Cuộc chiến chống tin giả - Kỳ 2: Xử lý mạnh người phát tán tin thất thiệt

Ngọc Lê
Ngọc Lê
25/06/2019 12:26 GMT+7

Để chống tin giả, cần các giải pháp đồng bộ, trong đó có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, cơ quan báo chí và bản thân mỗi người sử dụng mạng xã hội.

Biện pháp “lấy chính trừ tà” này không phải luôn luôn hiệu quả

Theo ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam để đối phó với tin giả đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, gồm: chính quyền, các nền tảng công nghệ, báo chí và người dùng cá nhân. Chính quyền nhiều quốc gia đã đưa ra những biện pháp pháp lý mạnh mẽ để xử phạt những người đăng tải và phát tán những thông tin thất thiệt, kể cả phạt tù; có những mức phạt nặng cho các nền tảng như Facebook hay YouTube nếu họ không xóa bỏ những nội dung kích động thù hận sau một khoảng thời gian nhất định. Các công ty công nghệ lớn như Facebook hay Google cũng đã có những bước đi nhất định trong việc ngăn chặn phát tán tin giả, tạo ra các plug-in (tiện ích bổ sung cho trình duyệt - PV) trong trình duyệt để cảnh báo người dùng khi truy cập vào những website không tin cậy...”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng đề cập đến giải pháp fact-check (kiểm chứng thông tin) mà hiện nay nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới và các tổ chức độc lập đang thực hiện. Theo ông Minh, dự án kiểm chứng thông tin chính là một cách hữu hiệu, tận dụng được ưu thế của báo chí, nhưng ở Việt Nam thì chưa có dự án nào đang hoạt động. Mấu chốt ở đây không phải là tài chính và công nghệ mà là ý thức về trách nhiệm xã hội trước một vấn đề cấp bách như vậy. “Thông tấn xã Việt Nam thiết kế một dự án kiểm chứng thông tin từ lâu nhưng chúng tôi chưa hài lòng với mô hình hiện tại nên vẫn đang tìm tòi một cách hoạt động hiệu quả hơn, tận dụng được cả yếu tố công nghệ cao lẫn khả năng đánh giá của con người”, ông Minh chia sẻ.
Cũng theo ông Minh, cơ quan quản lý báo chí nên có định hướng và hướng dẫn cụ thể về cuộc chiến chống tin giả cho các báo. Theo đó, cần phải có những dự án kiểm chứng thông tin thí điểm xem hiệu quả đến đâu rồi nhân rộng, và cơ quan quản lý nên có những hỗ trợ cho các dự án thí điểm. Sự hỗ trợ không phải ở tài chính mà thứ cần thiết hơn là việc giúp kết nối với những công ty công nghệ lớn ở trong và ngoài nước. “Tôi được biết nhờ sự hợp tác trực tiếp với Facebook mà những thông tin do hãng AFP của Pháp xác định là sai sự thực sẽ được cảnh báo trên mạng xã hội này, thậm chí không hiện lên newsfeed của người dùng. Bản thân các cơ quan báo chí, nhất là những đơn vị nhỏ, thì không thể tạo lập được mối quan hệ như vậy”, ông Minh nói. Ngoài ra, ông Minh cho rằng các cơ quan chức năng khác cần hỗ trợ báo chí chống tin giả bằng cách cung cấp thông tin minh bạch và nhanh chóng nhất. Biện pháp “lấy chính trừ tà” này không phải luôn luôn hiệu quả trong bối cảnh có quá nhiều kênh thông tin không chính thống và người dùng ít nhiều xa rời báo chí, nhưng vẫn là một biện pháp mà có thể chủ động.

Phổ biến kiến thức chống tin giả

Tiến sĩ (TS) Huỳnh Văn Thông, nguyên trưởng Khoa Báo chí và truyền thông Trường đại học KHXH - NV - Đại học Quốc gia TP.HCM đánh giá, nghề báo hiện nay có quá nhiều thay đổi do tác động của công nghệ cũng như sự bùng phát về thông tin của xã hội.
Đã đến lúc quy mô dự án cần mở rộng hơn, bổ sung kiến thức cho cán bộ, sinh viên báo chí về việc chống tin giả. Khoa Báo chí truyền thông có thể hỗ trợ cho cộng đồng trong sự bùng nổ tin giả gây ra tác hại xấu cho con người như hiện nay nhằm tìm kiếm tiếng nói chung
TS Huỳnh Văn Thông, nguyên trưởng Khoa Báo chí và truyền thông Trường đại học KHXH - NV - Đại học Quốc gia TP.HCM
Trước đây trường đã có 2 dự án nhằm vào mục tiêu xây dựng năng lực triển khai giáo dục truyền thông, trong đó có việc phổ biến kiến thức cho mọi người về cách nhận biết thông tin giả.
Dự án vẫn đang được trường phối hợp với các đơn vị sở ngành triển khai; đang tiếp tục thực hiện dự án tại một số trường điểm THPT. “Đã đến lúc quy mô dự án cần mở rộng hơn, bổ sung kiến thức cho cán bộ, sinh viên báo chí về việc chống tin giả. Khoa Báo chí truyền thông có thể hỗ trợ cho cộng đồng trong sự bùng nổ tin giả gây ra tác hại xấu cho con người như hiện nay nhằm tìm kiếm tiếng nói chung”, TS Thông nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Hồng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II TP.HCM đánh giá, thông tin thật giả trên mạng hiện nay đang đan xen nhau, vì vậy nhà báo phải “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Phải có kiến thức nền tảng thì mới phân biệt được thật giả. Tin giả thời báo chí công nghệ khó phân biệt, tinh vi, nhanh hơn trước. “Phải tự chủ động để phân biệt đúng sai, phải kiểm chứng nguồn tin vì đó là nguyên tắc trong làm báo. Không nên xào nấu rồi đăng tải thông tin không đúng sự thật gây ảnh hưởng dư luận”, ông Hải nói.
Nói về giải pháp để khắc phục vấn nạn tin giả trên mạng xã hội, một lãnh đạo Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an cho rằng thực trạng tin giả tấn công cộng đồng đang ngày càng báo động, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn với các nhà cung cấp dịch vụ và những đối tượng xấu. Vị này nhấn mạnh, các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; xử lý nghiêm những người đưa tin xấu, xuyên tạc sự thật; tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trước thông tin xấu… “Thời gian qua Cục cũng đã xử lý nhiều trường hợp tung tin giả trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến Nhân dân, Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên đây là cuộc chiến lâu dài giữa cái xấu và cái tốt khi thế giới ảo ngày càng phát triển, cuộc sống con người ngày càng lệ thuộc vào không gian mạng”, vị này nói và khẳng định, bất cứ tin giả nào tung lên mạng gây ảnh hưởng đến người khác, ảnh hưởng xấu đến cơ quan tổ chức, chế độ, Đảng và Nhà nước đều sẽ bị xử lý nghiêm.

Phải là bạn đọc thông minh

 
Tin giả lại dễ lan truyền và phát tán. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, báo chí trong bối cảnh hiện nay cần phát huy vai trò và chức năng của mình là người chọn lọc và chuyển tải thông tin đến bạn đọc.
Vai trò “người gác cổng” của những người làm báo là vô cùng quan trọng. Họ phải là những người có kiến thức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có tâm với nghề nghiệp. Nỗ lực đẩy lùi vấn nạn tin giả phải được thực hiện trên mọi phương diện của truyền thông. Trong đó, báo chí phải là một trong những kênh đi đầu.
Th.S Hoàng Lê Thúy Nga, Phó trưởng Khoa Báo chí - Truyền thông- ĐH Khoa học (ĐH Huế) Ảnh: B.N.L
       
Tuy nhiên, suy cho cùng, gốc rễ vẫn phải là con người, là đạo đức, lương tâm, trách nhiệm xã hội của những người tạo nên tin tức. Do vậy người làm báo phải người luôn quan tâm đến giá trị đạo đức, giá trị của sự cống hiến, của sự dấn thân. Việc lan tỏa tin tốt, chống việc phát tán tin giả, tin vịt trước hết phải từ phía người làm báo trước. Do vậy trong quá trình giảng dạy các bạn sinh viên, chúng tôi luôn quan niệm và nói với họ rằng: “Trước khi chúng ta làm báo và viết báo, chúng ta phải là bạn đọc thông minh, cần đọc gì, chọn gì để đọc, và sau đó like cái gì, chia sẻ cái gì thông qua các kênh đặc biệt là mạng xã hội. Với các bạn, Facebook cá nhân cũng nên cần được chăm sóc thông qua chất lượng thông tin mà chính bạn đã chia sẻ. Hãy chia sẻ những thông có ích và có sự lan tỏa”. Chúng tôi luôn lồng ghép việc đẩy lùi vấn nạn tin giả, lan tỏa tin thật, tin tốt thông qua các môn học thuộc khung kiến thức cơ sở như: Cơ sở lý luận báo chí, Truyền thông đại chúng, Đạo đức nghề nghiệp nhà báo, Pháp luật báo chí,…. Ngay cả những môn học có tính chất kỹ năng, chúng tôi cũng luôn nhắc sinh viên cẩn trọng trong việc xử lý nguồn tin, tức là cần xem xét nguồn tin đó là từ đâu, ai cung cấp, đặc biệt nguồn tin từ mạng xã hội.(Th.S Hoàng Lê Thúy Nga, Phó trưởng Khoa Báo chí - Truyền thông- ĐH Khoa học (ĐH Huế)
BÙI NGỌC LONG (ghi)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.