Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Không thể chậm trễ hơn nữa

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/12/2024 07:26 GMT+7

Sáng 1.12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 năm 2017 của T.Ư Đảng khóa XII; tình hình KT-XH năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KT-XH năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực, đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? "Câu trả lời là: đã đủ", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Không thể chậm trễ hơn nữa- Ảnh 1.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị ngày 1.12

ẢNH: GIA HÂN

Tổng Bí thư khẳng định hiện là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. "Không thể chậm trễ hơn được nữa", Tổng Bí thư khẳng định.

ĐỔI MỚI TƯ DUY, "CỞI TRÓI", QUYẾT ĐOÁN

Nhấn mạnh vấn đề KT-XH, Tổng Bí thư nêu rõ để đạt mục tiêu phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, bứt phá, vượt lên chính mình. Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của VN phải đạt 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Không thể chậm trễ hơn nữa- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự đồng lòng, quyết tâm cao nhất hoàn thành kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy cả hệ thống chính trị

ẢNH: GIA HÂN

"Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm. Chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số kịp thời gian", Tổng Bí thư nói và cho biết T.Ư Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể cất cánh, nhất là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế, thủ tục hành chính...

Để đạt mục tiêu này, theo Tổng Bí thư, cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Ghi nhận những kết quả bước đầu trong thời gian qua, Tổng Bí thư cho rằng phía trước còn rất nhiều việc phải làm để khơi thông "điểm nghẽn của điểm nghẽn" này.

"Phải có "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, "hành dân", "hành doanh nghiệp", có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm", Tổng Bí thư nêu rõ.

Theo Tổng Bí thư, các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH đã khá đầy đủ. "Bây giờ là lúc phải hành động", Tổng Bí thư khẳng định, lưu ý các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ "trên chính mảnh đất của mình", phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước.

Về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư cho hay các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng đã được T.Ư xây dựng tương đối công phu, kỹ càng, khoa học và sẽ sớm được gửi tới cấp ủy, các cấp. Nhiệm vụ của cấp ủy các cấp là sớm tổ chức nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các văn kiện trên; đồng thời coi đây là cơ sở xây dựng nội dung báo cáo chính trị, phương hướng nhiệm vụ công tác cho các văn kiện của cấp mình.

Cấp ủy các cấp cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để "nâng mình lên" để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước. "Nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm", Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh phải hết sức lưu ý khắc phục những "căn bệnh" của công tác cán bộ trước Đại hội Đảng như: người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người "cánh hẩu" với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng "thủ thuật tổ chức" để gạt người mà mình không thích...

CHẬM TRỄ LÀ CÓ LỖI VỚI NHÂN DÂN

Về tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước. Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhìn nhận tinh gọn bộ máy thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Do vậy, chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản.

"Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để phẫu thuật khối u", Tổng Bí thư nêu quan điểm.

Tổng Bí thư đề nghị các cấp, ngành từ T.Ư tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không phải là vấn đề quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Mục tiêu cuối cùng của tinh gọn bộ máy là nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống.

Tổng Bí thư cũng khẳng định, việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. "Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nhấn mạnh công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương, đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình, Tổng Bí thư khẳng định, những công việc chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai, "chậm trễ là có lỗi với nhân dân". Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành quyết tâm cao nhất để hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; góp phần tăng tốc, bứt phá vượt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Không thể chậm trễ hơn nữa- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tạm dừng tuyển công chức từ ngày 1.12

Tổng Bí thư yêu cầu từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ, các bộ, ngành hoàn thành trong tháng 12; hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo T.Ư phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý 1/2025.

Tổng Bí thư cũng cho hay, hiện Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn, trừ những trường hợp thật sự cần thiết. Tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 1.12 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của T.Ư. Tổng Bí thư đề nghị cấp ủy các cấp quán triệt, thực hiện tốt nội dung này.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Không thể chậm trễ hơn nữa- Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo tại hội nghị

Phấn đấu năm 2025 tăng trưởng GDP 8%

Báo cáo tình hình KT-XH năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết tiếp tục hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá"; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; kiên quyết, kiên trì xóa bỏ cơ chế "xin - cho".

Về kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia; khẩn trương kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.

Cụ thể, như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM; phấn đấu cơ bản hoàn thành sân bay quốc tế Long Thành trong năm 2025... Cùng đó, đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.