Lăng kính bạn đọc:

Cùng xây dựng văn hóa 'đã uống rượu bia thì không lái xe'

M.Giao
M.Giao
(tổng hợp)
10/10/2023 05:05 GMT+7

Nhiều bạn đọc bày tỏ đồng tình ủng hộ việc Bộ Công an hành động mạnh mẽ và cương quyết đối với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, đồng thời mong muốn việc này cần được làm thường xuyên và lâu dài.

Như Thanh Niên đã thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt những hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ…, ngoài những chuyên đề, kế hoạch của công an các tỉnh thành, Bộ Công an đã thành lập 6 tổ công tác tăng cường xử lý vi phạm theo tinh thần "không vùng cấm, không ngoại lệ" trên phạm vi toàn quốc.

Cùng xây dựng văn hóa 'đã uống rượu bia thì không lái xe' - Ảnh 1.

Dù được tuyên truyền rộng rãi nhưng ở Hà Nội vẫn phát hiện nhiều trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong người có nồng độ cồn

NGUYÊN QUANG

Thành phần tổ công tác gồm lực lượng của Văn phòng Bộ Công an, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục CSGT và công an các địa phương, ra quân tăng cường xử lý từ 25.8 - 15.10.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, cho biết động thái này để duy trì, thực hiện quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, từng bước hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia thì không lái xe" cho toàn xã hội.

Theo thiếu tướng Trung, sau 25 ngày thực hiện, 6 tổ công tác đã phát hiện, lập biên bản hơn 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và bàn giao cho công an các đơn vị, địa phương xử lý theo quy định. Đáng chú ý, trong số vi phạm này, bước đầu lực lượng chức năng xác định có hơn 160 trường hợp là công chức, công an, nhà báo, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu. Những trường hợp vi phạm sẽ bị gửi thông báo về đơn vị công tác để có hình thức kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Để tiếp tục ngăn chặn những vụ tai nạn đau thương từ nồng độ cồn, ma túy và hình thành thói quen, văn hóa cho người dân, thiếu tướng Trung cho biết sắp tới Cục CSGT sẽ tăng cường tổng kiểm soát hoạt động vận tải, tiếp tục xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn; đồng thời cho 100% cán bộ, chiến sĩ trong CAND ký cam kết và sẽ nêu gương những chiến sĩ đi đầu trong chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông.

Đồng tình ủng hộ

Rất nhiều bạn đọc (BĐ) hoan nghênh Bộ Công an đã hành động cương quyết "không vùng cấm, không ngoại lệ". BĐ Cường Trịnh đề nghị: "Ngoài các tổ công tác của Bộ Công an, đề nghị các tỉnh, thành cũng cần thực hiện ngay việc "không vùng cấm, không ngoại lệ" trong xử lý các vi phạm về giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn. Rất nhiều người đồng tình vì vi phạm này tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất rõ ràng. Từ đây những người đã uống bia rượu thì phải ý thức tuyệt đối không lái xe, cứ xe ôm, taxi mà đi là tốt nhất, không phiền phức".

Cùng ý kiến, BĐ mtrangg7773 phân tích thêm: "Để đạt được hiệu quả cao, chất lượng trong nhiệm vụ này thì không thể làm hình thức, chiếu lệ, qua loa qua quýt. Quan trọng nhất là tổ chức thực hiện bài bản, cương quyết và thường xuyên". BĐ Le Quang cũng tán đồng: "Phải thật cứng rắn với những người vi phạm luật giao thông, nhất là những người say xỉn mà lái xe".

"Điều tâm đắc, ưng ý nhất của tôi là lần này các tổ công tác Bộ Công an xử lý "không vùng cấm, không ngoại lệ". Đây là hành động cứng rắn và rất cần thiết để lập lại trật tự an toàn xã hội. Điều này một lần nữa khẳng định "mọi người đều bình đẳng trước pháp luật", góp phần nâng cao ý thức luật pháp của người dân", BĐ Can Truong ý kiến.

Để mọi người ý thức hơn

"Việc cán bộ, công chức… đang công tác hoặc đã nghỉ hưu vi phạm nồng độ cồn ngoài bị phạt tiền, giữ xe, giam bằng theo quy định còn bị gửi thông báo về đơn vị công tác để có hình thức kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan, theo tôi là rất cần thiết. Cùng với việc xử phạt vi phạm "không vùng cấm, không ngoại lệ", tôi nghĩ rằng việc hình thành thói quen, xây dựng văn hóa "đã uống rượu bia thì không lái xe" là rất khả thi, sẽ làm được", BĐ Hai Lang bày tỏ. 

BĐ Van Linh thì cho rằng: "Giáo dục cũng nên đưa nội dung này vào, nhất là ở cấp THPT và ĐH. Ở khu phố cũng nên tăng cường tuyên truyền để mọi người ý thức hơn, nhất là các ông, anh hay uống bia rượu".

BĐ khainguyen09xxxx@gmail.com chia sẻ thêm: "Ở nước ngoài, người lái xe mà vượt quá nồng độ cồn cho phép thì bị phạt rất nặng, bất kể là ông nào hay bà nào. Đó là lý do vì sao giao thông ở nhiều nước trật tự, số vi phạm không nhiều. Do họ rất sợ bị phạt, vì xe cộ đi lại có liên quan đến… nồi cơm của họ. Luật là luật, không có chuyện cảm tính xen vào".

"Người dân ủng hộ Chính phủ và các bộ ngành làm nghiêm ở tất cả các lĩnh vực để ai cũng quen việc chấp hành pháp luật, sợ vi phạm pháp luật. Bất kể ai thì cũng đều bình đẳng trước pháp luật", BĐ Hải Yến gửi gắm.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Đề nghị tất cả các lỗi vi phạm giao thông khác cũng được xử lý nghiêm như xử phạt vi phạm nồng độ cồn.

Hai Nguyen Duc

Bạn tôi lâu nay khi vi phạm luật giao thông hay nhờ người "xin" giùm và khoe là quen "ông này, anh kia". Giờ thì bạn khoe có mấy mối xe ôm "ruột" rất an toàn!

Út Nhỏ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.