Trường chất lượng cao: điểm học bạ phải cao, điểm thi rất khó
Ngoài hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam không được gọi là chuyên cũng chẳng phải hệ chất lượng cao, tuyển sinh vô cùng khốc liệt, toàn TP.Hà Nội có 4 trường THCS chất lượng cao, gồm: THCS Cầu Giấy, THCS Thanh Xuân, THCS Nam Từ Liêm, THCS Lê Lợi.
So với các tỉnh, thành trong cả nước, chỉ riêng Hà Nội có trường công lập chất lượng cao nên việc tuyển sinh thế nào cho mô hình này hàng năm luôn là vấn đề gây tranh cãi và là mối quan tâm của đông đảo phụ huynh có con vào lớp 6, vì chỉ tiêu có hạn mà nhu cầu dự tuyển quá cao.
Năm nay, theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, đối với các trường THCS được UBND thành phố công nhận trường chất lượng cao, tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu, việc tuyển sinh thực hiện theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực (kiểm tra), căn cứ vào điểm tuyển sinh để tuyển sinh.
Điểm tuyển sinh được xác định như sau: điểm xét tuyển + điểm kiểm tra (tính hệ số 2). Với trường hợp xét tuyển, căn cứ theo kết quả rèn luyện và học tập của học sinh ở cấp tiểu học và diện ưu tiên học sinh, các trường THCS xây dựng phương án xác định điểm tuyển sinh của học sinh. Điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10.
Với trường hợp kiểm tra, đánh giá năng lực, các quận, huyện, thị xã quy định bài kiểm tra đánh giá năng lực. Điểm các bài kiểm tra đánh giá năng lực tính theo thang điểm 10. Điểm kiểm tra là tổng điểm các bài kiểm tra đánh giá năng lực. Hình thức kiểm tra sẽ áp dụng trắc nghiệm khách quan, hoặc trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường lựa chọn thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực hợp lý, đảm bảo hoàn thành tuyển sinh chậm nhất ngày 7.8.
Theo thông báo của của các trường THCS chất lượng cao, hầu hết đều kết hợp cả xét tuyển học bạ và thi tuyển 3 môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Ví dụ, Trường THCS Cầu Giấy yêu cầu: điểm kiểm tra định kỳ cuối năm các môn toán, tiếng Việt (lớp 1, 2, 3, 4, 5), tiếng Anh (lớp 3, 4, 5) nếu đạt 10 điểm/môn sẽ quy đổi thành 2 điểm/1 năm học.
Nếu một trong các điểm kiểm tra định kỳ cuối năm các môn toán, tiếng Việt (lớp lớp 1, 2, 3, 4, 5), tiếng Anh (lớp 3, 4, 5) đạt điểm 9/môn thì điểm quy đổi trừ 0,5 điểm/môn/năm học.
Nếu một trong các điểm kiểm tra định kỳ cuối năm các môn toán, tiếng Việt (lớp 1, 2, 3, 4, 5), tiếng Anh (lớp 3, 4, 5) đạt 8 điểm/môn thì điểm quy đổi trừ 1 điểm/môn/năm học. Điểm xét tuyển bằng tổng điểm quy đổi 5 năm học.
Trường THCS Thanh Xuân quy định học bạ lớp 1 và lớp 2 phải "hoàn thành chương trình", điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm 2 môn toán và tiếng Việt của 2 năm học đạt từ 9 trở lên mỗi môn. Đồng thời, kết quả đánh giá định kỳ cuối năm về năng lực và phẩm chất ở mức đạt.
Học bạ lớp 3, 4 và 5 các bài kiểm tra định kỳ cuối năm 2 môn toán và tiếng Việt đạt từ 9 trở lên; môn tiếng Anh đạt từ 8 trở lên. Kết quả mỗi năm học ở cấp tiểu học được tính 2 điểm (tính điểm đối với 2 môn toán và tiếng Việt). Tổng điểm xét tuyển hồ sơ tối đa là 10 điểm.
Ngoài ra, thí sinh sẽ được cộng từ 0,5 - 1 điểm ưu tiên tùy thuộc vào đối tượng. Thí sinh có nhiều tiêu chuẩn ưu tiên chỉ được tính theo tiêu chuẩn cao nhất.
Các trường đều tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực với 3 bài kiểm tra môn toán, tiếng Việt và tiếng Anh; kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận. Điểm bài kiểm tra tính theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm trong đến 2 chữ số thập phân.
Trường THCS Ngoại ngữ (Q.Cầu Giấy) là trường THCS đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng được thành lập và hoạt động và thu học phí theo mô hình trường công lập chất lượng cao. Năm nay mới là năm thứ hai trường này tuyển sinh, nhưng vì danh tiếng của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ nên trường này cũng thu hút học sinh dù mức học phí cao hơn rất nhiều. Năm nay, một học sinh phải cạnh tranh 20 bạn khác để giành một vé vào lớp 6. Năm ngoái, tỷ lệ chọi lên đến 1/30.
Trường không đặt mức điểm sơ tuyển đầu vào, điểm ưu tiên hay khuyến khích, do đó, cơ hội của học sinh là như nhau với duy nhất vòng thi tuyển. Để vào trường, các em sẽ làm 3 bài thi đánh giá năng lực, gồm: khoa học tự nhiên và toán, khoa học xã hội và tiếng Việt và bài thi tiếng Anh.
Hệ song bằng: lấy 350 học sinh, hơn 3.000 em đăng ký thi tuyển
Hà Nội cũng là địa phương duy nhất đang triển khai thí điểm chương trình đào tạo quốc tế học chương trình THCS quốc gia Việt Nam và chương trình giáo dục nhận chứng chỉ trung học quốc tế IGCSE trong trường THCS công lập.
Toàn thành phố có 7 trường THCS tuyển học sinh lớp 6 học chương trình song bằng với tổng chỉ tiêu 350 học sinh cho năm học tới. Đó là các trường THCS: Chu Văn An (Q.Tây Hồ); Thanh Xuân (Q.Thanh Xuân); Cầu Giấy, Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy); Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên (Q.Hoàn Kiếm) và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Đây là năm thứ 2, Hà Nội triển khai tuyển sinh chương trình song bằng THCS công lập. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố có 3.004 học sinh đã nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các trường thí điểm thực hiện chương trình song bằng.
Để tuyển sinh vào hệ song bằng, học sinh sẽ thực hiện 2 bài kiểm tra đánh giá năng lực gồm: toán bằng tiếng Anh và bài tiếng Anh. Trong đó, môn tiếng Anh gồm 2 phần: phần viết (45 phút); phần nghe 30 phút. Bài kiểm tra toán bằng tiếng Anh theo chuẩn CAIE thời gian làm bài 60 phút.
Lịch kiểm tra được áp dụng thống nhất với tất cả học sinh đăng ký dự tuyển chương trình song bằng là ngày 23.7.2020.
Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh, số học sinh dự tuyển, nguyện vọng và điểm kiểm tra của thí sinh, hội đồng tuyển sinh nhà trường xây dựng phương án điểm chuẩn dự kiến. Điểm chuẩn của các trường sẽ được phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội xét duyệt.
Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ ban hành quyết định điểm chuẩn tuyển sinh của từng trường. Đây là căn cứ duy nhất để xác định điểm chuẩn, các nhà trường không được đưa ra bất cứ một loại điểm hoặc điều kiện nào khác để xét tuyển.
Bình luận (0)