Trong tuần rồi, Tạp chí quốc phòng DRA của Singapore đăng bài phân tích cho thấy máy bay do thám cũng như máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm có thể thực hiện nhiều chức năng ưu việt. Cụ thể, ở độ cao 9.000 m, radar của chúng vẫn có thể phát hiện, theo dõi máy bay hay thậm chí tàu đang di chuyển trên biển trong phạm vi 312.000 km2. Ngoài ra, máy bay AEW&C cũng có thể được dùng cho công tác tìm kiếm, cứu hộ cũng như góp phần hỗ trợ khả năng kiểm soát không lưu nhờ vào hệ thống dò tìm và liên lạc hiện đại. Do đó, nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã và đang đầu tư mạnh cho loại khí tài này trong bối cảnh tình hình các vùng biển đang căng thẳng.
|
Đông Bắc Á sôi động
Theo DRA, Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản đang vận hành 4 máy bay Boeing E-767 với hệ thống radar bao quát 360 độ và có thể phát hiện mục tiêu cách xa 320 km hoạt động tại khu vực miền trung Nhật Bản. Bên cạnh đó còn có 13 máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye do Mỹ sản xuất hoạt động tại căn cứ Misawa ở phía bắc. Miền nam thì được “trấn giữ” bởi máy bay E-3 Sentry của lực lượng Mỹ đóng tại căn cứ Kadena thuộc tỉnh Okinawa. Khi được triển khai, E-3 giám sát một khu vực chiến trường rộng lớn và cung cấp thông tin cho chỉ huy vận hành chiến dịch trên không, đồng thời có thể chỉ dẫn chiến đấu cơ tấn công mục tiêu. Tạp chí DRA dẫn lời giới chuyên gia cho rằng vị trí hoạt động của E-3 Sentry chứng tỏ chúng được dùng để theo dõi các hoạt động trên biển của Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Trong khi đó, Trung Quốc “bị ép” phải tự sản xuất máy bay do thám - cảnh báo sau khi Israel hủy kế hoạch bán hệ thống radar Phalcon vào năm 2000. Theo DRA, Bắc Kinh đã cho ra đời chiếc KJ-2000, được cho dựa trên máy bay Il-76MD của Nga, và loại KJ-200 có kích thước nhỏ hơn. Tính đến nay, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 5 máy bay KJ-2000. Hồi tháng 4.2013, nước này đã cho 3 chiếc KJ-2000 diễn tập trong vòng 24 giờ tại nhiều khu vực, trong đó có biển Đông và biển Hoa Đông. Báo PLA Daily của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tuyên bố cuộc diễn tập “đã có nhiều đột phá về tầm bay và thời gian hoạt động” và nước này đang lên kế hoạch mở rộng phi đội KJ-2000. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Antony Wong Dong tại Macau cho rằng Trung Quốc vẫn còn đi sau Mỹ và Nhật về số lượng, triển khai chiến thuật và phát triển phần mềm đối với máy bay do thám và cảnh báo sớm.
Ngoài Nhật và Trung Quốc, từ năm 2006, Hàn Quốc đã đặt mua 4 máy bay AEW&C 737 Peace Eye do Boeing sản xuất, với tổng trị giá 1,5 tỉ USD và đến cuối năm 2012 đã nhận hàng đầy đủ, theo DRA. 737 Peace Eye có khả năng theo dõi các mục tiêu trên không và trên biển cùng lúc.
Nam Á, Đông Nam Á vào cuộc
Theo DRA, lo ngại về các mối đe dọa chiến lược từ Trung Quốc và Pakistan, theo DRA, Ấn Độ không ngần ngại đổ tiền vào quân sự và một trong những ưu tiên là sắm hệ thống do thám - cảnh báo. Cụ thể, vào tháng 3.2004, New Delhi đặt mua 3 hệ thống radar IAI EL/W-2090 Phalcon để lắp đặt cho máy bay Ilyushin Il-76 A-50EI và sắp tới sẽ tiếp tục mua thêm. Với radar “hàng xịn”, phi đội Ấn Độ được cho là có khả năng theo dõi 60 mục tiêu cùng lúc trong phạm vi bán kính 800 km. Ngoài ra, Hải quân Ấn Độ cũng muốn trang bị máy bay do thám - cảnh báo sớm cho tàu sân bay của họ và tập đoàn Mỹ Northrop Grumman đang chào hàng E-2D Advanced Hawkeye. Ở bên kia biên giới, Pakistan đã sắm 6 máy bay Saab 2000 của Thụy Điển, bao gồm 4 chiếc được trang bị hệ thống cảnh báo sớm Saab-Ericsson Erieye, tầm hoạt động của radar là 450 km. Ngoài ra, nước này còn đặt mua 4 chiếc ZDK-03 của Trung Quốc.
Trong khi đó, các diễn biến gây quan ngại trên biển Đông khiến cuộc đua tăng cường khả năng cảnh báo sớm trên biển tại Đông Nam Á diễn ra sôi động. Ngay từ năm 2006, Thái Lan đã chọn máy bay Saab S100B Argus của Thụy Điển có khả năng phát hiện máy bay địch trong phạm vi bán kính 350 km, theo DRA. Singapore cũng không kém cạnh với 4 chiếc Gulfstream G550 của Mỹ được lắp đặt radar hiện đại Elta EL/W-2085 Phalcon.
“Hàng hiệu” của Mỹ Hiện nay, máy bay do thám/tuần tra/cảnh báo sớm trên biển P-3 Orion của Mỹ đang rất được ưa chuộng vì tính năng tối tân và khả năng săn tàu ngầm rất hiệu quả. Hồi tháng 4.2013, một số nguồn tin dẫn lời giới chức Tập đoàn Lockheed Martin tiết lộ chính phủ Mỹ đang thảo luận việc bán 6 chiếc P-3 Orion cho một quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc. Giới quan sát nhận định thương vụ này nếu thành công sẽ giúp nước này tăng cường khả năng tuần tra vùng đặc quyền kinh tế, phòng chống tàu ngầm xâm nhập. P-3 Orion thế hệ mới nhất được trang bị nhiều loại thiết bị điện tử, do thám, dò tìm bằng sóng âm, radar, định vị tối tân. |
Văn Khoa
>> Chiến đấu cơ Iran "dí" máy bay do thám Mỹ
>> Mỹ triển khai máy bay do thám Triều Tiên
>> Anh điều máy bay do thám tới Mali
>> Iran bắn máy bay do thám Mỹ
>> Mỹ sẽ bán máy bay do thám Global Hawk cho Hàn Quốc
>> Israel nâng cấp máy bay do thám không người lái
>> Venezuela sản xuất máy bay do thám không người lái
>> Mỹ đề nghị đưa máy bay do thám tới Philippines
>> Nga chạy thử nghiệm tàu ngầm hạt nhân tối tân
>> Nhật cảnh báo tàu ngầm lạ
>> Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc: Mạnh cỡ nào?
>> Tàu ngầm Kilo VN đặt mua: Lợi hại thế nào?
>> Nga đóng tàu ngầm siêu nhỏ
>> Úc tăng cường sắm máy bay, tàu ngầm
>> Châu Á tăng cường máy bay săn tàu ngầm
>> Hàn - Mỹ bắt đầu tập trận chống tàu ngầm
>> Hải quân Nga nhận ba tàu ngầm hạt nhân vào cuối năm nay
Bình luận (0)