Cuộc đua tác chiến điện tử ở bầu trời bắc Biển Đông

01/02/2021 07:32 GMT+7

Gần đây, trong bối cảnh căng thẳng quanh quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông , cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều thường xuyên điều động máy bay trinh sát, do thám với các công nghệ điện tử tối tân đến khu vực này.

Cấp tập điều động máy bay quân sự

Tối 31.1, Reuters đưa tin Lực lượng phòng vệ Đài Loan thông báo 7 máy bay quân sự Trung Quốc và 1 máy bay trinh sát của Mỹ cùng ngày 31.1 đã bất ngờ xuất hiện tại Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Cụ thể, phía Bắc Kinh đã triển khai 2 máy bay chiến đấu cơ J-10, 4 chiến đấu cơ J-11 và 1 máy bay trinh sát Y-8 đến ADIZ của Đài Loan.

Nhật Bản yêu cầu hải cảnh Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm qua yêu cầu Trung Quốc đảm bảo luật mới cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ khí phải tuân thủ luật pháp quốc tế, theo Kyodo. “Điều quan trọng là luật mới của Trung Quốc không nên được thực thi nếu vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các hoạt động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, bao gồm việc ban hành luật sẽ tác động như thế nào đến các quốc gia trong khu vực”, ông Motegi nói trong buổi họp báo trước thềm luật có hiệu lực vào ngày 1.2.
Trước đó, Trung Quốc ngày 22.1 thông qua luật cho phép hải cảnh sử dụng “tất cả biện pháp cần thiết” để chống lại tàu nước ngoài. Đáng lo ngại nhất là hải cảnh Trung Quốc được trao quyền xua đuổi tàu thuyền các nước khác, thậm chí sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.  
 Phúc Duy
Các máy bay trên của Trung Quốc và máy bay trinh sát của Mỹ đều bay đến khu vực phía tây nam ADIZ của Đài Loan, xung quanh quần đảo Đông Sa mà Đài Bắc đang kiểm soát.
Trước đó, tờ Taiwannews dẫn một số nguồn tin về quân sự cho hay 1 máy bay tác chiến điện tử EP-3E của hải quân Mỹ đã bay đến khu vực kênh Ba Sĩ và tiến về Biển Đông. Hoạt động song hành cùng máy bay này còn có 1 máy bay P-8I cũng của hải quân Mỹ. Cùng thời điểm, 1 máy bay tác chiến điện tử Y-8G của Trung Quốc gần như bay song song và khá gần với máy bay Mỹ.
Liên tục trong hai ngày 23 và 24.1, Trung Quốc đã điều động nhiều máy bay quân sự, trong đó bao gồm cả máy bay trinh sát điện tử Y-8 xâm nhập ADIZ của Đài Loan. Các lần xuất kích này của máy bay Trung Quốc cũng đều bay đến khu vực quanh quần đảo Đông Sa.

Sơ đồ bay của EP-3E (trái) và Y-8G (phải) ngày 26.1 tại khu vực eo biển Đài Loan

Ảnh: Taiwannews

Kiểm soát lẫn nhau

Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: “Đối với Trung Quốc, việc sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự thì một trong các yếu tố tiên quyết là phải nắm rõ thông tin tại khu vực mục tiêu. Cách thức này cũng giúp Bắc Kinh thu thập thông tin các lực lượng của Mỹ hoạt động ở khu vực này. Số lượng thông tin liên lạc và tần suất hoạt động của máy bay tác chiến điện tử ngày càng tăng cho thấy Bắc Kinh đang sẵn sàng có kế hoạch cho hoạt động lớn”.
Trong khi đó, cũng theo TS Nagao, Mỹ đã điều động máy bay chống ngầm P-8I bên cạnh máy bay EP-3E khi hoạt động tại khu vực trên.
“P-8I có radar và hệ thống cảm biến tối tân chuyên dụng phát hiện tàu ngầm. Không dừng lại ở đó, P-8I còn có thể phát hiện cả các mục tiêu trên mặt biển và mặt đất. Ấn Độ từng sử dụng dòng máy bay này để phát hiện các động thái quân sự của Trung Quốc ở khu vực biên giới hai nước. Chính vì thế, việc điều động P-8I hoạt động cùng EP-3E còn giúp Mỹ có thể theo dõi cả thông tin lẫn chuyển động quân sự của Trung Quốc, phòng ngừa việc Bắc Kinh triển khai các hoạt động quân sự bất ngờ nhằm vào Đài Loan”, TS Nagao nhận định thêm và cho rằng tình thế kiểm soát chặt chẽ lẫn nhau vẫn đang tiếp diễn ở eo biển Đài Loan.

“Tiền đồn” quan trọng

Từ giữa năm 2020, Trung Quốc đại lục lẫn Đài Loan đều triển khai nhiều lực lượng quân sự và có các hoạt động quân sự hướng đến Pratas.

Anh sẵn sàng gia nhập “NATO châu Á”

Tờ The Telegraph hôm qua dẫn lời các nguồn tin chính phủ cho biết Anh sẵn sàng tham gia nhóm quân sự chiến lược phi chính thức “Bộ tứ kim cương” (Quad) bao gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc, còn được gọi là “NATO châu Á”.
Thông tin được đưa ra sau khi tân chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất tăng số lượng thành viên của Quad như một biện pháp đối trọng với Trung Quốc. Ông Kurt Campbell, điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cũng khuyến khích các nước châu Á tham gia nhóm này. Quad đang ngày càng thắt chặt quan hệ và tăng cường hợp tác trên biển để hợp lực kiềm tỏa Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuần rồi, chính phủ ông Biden cảnh báo Trung Quốc không nên có bất kỳ ý định nào nhằm bành trướng ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Phúc Duy
Quần đảo Đông Sa nằm ở rìa phía nam trong chiến lược vành đai bảo vệ mà Đài Bắc xây dựng nhằm ngăn chặn từ xa lực lượng quân sự của Trung Quốc đại lục trong trường hợp hai bên bùng nổ chiến sự. Ngược lại, với Bắc Kinh thì Đông Sa là bàn đạp có thể dùng để đổ bộ lên phía nam Đài Loan.
Thêm vào đó, quần đảo trên án ngữ ở vị trí cửa ngõ kênh Ba Sĩ vốn nằm trên hải trình mà hải quân Trung Quốc thường sử dụng để tiến về khu vực tây Thái Bình Dương hoặc băng xuống Biển Đông rồi hướng đến nam Thái Bình Dương. Các nhóm tàu chiến Trung Quốc thường xuyên đi qua kênh Ba Sĩ để tiến về phía nam của Biển Đông. Nên nếu kiểm soát được Đông Sa, hải quân Trung Quốc có thể tăng cường hoạt động ở Thái Bình Dương mà các bên khác khó có thể theo dõi.
Chính vì thế, Đông Sa - ở phía bắc Biển Đông - có vai trò “tiền đồn” chiến lược không chỉ đối với eo biển Đài Loan mà còn đối với cả Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.