Thay vì dành thời gian chơi điện tử hay vào mạng xã hội, các bạn đã thích đi tìm hiểu thực tế nhiều hơn”, Trang chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.