Cậu học trò ấy là Nguyễn Hùng Mạnh, nhân vật trong bài viết Nghị lực mùa thi: Xin giúp đỡ cậu học trò ở trọ, bữa ăn chỉ rau hoặc mì gói đăng trên Báo Thanh Niên ngày 23.5.2023.
Câu chuyện về cậu học trò một mình ở trọ nuôi ước mơ vào giảng đường đại học bên tô mì gói, bữa ăn không hề có cá, thịt, sang nhất cũng chỉ là rau luộc, nhưng nhiều hôm không có tiền, rau hay trứng em cũng phải xin của hàng xóm... đã làm xúc động hàng triệu trái tim bạn đọc.
Lấy đi rất nhiều nước mắt của bạn đọc
Có thể nói, Mạnh và câu chuyện về em đã để lại cho tôi rất nhiều cung bậc cảm xúc. Ngày đầu tiên gặp Mạnh, trong căn phòng trọ nóng nực ở Q.Bình Tân (TP.HCM), tôi không dám tin đó là cậu học trò lớp 12. Thân hình nhỏ thó, gương mặt gầy gò, hốc hác vì thiếu ăn và suốt buổi trò chuyện không hề thấy nụ cười của em.
Cuộc đời nhiều thử thách, từ năm lớp 5 Mạnh đã phải xa mẹ vào trung tâm bảo trợ xã hội vì gia cảnh quá khó khăn, em buộc phải mạnh mẽ và nghị lực ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Từ ngày đó, nụ cười dường như đã dần "tắt" trên gương mặt của em.
Đến khi rời trung tâm bảo trợ ra ở trọ một mình, bữa ăn thiếu trước hụt sau, với 500.000 đồng (trừ tiền trọ) được mẹ gửi mỗi tháng, Mạnh phải xoay xở ở thành phố thứ gì cũng đắt đỏ này.
Sau khi câu chuyện về em được Báo Thanh Niên đăng tải, bài viết đã lan tỏa rất mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội và ngay lập tức số tiền hỗ trợ của bạn đọc gửi về tài khoản Báo Thanh Niên để giúp cậu học trò nghèo hiếu học tăng lên rất nhanh. Chỉ sau 2 ngày, số tiền bạn đọc gửi về hỗ trợ Mạnh đã hơn 3 tỉ đồng. Mặc dù em đã xin ngưng nhận thêm để nhường cho những hoàn cảnh khó khăn khác, nhưng đến thời điểm nhận học bổng, tổng số tiền bạn đọc giúp Mạnh là 4.312.158.004 đồng.
Những cuộc gọi của bạn đọc từ khắp mọi nơi về Báo Thanh Niên thời điểm ấy với mong muốn hỗ trợ Mạnh thật sự không thể đếm xuể. Rất nhiều người còn tìm đến tận trường, nhà trọ của em để hỗ trợ trực tiếp.
Với những tình cảm và sự yêu thương mà bạn đọc gửi trao, giờ đây đã thay đổi cả cuộc đời của cậu học trò nghèo. Hôm nhận học bổng "Nghị lực mùa thi" từ số tiền bạn đọc hỗ trợ, Mạnh chia sẻ đầy biết ơn: "Bài viết trên Báo Thanh Niên đã thay đổi cả cuộc đời em". Và hành động rất đẹp ngay sau đó là em quyết định san sẻ 1 tỉ đồng cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn khác.
Tương lai đầy hy vọng
Nay gặp lại, Mạnh đón tôi tại cổng trường đại học, nơi mà trước đây mỗi lần ngồi học bài trong căn phòng trọ nóng hầm hập, cậu học trò thường chạnh lòng khi nghĩ đến, vì lo sợ hoàn cảnh sẽ khiến em không bao giờ chạm được vào giấc mơ…
Dẫn tôi đi quanh trường, không còn chất giọng yếu ớt và rụt rè ngày nào, giờ đây Mạnh rôm rả giới thiệu về chỗ học, các hoạt động giao lưu văn nghệ vô cùng thích thú, hay những người bạn kết thân được trên giảng đường…
Với những gì Mạnh chia sẻ, tôi biết em đang rất hạnh phúc khi được là sinh viên. "Do là ngành cơ khí chế tạo máy nên lớp chỉ toàn bạn nam, nhưng cũng rất vui, mới học mà em đã làm quen được hết các bạn trong lớp rồi. Học đại học dù khác nhiều so với thời THPT, nhưng em thấy rất thích, vì được trải nghiệm những điều mới lạ", Mạnh hào hứng kể.
Về căn phòng trọ cách trường khoảng hơn 5 phút di chuyển bằng xe gắn máy, cùng dùng bữa cơm tối với mẹ con Mạnh, tôi cảm nhận được sự ấm cúng len lỏi trong từng ánh mắt, nụ cười của hai mẹ con. Bữa ăn bây giờ đã có mẹ, có con, điều mà vốn dĩ là hiển nhiên với những gia đình nhưng lại là mong ước cháy bỏng của Mạnh từ ngày em phải xa mẹ.
Sau mỗi ngày đi làm, chị Nguyễn Thị Nhung (mẹ của Mạnh) trở về căn phòng trọ, mấy mẹ con cùng chuẩn bị bữa tối rồi quây quần bên nhau vừa ăn, vừa tíu tít nói cười, kể về việc học, bàn đến chuyện tương lai…
Vẫn làm giúp việc nhà, nhưng chị Nhung tâm sự: "Giờ đây đi làm mà tâm lý thoải mái lắm, đầu óc cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Trước đây, ngày nào cũng lo sợ tiền đâu đủ để sinh sống và lo cho các con ăn học. Đau xót nhất là phải sống xa Mạnh, tôi khốn khổ rồi con cũng phải đói thiếu theo. Nhờ số tiền mà bạn đọc hỗ trợ, giờ đây Mạnh đã là sinh viên, học đúng ngành mơ ước và đặc biệt là mấy mẹ con được sống cùng nhau".
Không những vậy, chị Nhung cho biết anh trai của Mạnh cũng nhờ số tiền này mà an tâm tập trung cho việc học để chuẩn bị tốt nghiệp Trường ĐH Sài Gòn, thay vì trước đây ngày nào cũng vất vả đi làm thêm đủ việc nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.
Nhớ lại những ngày còn ở quê nhà Hà Nam, bố của Mạnh rượu chè triền miên rồi gây sự, phải dắt díu hai con vào nơi xứ lạ mưu sinh khi hành trang trong tay không có gì, chị Nhung không dám tin sẽ có ngày nụ cười lại trở về trên gương mặt của 3 mẹ con.
"Còn gì hạnh phúc bằng khi một người làm giúp việc nhà như tôi giờ đây lại có hai đứa con học đại học. Thời điểm trước cái ăn còn không có, thì trong mơ cũng không dám nghĩ đến chuyện có nhà, nhưng nhờ số tiền mọi người hỗ trợ mà sắp tới mấy mẹ con tính sẽ trích một khoản mua cái nhà nhỏ, số tiền còn lại để lo cho Mạnh học đại học", chị Nhung xúc động chia sẻ.
Suốt buổi trò chuyện, cứ thi thoảng Mạnh lại nói: "Chị ơi, chị cho em gửi lời cảm ơn đến Báo Thanh Niên, quý bạn đọc, các thầy cô giáo ở trường cũ đã hỗ trợ rất nhiều để em được như ngày hôm nay". Rồi lâu lâu em lại hỏi thăm về cuộc sống của tôi, rằng: "Công việc có vất vả lắm không chị?", "Chị có phải đi công tác xa nhiều không?"… Những câu hỏi chỉ giản đơn thôi, nhưng sao tôi thấy ấm lòng đến lạ. Từ ngày Mạnh trao lại 1 tỉ đồng tiền bạn đọc hỗ trợ để san sẻ với những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác, cho đến hôm nay, em biết chủ động và ân cần hỏi thăm những người xung quanh, tôi thấy một tương lai đầy hy vọng ở cậu học trò từng rất khốn khổ ấy.
Suốt thời gian qua, Mạnh nhận được tình yêu thương rất lớn từ bạn đọc Báo Thanh Niên và cộng đồng gửi trao. Chính những sự quan tâm đó không chỉ thay đổi cuộc đời cậu học trò nghèo mà còn "đánh thức" hạt giống yêu thương trong em được nảy mầm, để rồi hôm nay và cả tương lai dài phía trước tôi tin cậu học trò ấy sẽ luôn là người có ích cho xã hội. Và rồi, em sẽ lại là người tiếp tục gieo những hạt mầm yêu thương trong thế hệ trẻ.
Bình luận (0)