Gần như chưa có cuốn sách hay tư liệu lịch sử nào đề cập đến cuộc đại diệt chuột tại Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ 20.
Một cách tình cờ, trong lần tìm tài liệu cho luận án tiến sĩ, GS Michael G.Vann của Đại học Sacramento (California, Mỹ) đã tìm thấy những tài liệu về kế hoạch diệt loài chuột vào những năm 1902 tại Hà Nội. Điều đó đã hấp dẫn ông tìm hiểu về câu chuyện gần như chưa từng được nhắc đến này. Nghiên cứu của ông đã được chia sẻ trong buổi trò chuyện Lịch sử Đông Dương qua câu chuyện: Cuộc săn diệt chuột tại Hà Nội diễn ra chiều 17.3 tại Heritage Space (Hà Nội).
Do có quá ít tư liệu nên GS Michael G.Vann phải lần tìm những mảnh thông tin trong các dữ liệu lịch sử ở Pháp, những cuốn hồi ký của người Pháp sống tại Hà Nội thời kỳ đó... Theo nghiên cứu của GS Michael G.Vann, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer lên kế hoạch biến Hà Nội thành trung tâm của Đông Dương. Một khu vực rộng lớn của TP được dọn sạch và xây dựng lại theo phong cách Pháp, và sau này được biết đến với cái tên khu phố Pháp. Bên cạnh những công trình mang dáng dấp kiến trúc Pháp, Paul Doumer còn cho xây dựng hệ thống cống thải ngầm khổng lồ. Khi Paul Doumer rời VN năm 1902, hệ thống cống thải dài 19 km tập trung chủ yếu ở khu phố Pháp đã được xây dựng. Nhưng, người Pháp đã không hề lường trước được chính nơi này đã trở thành môi trường cho loài chuột phát triển nhanh chóng. Quan chức chính phủ Đông Dương trở nên hoảng loạn khi những báo cáo về đợt bùng phát dịch hạch bắt đầu xuất hiện. Tệ hại hơn, những ổ dịch gần như chỉ giới hạn trong khu phố Pháp.
“Những di chứng cuộc chiến tranh mà người Mỹ gây ra với người dân VN khi ấy vẫn còn nhiều. Nhưng tôi đã được người dân nơi đây chào đón rất nồng hậu. Những nghiên cứu về VN cũng như cách để tôi hồi đáp lại những tình cảm nhận được. Ngoài ra, nhiệm vụ của tôi còn là để người Mỹ biết đến VN nhiều hơn, về lịch sử của đất nước có nền văn minh hàng ngàn năm này, chứ không phải chỉ biết đến VN qua chiến tranh”, GS Michael G.Vann chia sẻ.
Người Pháp đã thuê người dân bản địa tiêu diệt chuột. Theo những tài liệu mà GS Michael G.Vann tìm được, hàng chục ngàn con chuột đã bị tiêu diệt. Số lượng người chết vì bệnh dịch cũng giảm đi. Tuy nhiên, chuột sinh sản quá nhanh. Điều đó đã khiến chính phủ quyết định trao thưởng cho bất cứ ai mang đến dù chỉ là một cái đuôi chuột. “Tuy nhiên, sau đấy, người Pháp đã phát khiếp khi nhìn thấy những con chuột không đuôi chạy trên đường, hay có những cái đuôi của con vật khác được giao nộp. Thậm chí, một số nhà kho ở ngoại ô TP đã nuôi chuột để tuồn vào”, GS Michael G.Vann nói. Ông cho rằng, đó cũng là cách phản kháng của người dân thuộc địa với những áp đặt về sự hiện đại và ách cai trị của người Pháp. Theo GS Michael G.Vann, cuộc đại diệt chuột cho thấy sự thất bại trong kế hoạch của chính quyền Pháp.
Nghiên cứu của Michael G.Vann đã hấp dẫn họa sĩ Liz Clarke. Họ đã cùng thực hiện cuốn sách tranh The Great Hanoi Rat Hunt: Empire, Disease, and Modernity in French Colonial Vietnam (tạm dịch: Cuộc đại thảm sát chuột tại Hà Nội: Đế chế, Dịch bệnh và Sự Hiện đại ở VN thời Pháp thuộc) được Oxford University Press phát hành vào năm 2018.
“Cuốn sách này cũng giống như bức thư tình tôi muốn gửi tới Hà Nội”, Michael G.Vann dí dỏm nói khi chia sẻ với PV Thanh Niên. Ông đã đến Hà Nội vào năm 1997.
Bình luận (0)