Cuộc đời tổng thống Mỹ sau khi rời Nhà Trắng

02/09/2015 13:00 GMT+7

(TNO) Cũng như những ngôi sao điện ảnh, nghệ sĩ nổi tiếng đã qua thời đỉnh cao, Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu dự tính cho tương lai của mình sau khi rời Nhà Trắng.

(TNO) Cũng như những ngôi sao điện ảnh, nghệ sĩ nổi tiếng đã qua thời đỉnh cao, Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu dự tính cho tương lai của mình sau khi rời Nhà Trắng.

Liệu ông sẽ lắng nghe những gợi ý từ lịch sử, lui vào hậu trường như tổng thống Ronald Reagan, cha con nhà Bush hay tiếp tục dấn thân vào con đường chính trị như Jimmy Carter và Bill Clinton?

Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa chọn bước đi tiếp theo sau khi mãn nhiệm - Ảnh: ReutersTổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa chọn bước đi tiếp theo sau khi mãn nhiệm - Ảnh: Reuters
Đây là 2 con đường tiêu biểu mà các đời tổng thống Mỹ lựa chọn sau khi mãn nhiệm. Với kế hoạch xây dựng thư viện một tỉ USD và quỹ toàn cầu của mình, Tổng thống Obama dường như nghiêng về phương án thứ hai, để tiếp tục đương đầu với những thách thức về chính sách mà ông đã gặp phải trong những năm làm tổng thống, theo tờ New York Times.
Mark K. Updegrove, giám đốc thư viện và bảo tàng Lyndon Baines Johnson tại Austin, bang Texas và là tác giả cuốn sách Second Acts: Presdential Lives and Legacies After the White House (tạm dịch: Hồi 2: Cuộc đời tổng thống và di sản sau khi rời Nhà Trắng) nói rằng ông Obama vẫn là người có tham vọng và tầm nhìn về vấn đề thế giới, và cuộc sống thời hậu tổng thống của ông hẳn sẽ sống động hơn nhiều.
Tổng thống Obama sẽ rời Nhà Trắng khi còn khá trẻ, mới 55 tuổi. Và có thể trong những năm đầu, ông và vợ sẽ viết hồi ký, theo trợ lý của ông. Tuy nhiên, ông cũng có thể trở lại với những biến động ở Trung Đông hoặc làm đại sứ toàn cầu của Mỹ khi thực hiện các thỏa thuận lịch sử với Iran và Cuba.
Ông có thể đại diện cho nhóm bảo vệ luật chăm sóc y tế của ông hay nhấn mạnh các vấn đề kinh tế của giới trung lưu. Tổng thống Obama từng nói về ý định tạo ra các chương trình giáo dục và việc làm cho giới trẻ, đặc biệt là người da màu và ông rất quan tâm về tác động của công nghệ trong việc quản lý.
Liệu ông Obama có lui vào hậu trường hay tiếp tục dấn thân trong sự nghiệp chính trị? - Ảnh: AFPLiệu ông Obama có lui vào hậu trường hay tiếp tục dấn thân trong sự nghiệp chính trị? - Ảnh: AFP
Tuy vậy, những trợ lý thân cận của Tổng thống Obama cho biết ông đã cam kết không đụng chạm đến công việc của vị tổng thống kế nhiệm. “Ông ấy không phải là kiểu người muốn xuất hiện trên báo mỗi ngày và góp mặt trong các chương trình phỏng vấn ngày Chủ nhật”, David Plouffe, quản lý chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008 của ông Obama nói.
Các cựu tổng thống Mỹ thường dành thời gian để thật sự được nghỉ ngơi. Những vị như Dwight D. Eisenhower dành thời gian để nghỉ ngơi tại nông trại ở Pennsylvania, Gerald R. Ford thì thích đánh golf, ông Ronald Reagan thì thích chăn nuôi ở Nam California, ông Bush tuy có lập một quỹ ủng hộ hoạt động tình nguyện nhưng vẫn dành tất cả thời gian để ở cạnh gia đình tại Maine và Texas.
Mặt khác, các cựu tổng thống đôi khi lại trở thành người giúp đỡ tạm thời cho những nhân vật kế nhiệm. Tổng thống thứ 31 của Mỹ, Herbert Hoover được Tổng thống thứ 33, Harry S. Truman thuyết phục giám sát các hoạt động cứu trợ của châu Âu sau Thế chiến 2. Tổng thống Clinton thì 2 lần nhờ ông Carter giải quyết các tranh chấp tại Triều Tiên và Haiti. Trong khi đó, tổng thống George W. Bush (Bush con) từng nhờ cha mình và ông Clinton dẫn đầu các hoạt động cứu trợ cho các nước Đông Nam Á sau thảm họa động đất sóng thần năm 2004.
Thời hậu tổng thống sôi nổi của Jimmy Carter và Bill Clinton
Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter (phải) nhận giải Nobel Hòa bình năm 2002 - Ảnh: AFPCựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter (phải) nhận giải Nobel Hòa bình năm 2002 - Ảnh: AFP
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ duy nhất của mình, tổng thống Jimmy Carter lập ra trung tâm Carter, một tổ chức phi chính phủ với ngân sách hàng năm khoảng 113 triệu USD với mục đích thúc đẩy nhân quyền và giúp chống nạn đói nghèo, xung đột và áp bức.
Tổng thống Carter đã tận dụng vai trò siêu cường của Mỹ cùng hệ thống truyền thông để tăng cường các hoạt động cứu trợ của ông trên toàn cầu. Ông Mark K. Updegrove cho rằng, với sự trỗi dậy của Mỹ trong 50 năm qua, uy tín của một người từng làm tổng thống đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và mặc dù mãn nhiệm nhưng các tổng thống vẫn giữ tầm ảnh hưởng của mình.
Trong 34 năm kể từ khi rời Nhà Trắng, năm 1981, ông Carter đã giám sát các cuộc bầu cử ở Panama, làm trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột trên khắp châu Á, thúc đẩy nhân quyền ở Haiti, giúp phóng thích người Mỹ bị giữ tại Triều Tiên và được vinh danh giải Nobel Hòa bình năm 2002 nhờ thúc đẩy hòa bình tại Trung Đông.
Ông Clinton phát triển mô hình của ông Carter, gây quỹ được hơn 2 tỉ USD từ năm 2001. Quỹ này giúp chống nạn dịch AIDS tại châu Phi, tham gia các vấn đề về biến đổi khí hậu và quảng bá những cải tiến về chăm sóc y tế toàn cầu, các hoạt động cứu trợ sau thảm họa. Chưa kể số tiền nhiều triệu đô mà ông kiếm được nhờ việc diễn thuyết.
Cựu tổng thống Bill Clinton được cho là đã phát triển con đường của ông Jimmy Carter - Ảnh: ReutersCựu tổng thống Bill Clinton được cho là đã phát triển con đường của ông Jimmy Carter đề ra - Ảnh: Reuters
Ông James L. Rutherford, trưởng khoa tại trường Dịch vụ công Clinton ở Little Rock, bang Arkansas nói rằng ông Carter đã viết một cuốn sách về thời hậu tổng thống, còn ông Clinton thì biến nó thành một bộ bách khoa toàn thư.
Tổng thống Bush con mặc dù vắng bóng trên sàn chính trị nhưng cũng đã thành lập Viện George W. Bush để hỗ trợ các vấn đề sức khỏe toàn cầu và cải cách giáo dục. Ông Bush cũng âm thầm giúp đỡ cho cuộc chiến chống bệnh ung thư cổ tử cung tại châu Phi, nơi ông nhiều lần đến thăm sau khi mãn nhiệm.
Lui vào hậu trường để nghỉ ngơi hay tiếp tục làm một nhà hoạt động về các vấn đề chính sách, nhân quyền sau khi mãn nhiệm, những lựa chọn này vẫn chưa được Tổng thống Obama quyết định. Trong một bài phát biểu trước các lãnh đạo trẻ châu Phi tại Nhà Trắng gần đây, ông Obama đã lảng tránh nói về vấn đề này.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jennifer Friedman ngày 31.8 cũng khẳng định, Tổng thống Obama chưa đưa ra quyết định, tuy nhiên, ông từng bày tỏ sự quan tâm của mình đối với đại học Columbia và mong muốn làm việc với ngôi trường này. Ông Obama theo học tại đây hồi năm 1981, theo tờ Los Angeles Times.
“Bạn sẽ thấy ông Barack Obama bước vào một chặng đường mới, nơi ông có thể trở thành một chính khách, một chính trị gia hai đảng hay một nhân vật của quốc tế”, ông Rutherford dự đoán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.