'Cuộc chiến' giữ quỹ bảo trì chung cư: Giao cho người 'có tóc'

Đình Sơn
Đình Sơn
30/07/2018 08:01 GMT+7

Đó là đề xuất của nhiều người liên quan đến việc quản lý quỹ bảo trì chung cư.

Chị Liên, một cư dân có nhà tại chung cư Topaz City (Q.8, TP.HCM), cho rằng thực tế nhiều chủ đầu tư cố tình chiếm dụng nguồn tiền này không giao cho người dân để dùng vào mục đích bảo trì tòa nhà. Luật hiện nay quy định giao số tiền này cho ban quản trị là người đại diện cho người dân nắm giữ.
Khoản tiền này được gửi vào ngân hàng, do hai thành viên trong ban quản trị là trưởng ban và một thành viên khác cùng đứng tên chủ tài khoản. Tuy nhiên, do người dân ai cũng có quyền ứng cử vào ban quản trị thậm chí là người ở nhờ hoặc thuê trọ dài hạn, hoàn toàn không có tài sản tại chung cư nên sẽ rất dễ thất thoát, thậm chí mất số tiền này. “Như tại chung cư Topaz City giá trị mỗi căn hộ lúc mua chưa tới 1 tỉ đồng, trong khi số tiền quỹ bảo trì chung cư nếu thu đủ có thể lên đến hàng chục tỉ đồng. Nếu hai người trong ban quản trị thông đồng với nhau thì họ hoàn toàn có thể tiêu xài vô tội vạ không ai biết, thậm chí ôm tiền bỏ nhà đi mất vì số tiền lớn hơn gấp nhiều lần giá trị căn nhà”, chị Liên cho hay.
Ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản VN (VNG Real), nhận định rằng hiện nay quy định của pháp luật về vấn đề này rất lỏng lẻo. Trong khi doanh nghiệp cố tình chiếm dụng, không bàn giao quỹ bảo trì cho người dân thì luật vẫn chưa có hình thức nào chế tài đủ mạnh. Nguy hiểm hơn, do quy định pháp luật không rõ ràng, để người không phải cư dân lọt vào ban quản trị là cực kỳ nguy hiểm. Bởi ngoài việc quản trị, điều hành chung cư, họ còn “ôm” hàng chục tỉ đồng phí bảo trì của cư dân. Những người này nếu cùng nhau ăn chặn, ăn bớt, thậm chí nâng khống các gói bảo trì chung cư thì số tiền này sẽ bị thất thoát, “chảy” vào túi một số người.
Thậm chí chỉ cần 2 người trong ban quản trị thông đồng với nhau là có thể ôm tiền biến mất thì những cư dân trong chung cư lãnh đủ. “2% trên tổng giá trị toàn bộ chung cư là số tiền khổng lồ, từ vài chục đến cả trăm tỉ đồng. Chính điều này đã phát sinh các tranh chấp lâu nay. Thà giao cho chủ đầu tư, là những người có tóc, thậm chí có nghề bảo trì chung cư còn an toàn hơn giao cho người dân không biết gì về kỹ thuật bảo trì tòa nhà, vận hành quản trị chung cư... Nếu an toàn nhất luật nên sửa lại giao cho chủ đầu tư và đại diện cư dân, chính quyền địa phương đứng tên đồng tài khoản, không thể giao phó hết cho ban quản trị chung cư. Hoặc không, cần xóa bỏ khoản phí này khi chung cư xảy ra sự cố hư hại hay cần duy tu bảo dưỡng có thể kêu gọi người dân đóng tiền vào”, ông Trinh đề xuất.
Để giải quyết nhữnh tranh chấp này, mới đây Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành tổ chức, điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với những chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng quỹ bảo trì chung cư trái quy định của pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.