Cuộc đời kỳ lạ của 'em bé trong chiếc hộp'

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
10/11/2020 06:40 GMT+7

Năm 1973, trên vỉa hè trung tâm TP.Sài Gòn, một phóng viên ngoại quốc đã tình cờ chụp được một bức ảnh 2 đứa trẻ ăn xin. Bức ảnh lập tức làm “dậy sóng” ở nước Mỹ. Trải qua bao dâu bể, 32 năm sau, người phóng viên và người “bị” chụp ảnh đã có một cuộc trùng phùng kỳ lạ, chen vào giữa họ là 2 vị tổng thống Mỹ.

Cảnh tượng thương tâm

Một buổi sáng tháng 2.1973 tại Sài Gòn, Chick Harrity, lúc ấy là phóng viên nhiếp ảnh cho Hãng tin AP (Association Press, trụ sở ở Mỹ), đang trên đường đi bộ về văn phòng AP nằm cuối dãy của một tòa nhà lớn đối diện với khách sạn Continental tại góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi. Bỗng Chick Harrity dừng lại vì bắt gặp một hình ảnh vô cùng thương tâm: Trên hè phố có một chiếc hộp giấy carton, bên trong hộp có một bé gái nhỏ xíu đang nằm ngủ. Bên cạnh chiếc hộp có một bé trai, lớn hơn một tí, nằm co quắp và đang nắm lấy bàn tay của em gái mình thò ra ở mép hộp, một cái bát dùng để ăn xin bên cạnh… Khu trung tâm thành phố này tập trung khá nhiều trẻ em ăn xin và trẻ bụi đời…
Chick Harrity nâng máy ảnh lên và bấm khoảng bảy, tám tấm. Bức ảnh Baby in the box (Em bé trong chiếc hộp) đã được AP phổ biến và trở thành “tin nóng hổi” (Breaking News Story) cho các báo chí và đài truyền hình ở Mỹ, đặc biệt là ở New York.
Sở dĩ bức ảnh trở thành tâm điểm của sự chú ý, bởi nó không giống những hình ảnh khác về chiến tranh Việt Nam. Baby in the box sau đó được đăng trên hầu như tất cả các báo ở Mỹ và có rất nhiều người đã liên lạc với văn phòng AP để hỏi xem có cách nào nhận hai em bé đó làm con nuôi.
Cuộc đời kỳ lạ của 'em bé trong chiếc hộp'1

Trần Thị Hết (phải) và mẹ nuôi

ẢNH: TƯ LIỆU

Bà mẹ nuôi nhân ái

Chick Harrity nhờ các nhân viên người Việt của AP (văn phòng Sài Gòn) tìm cách liên lạc với gia đình hai em bé. Điều này cũng khá dễ dàng, vì họ chỉ cần cầm tấm ảnh tới ngay vỉa hè gần đó, hỏi những “cư dân đường phố” là ra ngay. Chick Harrity gặp được mẹ của hai đứa trẻ.
Bà cho biết bà có 5 con trai và đứa bé nằm trong hộp là bé gái út. Chồng bà đi lính cho chế độ Việt Nam Cộng hòa, nhưng lương lính không đủ để nuôi bầy con nên bà cho chúng đi ăn xin. Tên của bé gái là Trần Thị Hết. Khi được biết có nhiều gia đình bên Mỹ muốn nuôi hai bé, bà gạt phắt ngay. Bà không muốn xa các con.
Nhưng định mệnh không chiều theo ý muốn của bà. Bé Hết bị đau tim nặng, bà mẹ ôm con đến gặp các soeur ở một tổ chức từ thiện Thiên Chúa giáo. Một năm sau, tổ chức từ thiện này đã đưa bé sang Mỹ để điều trị, vì bà quá nghèo không có tiền chữa bệnh cho con…
Sau này, các soeur ở Sài Gòn đã cố gắng đi tìm mẹ và anh trai của Trần Thị Hết nhưng các “cư dân đường phố” ở vỉa hè nọ cho biết gia đình bà đã chuyển ra Đà Nẵng. Một thời gian sau họ cũng được tin bà mẹ đã qua đời vì bệnh lao phổi, và không ai còn biết tung tích của gia đình này nữa…
Năm 1974, khi thông tin về nhân vật chính của bức ảnh Baby in the box đang được điều trị ở Mỹ thì có đến hơn 2.000 người hảo tâm muốn nhận em làm con nuôi.
Cuối cùng bà Evelyn Heil, cư ngụ tại thành phố Springfield (tiểu bang Ohio), “trúng tuyển”. Bà cho biết, việc bà “trúng tuyển” là cả một điều… kỳ diệu, lý do có thể là bà rất kiên trì và am hiểu nhiều về dinh dưỡng.
Tháng 10.1974, Trần Thị Hết chính thức trở thành con nuôi gia đình bà Evelyn Heil. Bà đã có 4 đứa con trai, và Hết trở thành “công chúa” trong gia đình. (còn tiếp)
 (Theo The Washington Post, The Digital Journalist)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.