Cuộc đời thăng trầm của Đức Từ Cung - Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
23/02/2021 11:00 GMT+7

Tin bà Lê Thị Dinh, vị cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn qua đời càng làm mọi người nhớ đến Đức Từ Cung - Hoàng thái hậu cuối cùng của vương triều này.

Là một nhà nghiên cứu nổi tiếng về xứ cố đô Huế nên những câu chuyện của Đức Từ Cung - Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn, "luôn nằm lòng" trong "kho tư liệu" của tác giả Trần Đức Anh Sơn. Trong tác phẩm Huế triều Nguyễn - Một góc nhìn (Omega và NXB Thế giới ấn hành), ông đã dành nhiều trang viết hấp dẫn nói về Đức Từ Cung, cho biết nhiều thông tin quý giá về Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn.
Tác giả Trần Đức Anh Sơn kể: “Sinh năm 1890, Hoàng Thị Cúc là kết quả của cuộc tình giữa viên tri huyện Hòa Đa (tỉnh Bình Định) Hoàng Văn Tích với người chị vợ La Thị Sơn khi bà này từ quê vào Bình Định chăm sóc em gái mình là La Thị Huân, chánh thất của ông Hoàng Văn Tích. Sau khi sinh nở, bà La Thị Sơn giao con gái cho vợ chồng viên tri huyện nuôi dưỡng để đi lấy chồng”.

Đức Từ Cung (ngồi), Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và 2 công chúa Phương Mai và Phương Liên

Ảnh: T.L in trong sách Huế triều Nguyễn - một góc nhìn

Tuy nhiên sau đó cả hai vợ chồng quan tri huyện đều vắn số mất sớm, nên cuộc đời đưa đẩy bà Hoàng Thị Cúc gắn bó với người con trai cả của ông Hoàng Văn Tích là Hoàng Trọng Khanh. Vì gia cảnh lúc này gặp quá nhiều khó khăn nên bà Cúc được ông “tiến” vào cung làm thị nữ hầu hạ cho hai vợ góa của vua Đồng Khánh là bà Thánh cung Nguyễn Thị Nhàn và bà Tiên cung Dương Thị Thục. Tại đây, mối lương duyên của cuộc đời đã cho bà may mắn gặp được Phụng hóa công Nguyễn Phước Bửu Đảo, là con trai cả của vua Đồng Khánh với bà Tiên Cung, nhân vật sau này trở thành vị vua thứ 12 của triều Nguyễn.
Sách đã dẫn của tác giả Trần Đức Anh Sơn kể tiếp: “Năm 1913, bà Hoàng Thị Cúc sinh hạ cho ông hoàng Bửu Đảo công tử Nguyễn Phước Vĩnh Thụy, mà theo lời đồn đãi trong dân gian Huế thì Phụng hóa công chỉ là người “đổ vỏ” cho hoàng thân Hường D…, người bạn thân thiết với ông hoàng Bửu Đảo.Thực hư chuyện này không ai rõ, chỉ biết rằng Hoàng Thị Cúc là người được Phụng hóa công Nguyễn Phước Bửu Đảo rất sủng ái. Năm 1916, Phụng hóa công được đưa lên ngai vàng trở thành vua Khải Định thì bà Hoàng Thị Cúc được vua phong là Huệ tần. Đến năm 1918, bà được phong là Huệ phi, bậc thứ hai (nhị giai phi) trong cửu giai 9 bậc mà các vua triều Nguyễn phong cho các phi tần của mình”.
Sau khi vua Khải Định băng hà, vua Bảo Đại lên ngôi tôn phong cho mẹ mình là Đoan Huy Hoàng thái hậu, nhưng theo cũng theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn, từ đấy về sau người dân Huế luôn tôn kính gọi bà là Đức Từ Cung hay Đức Từ mà thôi.

Những người cháu xinh đẹp của Đức Từ Cung

Ảnh: T.L

Được biết, sinh ra trong gia đình quan lại cấp thấp, hoàn cảnh khó khăn nhưng bằng sự chịu khó và đức tính “cần cù bù thông minh”, Đức Từ Cung đã không ngừng phấn đấu rèn luyện cả chữ Hán, Pháp văn và Quốc ngữ, cùng với các nghi lễ, điển chương trong văn hóa ứng xử cung đình và cả trên trọng trách mà bà đảm nhiệm.
“Khi triều Nguyễn đang tồn tại, dù ở ngôi vị Hoàng thái hậu cao sang, Đức Từ Cung vẫn sống một cuộc đời bình dị và là một Phật tử thuần thành, gạt bỏ những thị phi để bảo vệ danh dự cho hoàng gia, gìn giữ gia phong cho "đệ nhất gia đình" của Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. Lúc triều đình nhà Nguyễn cáo chung, Vua Bảo Đại rày đây mai đó, lưu vong nơi xứ người thì Đức Từ Cung vẫn "neo giữ" cả thể xác và tâm hồn ở Huế. Bà tự bỏ tiền túi để sửa chữa Thái Miếu (nơi thờ 9 vị chúa Nguyễn), Hưng Miếu (nơi thờ thân phụ và thân mẫu của vua Gia Long), cùng các tôn lăng của các thành viên hoàng gia triều Nguyễn…”, sách Huế triều Nguyễn - Một góc nhìn của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn ghi nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.