Cuộc đàm phán tới 2 giờ sáng về biên giới đất liền Việt - Trung

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/08/2024 13:07 GMT+7

'Sau khi gặp báo chí, hai bên tiếp tục đàm phán đến 2 giờ sáng ngày 1.1.2009 thì giải quyết xong vấn đề thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân, kết thúc công tác phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc'.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nhớ lại cảm xúc vào thời điểm Việt Nam - Trung Quốc hoàn thành đàm phán phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền, tại hội nghị kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc do Bộ Ngoại giao tổ chức sáng nay 2.8.

Cuộc đàm phán tới 2 giờ sáng về biên giới đất liền Việt - Trung- Ảnh 1.

Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn

BAOQUOCTE.VN

Ông Sơn chia sẻ, từ các sự kiện trong mối quan hệ Việt - Trung ông được chứng kiến, ông hiểu rằng, biên giới là hàn thử biểu quan hệ hai nước. 

Theo ông Sơn, ngay sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Trung Quốc đã khẩn trương đàm phán về biên giới trên bộ. Đến cuối 2008, giữa hai bên còn 289 khu vực tranh chấp, gồm thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân.

Ông Sơn nhớ lại, cuối tháng 12.2009, Việt Nam và Trung Quốc đàm phán tại Hà Nội. Hai bên giằng co quyết liệt. Đến khoảng 18 giờ chiều 31.12.2008, trưởng đoàn ta đề nghị tạm dừng đàm phán để ra gặp báo chí, tuyên bố đã hoàn thành phân giới cắm mốc vì đằng nào trong đêm nay cũng sẽ phải giải quyết xong.

"Sau khi gặp báo chí, hai bên tiếp tục đàm phán đến 2 giờ sáng ngày 1.1.2009 thì giải quyết xong vấn đề thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân, đặt dấu chấm kết thúc cho công tác phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc", ông Sơn chia sẻ.

"Chúng tôi hiểu rằng, nếu không có mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước thì không thể giải quyết được vấn đề biên giới. Nhưng nếu không có đường biên giới hòa bình, hữu nghị thì cũng khó có cơ sở vững chắc để tin cậy lẫn nhau tăng cường hợp tác, phát triển. Hai cái này quện chặt lấy nhau, tác động qua lại với nhau", nguyên Thứ trưởng Ngoại giao nói thêm.

Ông Sơn điểm lại, năm 1999, quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc được xác định là quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định, lâu dài, hướng tới tương lai. Đây cũng là năm hai bên ký Hiệp ước hoạch định biên giới trên bộ.

Năm 2000, quan hệ hai nước được bổ sung thêm là 4 tốt: Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt. Đây cũng là năm hai bên hoàn thành phân định vịnh Bắc bộ.

Đến năm 2008, quan hệ Việt - Trung được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Cuối năm này, Việt Nam và Trung Quốc hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới.

"Tốt đẹp như thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông"

Liệu hai bên Việt Nam - Trung Quốc đã tận dụng hết những lợi thế của một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển hay chưa? Ông Hồ Xuân Sơn cho rằng, bên cạnh những thành tựu hết sức to lớn, vẫn còn một số trì trệ nhất định trong việc thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao về một số dự án hợp tác ở khu vực biên giới.

Ông dẫn chứng dự án "Một vành đai, hai hành lang", đặc biệt là kết nối đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai với đường sắt Hà Khẩu - Côn Minh được nghiên cứu từ 2005, tới nay đã lỡ hẹn 20 năm vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, năm 2017, Trung Quốc đã hoàn thành đường sắt Nam Ninh - Côn Minh - Phòng Thành để ra vịnh Bắc bộ. Năm 2021, Trung Quốc hoàn thành đường sắt Côn Minh - Viên Chăn và không bao lâu nữa sẽ hoàn thành tuyến Viên Chăn - Băng Cốc để ra biển.

Cạnh đó, vấn đề khu kinh tế qua biên giới tại Lạng Sơn, Cao Bằng, hay hợp tác du lịch ở thác Bản Giốc (Cao Bằng), hay tàu thuyền qua lại tự do ở khu vực cửa sông Bắc Luân cũng được lãnh đạo hai bên nêu khá sớm, song tới nay vẫn chưa thể thực hiện được.

"Tôi đề nghị nhân dịp kỷ niệm lần này, ta nên kiểm điểm xem những dự án hợp tác nói trên đang vướng mắc ở đâu, nguyên nhân gì, giải quyết thế nào, sau đó trao đổi với phía Trung Quốc tìm biện pháp tháo gỡ, nhằm sớm mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên", ông Sơn đề nghị.

Cuộc đàm phán tới 2 giờ sáng về biên giới đất liền Việt - Trung- Ảnh 2.

Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Lê Hoài Trung phát biểu tại hội nghị

TTXVN

Trong phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Lê Hoài Trung cũng nhấn mạnh tầm hệ trọng của việc giải quyết vấn đề biên giới trong mối quan hệ giữa hai nước. "Giải quyết tốt biên giới giúp thúc đẩy quan hệ. Ngược lại, có quan hệ tốt thì tạo thuận lợi giải quyết vấn đề biên giới", ông Lê Hoài Trung nêu.

Ông Trung nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển tốt đẹp. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để củng cố biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. "Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nói mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay tốt đẹp như thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông", ông Trung nói thêm.

Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Trung nhấn mạnh việc hiện đại hóa công tác quản lý cửa khẩu vì còn nhiều việc phải làm. Cạnh đó, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư đề nghị nghiêm túc nghiên cứu các đề xuất của phía Trung Quốc về cửa khẩu như vấn đề cửa khẩu thông minh, hay hợp tác du lịch tại thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng.

Đây cũng là các vấn đề được Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, đề xuất. Cơ quan này đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn tăng cường đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới, công trình giám sát, bảo vệ đường biên, cột mốc.

Cùng đó, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối khu vực biên giới với nội địa, phát triển hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ kết nối qua biên giới Việt - Trung, cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, đưa khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc trở thành cửa ngõ giao thương giữa Trung Quốc và ASEAN.

Ngoài ra, hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý biên giới, cửa khẩu; nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác của lực lượng quản lý biên giới tại thực địa.

Với hợp tác du lịch thác Bản Giốc, cơ quan này đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng tích cực trao đổi, phối hợp với phía Trung Quốc để tiếp tục vận hành thí điểm khu cảnh quan thác Bản Giốc. Đồng thời, đề xuất và thống nhất kế hoạch, phương hướng vận hành chính thức khu cảnh quan thác Bản Giốc, sau khi kết thúc vận hành thí điểm ngày 15.9 tới đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.