'Ém' quỹ bảo trì, nhiều chủ đầu tư có thể bị truy tố

Đình Sơn
Đình Sơn
19/06/2018 07:57 GMT+7

Mới đây Bộ Xây dựng đã đề nghị Bộ Công an và các cơ quan công quyền truy tố các chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì căn hộ 2%.

Nhiều chủ đầu tư chiếm dụng tiền của dân
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng cho biết hiện trên 43 tỉnh thành đang có 215 dự án bất động sản có khiếu nại, tranh chấp. Trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân, chiếm nhiều nhất là các tranh chấp phí bảo trì phần sở hữu chung (chủ đầu tư không, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần cho ban quản trị…).
Tại TP.HCM, nhiều chủ đầu tư đã chiếm dụng khoản tiền này của cư dân. Như tại chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú), Khang Gia Gò Vấp (Q.Gò Vấp) do Công ty Khang Gia làm chủ đầu tư liên tục bị cư dân tại đây “tố” chiếm dụng quỹ bảo trì với số tiền lớn.
Chung cư Khang Gia Tân Hương có khoảng 338 căn hộ, với số tiền phí bảo trì 2%/m2, số tiền quỹ bảo trì chung cư mà công ty Khang Gia Tân Hương đang nắm giữ vô cùng lớn.
Anh Nguyễn Đức, một cư dân tại đây cho biết, người dân đã dọn về ở từ năm 2014 nhưng đến nay quỹ bảo trì là bao nhiêu chủ đầu tư không công khai cho cư dân biết. Hiện 100% cư dân đã ký vào đơn đề nghị UBND TP.HCM cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì nhà chung cư đã bị chủ đầu tư chiếm giữ. Đồng thời đề nghị UBND TP chuyển hồ sơ qua Cơ quan điều tra khởi tố hình sự chủ đầu tư là Công ty Khang Gia nếu không bàn giao kinh phí bảo trì.
Tại chung cư Khang Gia Gò Vấp tình trạng cũng tương tự, quỹ bảo trì chung cư 2% cũng bị chủ đầu tư này chiếm giữ từ rất lâu.
Hàng trăm cư dân tại chung cư Phú Thạnh (Q.Tân Phú) cũng đang tố chủ đầu tư là Công ty 585 chiếm dụng hàng chục tỉ đồng quỹ bảo trị chung cư. Anh Quốc, một cư dân tại đây cho biết, trong một công văn gửi UBND Q.Tân Phú, Công ty 585 thừa số tiền này là 10,48 tỉ đồng. Số tiền này hiện không có trong tài khoản ngân hàng vì Công ty 585 nói tạm “mượn” đầu tư xây dựng hoàn thành dự án. Tuy nhiên theo tính toán của người dân, thực tế số tiền quỹ bảo trì chung cư Công ty 585 đang giữ của cư dân phải trên 23 tỉ đồng.
Từ năm 2014 khi Ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh (H.Nhà Bè) được thành lập đã gửi thông báo đề nghị Công ty Phú Hoàng Anh, chủ đầu tư dự án chuyển tiền quỹ bảo trì lên đến 44,5 tỉ đồng lại cho cư dân. Nhưng sau nhiều lần chuyển giao, số tiền chủ đầu tư vẫn còn giữ là 7,9 tỉ đồng, chưa tính tiền lãi suất phát sinh 6%/năm mà Công ty Phú Hoàng Anh đã cam kết trả.
Các cư dân chung cư Topaz City (Q.Thủ Đức) cũng tố chủ đầu tư là công ty Vạn Thái đang giữ 12 tỉ đồng tiền quỹ bảo trì chung cư.
Có thể xử lý hình sự
Theo luật sư Lê Quốc, Đoàn luật sư TP.HCM, từ ngày 10.12.2015, tại Điều 37, Nghị định 99 hướng dẫn thi hành luật Nhà ở 2014 có hiệu lực quy định, nếu chủ đầu tư không thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy định cưỡng chế thu hồi kinh phí bàn giao cho ban quản trị.
Thế nhưng đến nay, TP.HCM vẫn chưa đưa ra được một quyết định cưỡng chế nào dù các trường hợp chiếm dụng quỹ bảo trì được phản ánh rất nhiều lần.
Luật sư Lê Quốc cho rằng, người dân hoàn toàn có thể “khởi kiện” yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định tại Khoản 2, Điều 43, Thông tư số 02 về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Không những vậy, người dân có đầy đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 140, bộ luật Hình sự năm 1999 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với những kẻ có quyền và nghĩa vụ liên quan tới việc thu, chi, chủ trương và thực hiện việc sử dụng, tiêu xài khoản tiền vô cùng lớn này khi chủ đầu tư tự ý chiếm đoạt tiền của cư dân để đi làm việc khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.