Cuộc chiến với thông tin lừa đảo

03/11/2023 03:55 GMT+7

Nói nhiều rồi, truyền thông nhiều rồi về chuyện thông tin lừa đảo chuyển tiền, việc nhẹ lương cao khiến không ít người mất tiền mất của, đắng cay tặc lưỡi giá mà mình không ngây thơ đến thế.

Nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, người lớn tuổi rất dễ trở thành "con mồi" của những kẻ giăng bẫy lừa đảo. Lạ là, các chiêu thức lừa đảo chẳng mới mẻ gì, đã được cảnh báo và chỉ dẫn cách ứng phó trên các kênh thông tin báo chí chính thống, nhưng dường như đã không đến được với nhiều người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thói quen tiếp cận với thông tin mạng xã hội và những kênh thông tin không chính thống khác có thể là lý do khiến nhiều người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mất tập trung, xao lãng chú ý đến nguồn thông tin báo chí chính thống. Cho dù, những nguồn thông tin báo chí chính thống thường xuyên cảnh báo đến người dân những chiêu thức lừa đảo gạt tiền qua mạng, qua tin nhắn điện thoại.

Nhưng suy cho cùng, sự xao nhãng của người dân đối với các nguồn thông tin chính thống cũng không phải là chuyện lạ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt để giành lấy sự chú ý của công chúng. Đừng vì thế mà dễ dàng đổ lỗi cho người dân rồi buông xuôi để cho những kẻ lừa đảo hoành hành gây hại cho dân. Đừng dễ dàng chấp nhận cái gọi là một "tỷ lệ không thể tránh khỏi" những người dân sa bẫy lừa đảo chuyển tiền qua mạng, việc nhẹ lương cao… rồi để mặc họ tự gánh lấy rủi ro.

Chúng ta cần nỗ lực cùng nhau nhiều hơn nữa để gia tăng hiệu lực giáo dục công chúng truyền thông bằng những hành động quyết liệt hơn, triệt để hơn, sâu sát hơn. Cần phải đặt ra những mục tiêu cao hơn trong việc đưa các nguồn thông tin hữu ích từ các báo chí chính thống, đáng tin cậy đến với người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong những chuyện như thế này, cần nghĩ đến việc khai thác tối đa bộ máy tổ chức chính quyền cơ sở, sức mạnh của hệ thống chính trị.

Đừng để thông tin hữu ích trên các kênh báo chí chính thống chỉ "lơ lửng trên không gian mạng" rồi mất hút trong mớ thông tin ngồn ngộn mỗi ngày. Có một chiến lược rất dễ làm, rất thực tế có thể theo đuổi kiên trì để tăng cường năng lực ứng phó của người dân với thông tin lừa đảo. Đó là tìm cách để đưa thông tin báo chí hữu ích đến tận nhà của người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể xã hội cần đưa nội dung giáo dục kỹ năng ứng phó với thông tin lừa đảo trở thành một nội dung sinh hoạt định kỳ. Các bài báo hữu ích về chủ đề này cần được phổ biến đến từng người dân, được bàn bạc, thảo luận, bình luận để tạo ra sự nhắc nhớ trong nhận thức của người dân.

Hệ thống kênh truyền thông cơ sở như loa phát thanh, bảng tin cơ sở… cũng là những kênh cần được tích cực khai thác để tăng cường hiệu quả giáo dục kỹ năng truyền thông cho người dân.

Cuộc chiến với thông tin lừa đảo ngày càng trở nên khó lường, nhất là trong dự báo, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo thêm những thách thức mới. Theo đuổi chiến lược "đưa thông tin hữu ích đến tận nhà dân" có thể sẽ là một chiến lược thực tế để tạo thêm tấm khiên bảo vệ cho cuộc sống an lành của người dân trong bối cảnh nhiễu loạn thông tin. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.