Cung xăng dầu bị giới hạn trước giờ điều chỉnh giá?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
13/03/2023 06:33 GMT+7

Đó là phản ánh từ các doanh nghiệp bán lẻ trong những ngày qua khi thông tin trên thị trường cho rằng giá xăng dầu trong nước sắp được điều chỉnh tăng.

Điệp khúc chiết khấu giảm trước kỳ tăng giá

Chiều nay (13.3), theo dự báo, giá xăng trong nước có thể tăng nhẹ (chưa bao gồm quỹ bình ổn giá xăng dầu và các phí khác nếu có sự điều chỉnh của liên bộ). Cập nhật giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore từ ngày 1 - 9.3 cho thấy bình quân giá xăng E5 RON92 là 96,704 USD/thùng, xăng RON95 là 100,55 USD/thùng, dầu diesel là 103,97 USD/thùng… So với giá thành phẩm tại kỳ điều hành trước, bình quân giá xăng tại kỳ này (tính đến ngày 9.3) cao hơn khoảng 2,5 USD/thùng, dầu diesel cao hơn gần 4 USD/thùng. Trên thế giới, trong tuần qua, giá dầu có 3 phiên giảm liên tiếp, dầu Brent chuẩn toàn cầu về dưới mốc 83 USD/thùng kết thúc phiên cuối tuần.

Cung xăng dầu bị giới hạn trước giờ điều chỉnh giá ?  - Ảnh 1.

Chiết khấu xăng dầu liên tục biến động trong nhiều ngày qua

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trao đổi với Báo Thanh Niên, một lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đầu mối cho rằng giá bán lẻ xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh giá chiều nay có thể tăng nhẹ từ 100 - 200 đồng/lít; dầu tăng cao hơn từ 500 - 800 đồng/lít tùy loại. Theo một số DN khác, nếu cơ quan quản lý chi quỹ bình ổn giá cho xăng dầu thì mức tăng thấp hơn, thậm chí không tăng đối với xăng. Bởi tính đến cuối năm 2022, quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 4.600 tỉ đồng.

Đáng nói, từ ngày 3.3, chiết khấu bán lẻ xăng dầu trong nước đồng loạt giảm khi giá thế giới tăng. Đến cuối tuần qua, giá thế giới có 2 phiên quay đầu giảm, chiết khấu cho bán lẻ trong nước lại nhích lên. Song theo phản ánh của DN bán lẻ, mức tăng vẫn không đáng kể. Hơn nữa, một số DN bán lẻ khu vực phía bắc phản ánh nguồn cung đang bị giới hạn liên tục. 

Chủ DN bán lẻ xăng dầu tại một tỉnh phía bắc, bà Nguyễn Thị Nhàn cho biết: Chiết khấu xăng từ thương nhân phân phối đưa về ngày 4.3 là 700 - 750 đồng/lít, sang ngày 5 và 6.3 giảm còn 500 - 600 đồng/lít, đến 7.3 rớt về 400 - 450 đồng/lít, ngày 8.3 xuống 100 - 150 đồng/lít. Tương tự, chiết khấu cho dầu ngày 8.3 cũng rớt về 100 đồng/lít. Đến ngày hôm qua (12.3), khi giá thế giới có tăng trở lại, dự báo mức giảm trong nước sẽ thấp, chiết khấu lại nhích lên 500 - 650 đồng/lít.

"Mức chiết khấu này chưa thể bù cho chi vận tải, chi bán hàng, quản lý bán hàng, hao hụt tại cửa hàng, lãi suất… Đáng nói, trong thông báo chiết khấu, phân phối hay đầu mối ghi thêm dòng "lấy hàng tại kho bao nhiêu, liên hệ trước để đặt hàng" thì hiểu ngay là nguồn cung hạn chế, chỉ lấy đủ định mức để bán, không dồi dào như trước nữa. Điều này cũng đồng nghĩa với giá kỳ tới sẽ thay đổi theo hướng tăng", bà Nhàn phán đoán.

Chiết khấu giảm thì cả bán lẻ và thương nhân phân phối đều lỗ, nếu cơ quan quản lý cứ áp cách tính giá cơ sở mà phần lợi thế dành cho đầu mối thì phần thua thiệt thuộc về thương nhân phân phối và bán lẻ còn dài.


Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Nai

Tương tự, ngày 10.3, thương nhân phân phối Petro Times thông báo đến các đại lý, DN bán lẻ là đã hết dầu và dừng cấp dầu diesel cho các đơn vị kinh doanh cũng từ chiều cùng ngày tại 2 kho Petec và kho Đình Vũ. Đến sáng 11.3, thông báo từ thương nhân này cho thấy mặt hàng dầu diesel lấy tại kho Hải Linh, Petec, Cái Lân có "số lượng hạn chế", chiết khấu được 750 - 800 đồng/lít; hàng lấy tại vùng 1, chiết khấu nhích từ 300 đồng lên 400 đồng/lít. Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái), cho biết chiết khấu cho xăng mấy ngày qua về 225 đồng/lít. Thường nhu cầu của công ty lấy từ 30 - 35 m3/ngày, nhưng nay chỉ cấp 22 - 27 m3. "Chỉ được chọn một trong 2 loại xe 22 khối hoặc 27 khối. Muốn lấy thêm xe nhỏ 12 khối là bị kho từ chối vì bảo nguồn hàng giới hạn, có gì sang ngày hôm sau lấy. Liên tục như vậy", bà Sinh nói.

Một DN bán lẻ phía nam cũng phản ánh: Trước thời điểm điều chỉnh giá, chiết khấu luôn biến động, tăng - giảm đột biến cho dù thị trường ngày hôm đó "rất yên bình". Lý do là đầu mối biết rõ giá cơ sở chuẩn bị được điều chỉnh nên sử dụng chiết khấu sao cho có lợi cho mình. Quan trọng hơn là lượng hàng cấp cho cửa hàng giảm lại, giới hạn đủ bán trong ngày hoặc hơn một ngày, không cho lấy nhiều bán 3 - 4 ngày như trước.

Giao quyền định giá cho doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Rim, Giám đốc Công ty TNHH Giang Chấn Hưng (Trà Vinh), nói thẳng DN đầu mối cùng ngành nghề kinh doanh, cùng cạnh tranh trên thị trường với DN bán lẻ, phân phối nhưng đang được hưởng đặc quyền về chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Họ dùng đặc quyền đó để tước đi quyền được kinh doanh của DN bán lẻ. Bán lẻ đang được "ban phát" chiết khấu. Tuy hiện nay đầu mối không dám để đứt gãy nguồn cung nhưng "thích cấp bao nhiêu hàng là quyền của họ".

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, cho biết tại địa phương, cửa hàng xăng dầu của Bội Ngọc cung cấp xăng dầu cho hệ thống vận tải của chuyển phát nhanh J&T, chành vận chuyển Hữu Sâm, kho bia Sài Gòn, kho bia Heineken, Tiger, xe Mai Linh, Viettel và hàng trăm xe du lịch xe tải… Họ trả tiền trước theo giá tại thời điểm đó rồi đổ xăng dầu trừ dần nên chiết khấu cỡ nào cũng phải nhập xăng dầu về giao cho khách để giữ uy tín và quan trọng hơn là để giữ mối. "Trong năm qua, công ty của tôi bán đất để bù lỗ và nay thực sự kiệt quệ. Hơn tháng nay cũng kinh doanh trong tình trạng không có lãi. Điều này thực sự vượt ngưỡng "gồng" của DN. Ngày nào luật không làm rõ chi phí bán hàng cho bán lẻ, ngày đó DN bán lẻ xăng dầu bị kiệt quệ rời thương trường trong đau đớn mà thôi", ông Tây than thở.

Được mua từ nhiều nguồn mới bảo đảm cạnh tranh và không có chuyện "găm hàng" chờ tăng giá. Nên điều chỉnh giao ngay thẩm quyền định giá bán lẻ cho DN. DN tự tính toán, cạnh tranh với nhau. Nhà nước chỉ can thiệp khi bình ổn giá và thực hiện hậu kiểm nghiêm.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Nai, phân tích: "Thương nhân phân phối chỉ khác đầu mối là không có chức năng nhập khẩu. Nhưng chúng tôi là vừa phân phối như bán buôn cho DN bán lẻ, vừa có cửa hàng bán lẻ tối thiểu 5 cái như quy định. Để trở thành nhà phân phối, phải có tài lực lớn, đủ mạnh để cạnh tranh và cơ sở vật chất được đầu tư như xe bồn với mức đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng là bình thường. Thế nhưng nguồn cung chập chờn thường đổ lỗi cho phân phối, chiết khấu giảm cũng có mặt phân phối là hoàn toàn sai. Chiết khấu giảm thì cả bán lẻ và thương nhân phân phối đều lỗ, nếu cơ quan quản lý cứ áp cách tính giá cơ sở mà phần lợi thế dành cho đầu mối thì phần thua thiệt thuộc về thương nhân phân phối và bán lẻ còn dài". 

Ông Phụng kiến nghị nên để cho thương nhân phân phối mua hàng trực tiếp từ nhà máy lọc hóa dầu trong nước vì họ có đầy đủ cơ sở vật chất để mua hàng trực tiếp từ nhà máy. Điều này giúp chiết khấu tốt hơn và nguồn cung chủ động hơn về cho hệ thống lẫn bán lẻ. Hiện tại, tất cả vẫn phải qua đầu mối và đây là quy định hết sức vô lý, theo ông Phụng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng điều hành của nhà nước hiện vẫn át thị trường trong khi luật Giá không quy định việc nhà nước điều hành giá mà chỉ bình ổn giá. "Chúng ta đang biến giá cơ sở xăng dầu thành giá tối đa và chưa bao giờ có cạnh tranh. Bên cạnh đó, chi phí định mức đang cứng nhắc. Thế nên, cần sửa đổi cho mở rộng nguồn mua, không nên giới hạn bán lẻ được mua một đầu mối, phân phối chỉ mua từ 2 - 3 đầu mối…", ông Thỏa đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.