Cuộc đua 'đạp giá' iPhone ở Việt Nam đã kết thúc?

26/09/2024 13:39 GMT+7

Giá iPhone 16 ở Việt Nam không chênh lệch nhiều, các đại lý bán lẻ không còn giương cao khẩu hiệu "rẻ hơn các loại rẻ" nhưng cuộc chiến vẫn âm ỉ kéo dài.

Tháng 4.2023, cuộc chiến khốc liệt về giá iPhone bắt đầu nổ ra ở Việt Nam khi một hệ thống bán lẻ lớn bắt đầu chiến dịch "giá rẻ quá". Hàng loạt đối thủ sau đó cũng "tham chiến" với khẩu hiệu như "rẻ hơn các loại rẻ", "rẻ hơn rẻ quá", "ở đâu rẻ hơn ở đây rẻ nữa"... Cuộc chiến này kéo dài hàng năm trời, có thời điểm các hệ thống cập nhật giá theo giờ để cạnh tranh. Người dùng Việt Nam từng dở khóc dở cười khi hôm trước mua được "giá rẻ nhất thị trường", hôm sau đã thấy sản phẩm tiếp tục "thủng đáy".

Khi đó, một số nhà bán lẻ thừa nhận họ thậm chí phải bán lỗ iPhone để duy trì thị phần. Một trong những lý do khiến cuộc đua "giảm giá kịch sàn" diễn ra là do doanh số bán hàng sụt giảm trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Các hệ thống buộc phải tìm mọi cách để kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi iPhone 16 chính thức mở bán, hầu hết đại lý bán lẻ lớn ở Việt Nam không còn nhắc về từ khóa "giá rẻ". Nhiều người hoài nghi liệu cuộc chiến "đạp giá" iPhone ở Việt Nam đã kết thúc?

Cuộc chiến không hồi kết

Di Động Việt, một trong những hệ thống bán lẻ từng tuyên bố "đua giá" đến cùng với các ông lớn, thừa nhận: "Ngoài kiên trì với 'rẻ hơn các loại rẻ' chúng tôi cũng có cạnh tranh, nhưng cạnh tranh bằng giá trị có thể đem lại cho khách hàng chứ không cạnh tranh về giá".

Trong khi đó, ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống Mai Nguyên, có hơn 20 năm kinh nghiệm trong thị trường, nhận định hiện tại hầu hết giá iPhone 16 trên thị trường đều ngang bằng nhau, không có tình trạng "đạp giá". Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt nguồn cung giai đoạn đầu.

Cuộc đua 'đạp giá' iPhone ở Việt Nam đã kết thúc?- Ảnh 1.

iPhone 16 Pro Max "cháy hàng" trong đợt đầu mở bán tại Việt Nam

ẢNH: ANH QUÂN

"Lúc này, máy có không đủ bán nên các đại lý không cần giảm giá để cạnh tranh. Tuy nhiên khi nguồn hàng về dồi dào, những model khó bán như bản tiêu chuẩn, bản Plus sẽ tồn kho nhiều, buộc các hệ thống phải chạy chương trình khuyến mãi. Một số nơi thậm chí chấp nhận bán lỗ, khi đó cuộc đua về giá lại quay lại như một vòng luẩn quẩn", ông Nguyên nhận định.

Đại diện CellphoneS cũng khẳng định: "Chắc chắn cuộc đua về giá sẽ trở lại nếu như có 'ông lớn' nào đó lại phát động cuộc chơi. Đây là quy luật tự nhiên".

Theo ông Mai Triều Nguyên, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng loạn giá này là các hệ thống bán lẻ ở Việt Nam kinh doanh không đoàn kết. Ông dẫn chứng ở những thị trường lân cận như Singapore hay xa hơn là Mỹ, hiện tượng này không diễn ra. Tất cả đều niêm yết giá theo Apple Store, không có chuyện đẩy giá khi khan hàng, đua giảm giá khi dư thừa.

Chiến trường mới leo thang

Một số nhà quan sát thị trường lâu năm nhận định: "Cuộc chiến giá rẻ không tốt cho cả người mua lẫn người bán". Khi giảm giá iPhone đến kịch sàn, các hệ thống buộc phải tìm cách cân đối lại lợi nhuận, những vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ, hậu mãi có thể phải cắt bớt. Lúc này chính người dùng sẽ bị thiệt, gây ảnh hưởng xấu đến toàn thị trường.

Điều này được phản ánh ngay trong giai đoạn đầu nhận cọc iPhone 16. Thị trường bắt đầu xuất hiện hình thức bán iPhone theo kiểu "bia kèm lạc" hoặc bán hai giá online và offline (giá tại cửa hàng cao hơn giá online).

Nhiều người dùng đang phản ánh họ buộc phải mua thêm một số các gói "VIP" hoặc "combo" (kèm sản phẩm khác) để được ưu tiên suất lấy sớm. Trong khi một số hệ thống khác cạnh tranh về giá trên thị trường online, nhưng để mua được máy ngay, họ được khuyến khích đến cửa hàng offline và chấp nhận giá cao hơn. Lúc này lợi nhuận gộp của hệ thống vẫn được đảm bảo trong khi có thể duy trì lợi thế cạnh tranh với các hệ thống khác.

Cuộc đua 'đạp giá' iPhone ở Việt Nam đã kết thúc?- Ảnh 2.

iPhone 16 Pro Max bán "bia kèm lạc" tại Việt Nam

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

'Lá bài tay áo' của các hệ thống bán lẻ

Trong khi cuộc đua về giá ngày càng diễn biến phức tạp, mỗi hệ thống bán lẻ lại chuẩn bị một phương án riêng để có thể giữ chân khách hàng và duy trì lợi thế cạnh tranh. Tại Minh Tuấn Mobile, hệ thống đang triển khai chương trình thu cũ đổi mới, trợ giá đến 95%. Đây được xem là một trong những nét đặc trưng riêng tại hệ thống bán lẻ này khi có đến gần 60% khách lên đời iPhone 16 thông qua hình thức thu cũ đổi mới. Chỉ sau 12 giờ mở đặt trước, hệ thống đã nhận được 1.500 đơn hàng, vượt kỷ lục năm ngoái.

Trong khi đó tại Di Động Việt, triết lý kinh doanh "Chuyển giao giá trị vượt trội" không chỉ cam kết với khách hàng mức giá tốt nhất mà còn kèm thêm nhiều dịch vụ, quyền lợi và trải nghiệm nâng cao từ khâu bán hàng đến các gói bảo hiểm mở rộng.

Các hệ thống như CellphoneS tiếp tục mở rộng kênh bán hàng, áp dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Bên cạnh đó hệ thống cũng cung cấp các dịch vụ mới như trải nghiệm thử sản phẩm, trả góp ba không (0% trả trước, 0% lãi suất, 0% phí). Một số hệ thống bán lẻ cũng đầu tư mạnh vào kênh bán hàng trực tuyến, giao hàng nhanh, tận dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Phần lớn hệ thống bán lẻ đều kỳ vọng iPhone 16 sẽ tạo sức bật tốt cho thị trường. "Giới chuyên môn đang có những dự báo lạc quan về nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm 2024. Đây sẽ là tiền đề tốt cho thị trường di động nói chung và ngành hàng iPhone nói riêng", đại diện Minh Tuấn Mobile nhận định. Trong khi CellphoneS cho biết số đơn đặt cọc cho iPhone 16 tại hệ thống đã tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ thống dự kiến mở bán 10.000 iPhone 16 trong ba ngày đầu, từ 0 giờ ngày 27.9.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.