Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường đặt xe công nghệ

23/12/2023 06:56 GMT+7

Nhu cầu sử dụng ứng dụng (app) để gọi xe công nghệ đang ngày càng phổ biến. Khi khách hàng có nhiều lựa chọn hơn thì các ứng dụng cũng bước vào cuộc chiến khốc liệt hơn.

Khi chiến binh cũng mệt mỏi

Trở mình thức giấc khi cơn ho sù sụ bất ngờ ập đến, anh Nguyễn Xuân Thu, một tài xế kỳ cựu có thâm niên gần chục năm lái xe công nghệ, ngồi bật dậy vì đến giờ phải "ra xe". Anh Thu kể anh gắn bó với ứng dụng Grab từ nhiều năm nay, có thể nói là chiến binh kỳ cựu.

Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường đặt xe công nghệ- Ảnh 1.

Thị trường gọi xe công nghệ đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt

NHẬT THỊNH

"Tôi chỉ chạy từ buổi chiều đến sáng hôm sau. Buổi tối đường vắng, khách đi xe nhiều, sân bay cũng hoạt động nên hiệu suất sẽ tốt hơn. Bao nhiêu năm nay tôi đều chọn khung giờ như vậy", anh Thu bộc bạch. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng khách đặt xe ít hơn trước, phúc lợi và mức thưởng của công ty quản lý ứng dụng cũng ngày càng khó nên thu nhập của anh giảm mạnh.

"Nếu trước đây thu nhập mỗi tháng của tôi vào khoảng 50 - 60 triệu đồng, trừ đi tiền xăng khoảng 10 triệu và tiền thuê xe khoảng 11 triệu đồng/tháng thì tôi còn dư khoảng 28 - 35 triệu đồng/tháng. Trước hãng xe đưa ra tiêu chí đạt 380 cuốc/tháng là duy trì hạng 5 sao, được ưu tiên phát cuốc liên tục nhưng hiện nay để duy trì được thì phải chạy đến 480 cuốc. Khách thì giảm đi mà yêu cầu thì tăng lên, ngay cả tài xế chạy siêng năng như tôi cũng không đạt được. Thu nhập của tôi sau khi trừ chi phí chỉ còn khoảng 20 triệu đồng. Đối với một người làm ban đêm thường xuyên như tôi, con số này không cao và chỉ đủ trang trải sinh hoạt gia đình", anh Nguyễn Xuân Thu chia sẻ.

Cùng là tài xế chạy GrabCar lẫn BeCar trong mấy năm qua, anh Phạm Tuấn Đức (ngụ P.Cát Lái, TP.Thủ Đức, TP.HCM) phân tích: "Trong thị trường gọi xe công nghệ hiện nay thì Grab vẫn có nhiều khách sử dụng nhất, tuy nhiên không phải tài xế nào cũng được nhận cuốc thường xuyên. Các tiêu chí và quy định để được xếp loại 5 sao (ưu tiên nhận khách VIP) rất khó khăn để đạt được. Trong khi đó, chỉ cần vi phạm một nguyên tắc nào đó là tài xế có thể bị khóa app, hoặc ngừng hợp đồng vĩnh viễn. Tôi bị khóa app Grab nên chuyển sang chạy BeCar, mặc dù ít khách hơn nhưng điều kiện cũng dễ chịu hơn, có điều giá của Be thấp hơn nên thu nhập cũng giảm. Ví dụ, thứ bảy tuần trước, tôi chạy từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm, thu nhập ròng (sau khi trừ phí ứng dụng) còn khoảng 1,8 triệu đồng, trừ tiền xăng 700.000 đồng còn dư khoảng 1,1 triệu đồng. Từ khi tăng cường xử lý thổi nồng độ cồn, khách giảm đi thấy rõ, nhà hàng quán ăn cũng đều vắng hết".

Cuộc chiến khốc liệt trên thị trường đặt xe công nghệ- Ảnh 2.

Sự gia nhập của hãng taxi điện giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn và tài xế cũng bớt áp lực từ hãng ứng dụng

CTV

Anh Trần Hữu (ngụ Hà Nội), một tài xế công nghệ có nhiều kinh nghiệm, cũng tỏ ra chán nản: "Dạo này khách đi ít, mà tài xế và các hãng xe lại cạnh tranh khốc liệt. Chắc tôi chỉ ráng thêm vài bữa rồi xin sang hãng taxi điện, nghe nói có lương cứng và chia thêm hoa hồng, chứ đợi khách mòn mỏi kiểu này thì không biết lúc nào mới đủ chỉ tiêu".

Nơi hồ hởi khoe thu nhập

Vào Fanpage chính thức của cộng đồng tài xế taxi điện, chủ đề được bàn luận sôi nổi nhất trong thời gian gần đây chính là doanh thu và thu nhập. Dương Ánh, một tài xế của hãng xe điện Xanh SM, khoe: "Hai tuần đầu tháng 12, tôi chạy được 322 cuốc, tiền thưởng doanh thu hơn 10 triệu đồng". Hoàng Tùng, tài xế tại TP.HCM, cũng khoe thu nhập lên đến gần 12 triệu đồng/tháng gần nhất và còn chưa tính lương cố định cũng như tiền khách cho thêm. Mặc dù vậy, không phải tài xế nào cũng có thu nhập cao nếu không siêng năng và chịu "cày".

Đỗ Hoàng, một tài xế taxi Xanh SM, ước tính: "Nếu vào "Xanh" thì lương cứng 7 triệu cùng với 1 triệu hỗ trợ trong 2 tháng đầu, hằng ngày có doanh thu thì được hưởng thêm 22,3%. Ví dụ, tài xế chạy tổng doanh thu 1 tháng 30 triệu đồng thì 1 tháng sẽ được nhận 6,69 triệu đồng + 7 triệu tiền lương. Tuy nhiên, chi phí sạc pin của xe điện tầm 3 triệu đồng/tháng, rửa dọn xe, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội khoảng 500.000 đồng, trừ tiếp tiền rửa dọn xe, tiền ăn, tiền phạt KPI (nếu có)… thì dư được khoảng 6 - 9 triệu tùy tỉnh, thành. Tuy nhiên, tài xế có thêm được tiền tip của khách hoặc tắt app và nhận cuốc ngoài".

Anh Vũ Đình Phương, một tài xế Xanh SM ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết: "Tùy nhu cầu của mỗi người, tài xế hiện nay có nhiều lựa chọn. Nếu trước đây dân lái xe chỉ có thể đăng ký vào Grab thì hiện nay các hãng xe trong nước cũng đã cạnh tranh tốt, giúp tài xế có nhiều sự lựa chọn hơn, ai muốn có doanh thu nhiều thì cày nhiều, ai muốn để dành thời gian cho gia đình thì thu nhập ít hơn. Quan trọng nhất là khi không phải đối diện áp lực kiếm tiền mua xe trả góp hằng tháng, tôi từng mua xe trả góp nên biết rất rõ áp lực phải "cày", bây giờ chạy xe điện khỏe hơn dù thu nhập ít hơn trước".

Sự có mặt cạnh tranh của hãng xe taxi điện Xanh SM đã khiến cuộc chiến gọi xe ngày càng khốc liệt. Thực tế, theo một báo cáo thống kê mới đây, thị phần ngành gọi xe công nghệ phần lớn vẫn nằm trong tay doanh nghiệp ngoại. Xét về mức độ phổ biến, Grab chiếm phần lớn với 56%. Hai cái tên theo sau đều là doanh nghiệp Việt: Mai Linh 11% và Be 8%. Trong đó, Be soán ngôi của Gojek. Riêng Xanh SM được đánh giá là hãng taxi có tốc độ "phủ sóng" thần tốc khi chỉ sau 5 tháng ra đời đã có mặt tại 17 tỉnh, thành. Hãng cũng ấp ủ mục tiêu đầy táo bạo với việc mở rộng quy mô đội xe lên đến 30.000 taxi điện và 90.000 xe máy điện, "phủ xanh" ít nhất 27 tỉnh, thành và 3 quốc gia Đông Nam Á trong năm 2023.

Ở góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Ngọc Luận, chuyên gia nghiên cứu thị trường, phân tích: "Cuộc cạnh tranh giữa các hãng taxi công nghệ không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn có thêm lựa chọn cho giới tài xế. Đây cũng là đối tượng cần phải được chăm sóc để có thu nhập và động lực phục vụ khách hàng tốt hơn. Về sự góp mặt của hãng xe taxi điện, tôi cho rằng đây là một hiện tượng tốt cho môi trường và dịch vụ cho khách hàng cũng tốt hơn. Họ có quy chuẩn khắt khe từ thảm trải sàn, phim cách nhiệt, ô che mưa… đều được trang bị đầy đủ để phục vụ cho mỗi chuyến đi. Tài xế cũng được quy định giao nhận xe với công ty 2 lần/tuần để đảm bảo sạch sẽ và không gặp lỗi… Tuy nhiên, điểm yếu trước nay của các startup Việt là khâu quản trị. Có thể bước đầu anh tạo ra ấn tượng tốt, khởi đầu tốt, nhưng về lâu dài nếu quản trị không tốt và áp dụng quá nhiều chương trình ưu đãi thì có khi càng làm càng lỗ".

Kết quả cán mốc 6 triệu người dùng chỉ sau vài tháng là thành tích ngoài kỳ vọng. Tuy nhiên, chiến lược mở rộng thị trường và địa bàn sắp tới sẽ khó khăn hơn. Đây không phải là bài toán về một, hai tỉnh, thành phố nữa mà là vài chục tỉnh, thành phố. Do đó, chúng tôi phải cố gắng làm sao giữ được chất lượng dịch vụ. Nói thì dễ nhưng sẽ có rất nhiều thứ cần làm để đạt được và cần thêm thời gian để phổ biến đến người dùng nhiều hơn.

Đại diện Xanh SM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.