Cuộc đua “siêu chiến đấu cơ” thế hệ mới

05/01/2025 06:00 GMT+7

Trong khi chỉ một số ít quốc gia sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình, thì Trung Quốc và một số nước đang chạy đua phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6.

Tuần qua, truyền thông và giới quan sát Ấn Độ đã lên tiếng thảo luận về việc ứng phó khả năng Trung Quốc có bước nhảy vọt về không quân với dòng chiến đấu cơ thế hệ 6 - có thể xem là thế hệ "siêu chiến đấu cơ" kế tiếp thế hệ 5.

Cuộc đua “siêu chiến đấu cơ” thế hệ mới- Ảnh 1.

Hình ảnh của chiến đấu cơ J-36 xuất hiện gần đây

ẢNH: CHỤP LẠI MÀN HÌNH

Bước tiến của Trung Quốc

Việc thảo luận trên diễn ra sau khi Trung Quốc trong những ngày cuối tháng 12 vừa qua đã tiết lộ clip ghi lại cảnh bay thử của dòng chiến đấu cơ thế hệ 6 được chế tạo bởi Tập đoàn Công nghiệp máy bay Thành Đô (CAC). Nhiều thập niên qua, CAC đã sản xuất các dòng chiến đấu cơ hiện đại của quân đội Trung Quốc như J-7, J-9, J-10 và cả chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20.

Xem chiếc máy bay chiến đấu bí ẩn của Trung Quốc đang gây ngạc nhiên trong giời quân sự

Chưa rõ, dòng chiến đấu cơ thế hệ 6 trên mang tên gì, nhưng việc con số 36001 xuất hiện trên thân máy bay khiến cho giới phân tích dự đoán dòng máy bay này có thể mang tên J-36 (tạm gọi là J-36). Qua hình ảnh xuất hiện, dòng chiến đấu cơ này có thiết kế hiện đại, cánh kéo dài đến hết phần đuôi. Hiện nay, Trung Quốc đã có 2 dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 là J-35 và J-20.

Tuy clip trên lần đầu tiên cho thấy hình ảnh của J-36, nhưng việc Trung Quốc phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6 đã được tiết lộ từ vài năm qua. Cụ thể, đầu năm 2019, một trong các nhà thiết kế chủ chốt của CAC thông tin tập đoàn này đang phát triển máy bay thế hệ 6 và có thể loại máy bay này sẽ chính thức được triển khai vào năm 2035. Cuối năm 2021, hình ảnh chụp bên trong cơ sở của CAC cho thấy có 1 máy bay mang thiết kế không đuôi tương tự J-36 trên. Và năm 2023, thông qua mạng xã hội, Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) đã tiết lộ thông tin định hình chiến đấu cơ thế hệ 6 mà tập đoàn này đang phát triển.

Cuộc đua “siêu chiến đấu cơ” thế hệ mới- Ảnh 2.

Tiêm kích F-35 của Mỹ thử nghiệm tên lửa AIM-120

ẢNH: KKÔNG QUÂN Mỹ

Mặc dù vậy, đặc điểm kỹ thuật về chiến đấu cơ thế hệ 6 của Trung Quốc vẫn chưa có thông tin chi tiết. Tuy nhiên, theo một số nguồn thông tin không chính thức thì so với thế hệ 5, dòng máy bay này được nâng cấp về khả năng tàng hình, tác chiến điện tử và thậm chí có thể được tích hợp trí tuệ nhân tạo.

Cuộc đua nhiều bên

Hiện nay, chỉ Mỹ cùng các đồng minh, đặc biệt là các thành viên NATO, đang sở hữu dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 do Mỹ phát triển. Ngoài ra, xứ cờ hoa còn có dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-22 được đánh giá là vượt trội hơn các loại cùng thế hệ, nhưng Washington không xuất khẩu F-22. Về chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình, ngoài Mỹ và các đồng minh, thì Trung Quốc có 2 dòng máy bay J-20 và J-35, Nga có dòng máy bay Su-57. Chính vì thế, chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình, vốn được xem là những "siêu chiến đấu cơ", đang là "đồ chơi xa xỉ" đối với không quân các nước.

So tài chiến đấu cơ thế hệ 5: J-20 có ngang sức F-35?

Dù chiến đấu cơ thế hệ 5 chưa phổ biến, thì không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác cũng đang chạy đua phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6. Điển hình, Mỹ đang có 2 dự án là F/A-XX và Next Generation Air Dominance (NGAD - thế hệ thống trị bầu trời kế tiếp). Trong đó, F/A-XX tập trung cho lực lượng không quân của hải quân, hướng đến thay thế hoàn toàn cho các dòng chiến đấu cơ F/A-18 E/F Super Hornet và F-35C đang đóng vai trò chủ lực cho không quân của hải quân Mỹ. Còn NGAD chính là kế hoạch thay thế cho F-22.

Ngoài ra, Nhật Bản cùng Anh và Ý đang hợp tác phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6 với chương trình mang tên Global Combat Air Programme (Chương trình Không chiến toàn cầu, GCAP). Từ năm 2010, Nhật đã lên kế hoạch phát triển thế hệ này với mã hiệu Mitsubishi F-X (do Tập toàn Công nghiệp nặng Mitsubishi thực hiện) để thay thế dòng Mitsubishi F-2, nhưng sau thì dự án này được tích hợp vào GCAP. Tokyo đang kỳ vọng sẽ triển khai hàng loạt chiến đấu cơ thế hệ 6 vào đầu thập niên 2030.

Trong khi đó, cũng nhằm phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6, Pháp cùng Đức và Tây Ban Nha hợp tác làm chương trình Future Combat Air System (Hệ thống Không chiến tương lai), Nga có chương trình Mikoyan PAK DP.

Các thế hệ chiến đấu cơ

Thế hệ 1: Bắt đầu dùng động cơ phản lực.

Thế hệ 2: Bắt đầu có kiểu dáng cánh quét về phía sau, trang bị radar để tính khoảng cách, tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại.

Thế hệ 3: Đạt tốc độ bay siêu thanh, trang bị radar có thể dò vị trí đối tượng hiệu quả, tên lửa có thể tấn công mục tiêu ngoài tầm nhìn.

Thế hệ 4: Khả năng hoạt động linh hoạt cao, tích hợp công nghệ điện tử hiện đại, giảm khả năng bị nhận biết bằng radar, tên lửa dẫn đường hiện đại, truy dấu mục tiêu.

Thế hệ 5: Có khả năng tàng hình, tác chiến linh hoạt hơn thế hệ 4.

Mỹ duyệt bán tên lửa đối không 3,6 tỉ USD cho Nhật Bản

* Ngoại trưởng Mỹ công du 3 nước

Chính phủ Mỹ vừa thông báo đã phê duyệt thương vụ bán các mẫu tên lửa đối không cho Nhật Bản với giá trị ước tính khoảng 3,6 tỉ USD. Theo đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3.1 đã thông qua hợp đồng cho phép Nhật Bản mua đến 1.200 tên lửa không đối không tầm trung, bao gồm các mẫu AIM-120D-3 và AIM-120C-8, cùng những phụ tùng liên quan, AFP đưa tin.

Washington tuyên bố thương vụ này sẽ tăng cường năng lực của Nhật Bản để đối phó với các mối đe dọa trước mắt và trong tương lai, giúp Nhật Bản củng cố an ninh quốc gia và đảm bảo an toàn cho quân nhân Mỹ đồn trú tại đây. Hợp đồng nói trên vẫn cần quốc hội Mỹ thông qua. Theo báo Nikkei Asia, thương vụ mua tên lửa ngoài việc củng cố hợp tác quốc phòng giữa hai nước đồng minh, còn mở đường để Nhật Bản phát triển năng lực sản xuất tên lửa nội địa trong tương lai.

* Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến công du 3 nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp trong ngày 4 - 9.1. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken sẽ gặp các quan chức cấp cao của chính phủ Hàn Quốc và thảo luận về cách Seoul có thể tăng cường nỗ lực quan trọng nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở và thịnh vượng, cũng như phát triển hợp tác 3 bên với Nhật Bản. Trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Blinken sẽ đánh giá những bước tiến nổi bật mà liên minh Mỹ - Nhật đạt được trong những năm qua. Tại Pháp, Ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận về chiến sự Ukraine, những thách thức ở Trung Đông và châu Âu trong bối cảnh đang có những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Bảo Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.