Vẻ hấp dẫn của ký ức qua 'Những bức tranh phù thế'

01/03/2019 07:05 GMT+7

Theo nhà báo Phạm Công Luận, viết về ký ức không đơn giản chỉ là sự trốn chạy thực tại: 'Khi viết về quá khứ, tôi nhận ra mình là ai... Tôi hiểu rõ hơn vì sao mình yêu tha thiết một thành phố dù nó dần dần không còn giống nơi chốn mình yêu thương'.

Những chia sẻ này cũng chính là “mảnh ghép” đầu tiên - Vẻ hấp dẫn của ký ức, trong Những bức tranh phù thế, cuốn sách mới nhất của Phạm Công Luận (Phương Nam Book, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM phát hành). Nếu tác giả cho rằng bằng bàn phím, anh du hành ngược thời gian “để một lần nữa nếm miếng bánh tráng kẹo mạch nha ngọt lịm của ngày xưa, hút nhụy hoa trong cuống bông bụp trồng bên hàng rào, nhai lại hạt điệp vàng thơm bùi và đăng đắng...”, thì bằng con chữ, 33 bài viết trong tạp bút Những bức tranh phù thế của anh đã đưa người đọc trở về quá khứ, khi lẫn trong ký ức của anh, những hồi ức về một Sài Gòn xưa, từ hơn nửa thế kỷ trước, cũng dần hiện lên.
Không như bộ Sài Gòn chuyện đời của phố phác họa một Sài Gòn xưa với những giá trị bất biến, Những bức tranh phù thế của anh gợi lên nhiều “nỗi niềm” hơn, từ chính những dòng tự sự đầy ắp yêu thương của một người đã - đang sống, gắn bó với từng con hẻm, xóm nhỏ, dòng sông chảy qua thành phố nơi anh sinh ra. Lần giở theo từng trang sách, đi qua Những đêm xưa, những Lời ca dọc đường, Những kiểu bán rong tuyệt tích, bước vào không gian của Cà phê treo, Hộp kỷ niệm..., người đọc hẳn sẽ cảm nhận được tình riêng mà như cũng rất chung của tác giả khi tìm về những giá trị đang bị đe dọa biến mất hoặc đã không còn nữa của một thành phố hơn 300 năm tuổi. Đó là những kỷ niệm, ký ức mà theo anh: “Càng khai thác lại càng đầy và lộ ra những điều từng quen thuộc nhưng lạ lùng như mới gặp lần đầu”, hay: “Chúng luôn lung linh trong trí nhớ bất trị chỉ thích nhớ những gì đẹp đẽ”; “Chỉ đợi một cú chạm nhẹ tình cờ là hồi sinh”.
Cùng với những “bức tranh” của Sài Gòn qua nhiều góc nhìn, quan sát tinh tế của “người lưu giữ ký ức phố thị” (như cái tên mà nhiều độc giả dành tặng cho anh), những câu chuyện cá nhân của chính tác giả, của gia đình anh... trong không gian nhuốm màu thời gian ấy, với đầy ắp tư liệu quý, cũng được “vẽ” nên, tạo cho Những bức tranh phù thế một dư vị dịu ngọt, trữ tình. Không chỉ là những bài viết, tạp bút còn giới thiệu những bức tranh minh họa sinh động của họa sĩ Pháp Marcelino Trương, người tuy sống ở Sài Gòn chỉ hai năm (thời thơ bé) nhưng theo chia sẻ của tác giả: “Nhờ những ký ức mạnh mẽ, nhờ hồi ức của cha là người Việt và người mẹ Pháp truyền lại, nhờ những chuyến về quê nội, anh đã vẽ được những bức tranh giàu cảm xúc rất gần gũi với những ai sống ở Sài Gòn ngày xưa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.